Độc giả của BBC History mới đây đã bầu chọn nhà khoa học nữ lỗi lạc Marie Curie đứng đầu danh sách 100 người phụ nữ thay đổi thế giới.
Bà là người đầu tiên trên thế giới được trao 2 giải Nobel ở lĩnh vực khác nhau là vật lý và hóa học. Những nghiên cứu của bà đặt nền móng cho ngành nghiên cứu phóng xạ. Chính nhà khoa học này đã tìm ra hai nguyên tố hóa học mới (polonium, radium), đồng thời đưa ra ý tưởng và nghiên cứu sử dụng đồng vị phóng xạ vào điều trị bệnh ung thư - một vấn đề nan giải cho đến ngày hôm nay.
Bà Heenali Patel, phát ngôn viên của Fawcett Society - một tổ chức hàng đầu về quyền lợi phụ nữ tại Anh, cho biết: “Cống hiến của những bộ óc vĩ đại như bà Marie Curie cần được chúng ta ghi nhận. Việc chúng ta tôn vinh những di sản giàu có và phong phú họ để lại cho nhân loại là vô cùng cần thiết. Những câu chuyện về họ nên được kể lại để truyền cảm hứng cho những thế hệ nhà phát minh nữ trong tương lai”.
Đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách là Rosa Parks, nhà hoạt động phong trào dân quyền. Theo sau là Emmeline Pankhurst, lãnh đạo phong trào giúp phụ nữ giành được quyền bầu cử ở Anh.
Danh sách cũng vinh danh nhiều nhà khoa học nữ lỗi lạc khác với nhiều đóng góp cho thế giới. Một số ví dụ có thể kể đến như nhà lập trình máy tính Ada Lovelace xếp thứ 4 và nhà hóa học Anh Rosalind Franklin, người có đóng góp to lớn trong việc nghiên cứu DNA, xếp thứ 5.