Nhà nghèo, Huyền Chip từng chép tay sách tiếng Anh để học Ngoại ngữ

Nhà nghèo, Huyền Chip từng chép tay sách tiếng Anh để học Ngoại ngữ
HHT - Bố mẹ làm nông, không có tiền để cô mua sách và học tiếng Anh bên ngoài nên Huyền Chip đã mượn sách tiếng Anh về, chép tay lại toàn bộ cuốn sách và tra nghĩa từng từ cho đến khi hiểu được cuốn sách.

Sau ba năm, trở lại với cuốn sách Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford, Huyền Chip có nhiều điều để kể với độc giả của mình, từ hành trình đến với Đại học Stanford, những người bạn “khủng” học chung trường, chuyện học hành, dự định tương lai, thậm chí còn có cả... một mối tình.

Đến ĐH Stanford để bắt đầu lại

Nếu như ba năm trước độ chân thực của những chuyến đi Huyền Chip từng thực hiện là điều mà dư luận chú ý thì ở thời điểm hiện tại, người ta chú ý tới những câu chuyện của Huyền Chip gắn với ĐH Stanford. Trong buổi ra mắt sách tại Hà Nội trong chiều 17/12/2016, Huyền Chip đã chia sẻ với hàng trăm độc giả về hành trình tiếp cận ĐH Stanford của mình.

Nhà nghèo, Huyền Chip từng chép tay sách tiếng Anh để học Ngoại ngữ ảnh 1

Huyền Chip trong buổi giao lưu với độc giả Hà Nội chiều ngày 17/12.

Sau những ồn ào hồi tháng 9/2013, Huyền Chip bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ du học vào giữa tháng 10/2013. Do thời hạn nhận hồ sơ của các trường Đại học ở Mỹ thường kết thúc vào tháng 12 nên Huyền Chip có khá ít thời gian chuẩn bị, do vậy cô chỉ “rải” hồ sơ đăng kí vào 5 trường Đại học mình quan tâm nhất. Đây cũng là lần thứ hai Huyền Chip đưa ĐH Stanford vào tầm ngắm. Trong lần đầu tiên nộp hồ sơ vào trường Đại học này, Huyền Chip từng bị ĐH Stanford từ chối, nhưng với bài luận chia sẻ thực trạng về định kiến giới vần đang tồn tại ở Việt Nam, về tư tưởng con gái không cần học cao, chỉ cần biết nữ công gia chánh để lấy chồng là được… Huyền Chip đã thuyết phục được ĐH Stanford dành cho cô một chỗ trên giảng đường.

"Các trường ở Mỹ như Stanford, Harvard, Princeton.. có quy trình tuyển sinh toàn diện, khác với Việt Nam tuyển sinh theo điểm số. Do vậy điểm số chỉ là một phần, ngoài ra còn cần bài luận, thư giới thiệu, hoạt động xã hội… nên rất khó để biết làm thế nào để một trường Top nhận bạn.Nhưng có một điểm chung mình nhận thấy ở bạn bè học tại ĐH Stanford là họ đều biết mình muốn gì, biết đam mê của mình từ hồi cấp Hai, cấp Ba và thể hiện được là mình đã theo đuổi đam mê đó như thế nào", Huyền Chip chia sẻ.

Nhà nghèo, Huyền Chip từng chép tay sách tiếng Anh để học Ngoại ngữ ảnh 2

Huyền Chip trong một kỳ nghỉ Đông ở Cuba.

Trong một môi trường học thuật hàng đầu thế giới, không chỉ các giảng viên trong trường nằm trong nhóm tinh hoa, ngay cả bạn bè của Chip cũng “khủng” không kém. Là anh bạn thân Ari - vốn là đại kiện tướng cờ vua thế giới từ năm 13 tuổi, cũng đến Stanford để bắt đầu lại, hay anh chàng “hàng xóm” phòng cạnh bên Jaime - người có đam mê thiết kế tên lửa, từng phóng 6 tên lửa và có thời gian cộng tác cùng NASA…

Ngay như Chip trong mắt bạn bè cũng “khủng” không kém khi ngay trong kì đầu tiên đã nhận hết số tín chỉ tối đa dành cho sinh viên. Đến kì thứ hai, Huyền Chip thậm chí còn xin phép học vượt số tín chỉ tối đa sinh viên được nhận, trong khi những người bạn xung quanh còn đang chật vật để đảm bảo theo hết số tín chỉ của mình. Bắt đầu làm trợ giảng từ năm thứ Nhất Đại học, với nỗ lực của mình, hiện tại Chip vừa được nhận vào chương trình học Thạc sĩ của trường, như vậy Chip sẽ hoàn thành cả chương trình Đại học lẫn Thạc sĩ vỏn vẹn trong bốn năm thay vì sáu năm như thông thường. Ngoài làm trợ giảng, từ quý tới Chip sẽ có lớp mới, do chính cô khởi xướng và giảng dạy.

Sau Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford, Chip đang chuẩn bị ra mắt một cuốn sách viết về văn hóa Việt Nam bằng tiếng Anh mang tên How to not get your ass kicked in Vietnam: The native’s guide sẽ ra mắt trong năm 2017. Huyền Chip đã dành tới hai năm để phỏng vấn những vị khách nước ngoài từng đến Việt Nam về điều họ quan tâm, từ đó lấy tư liệu viết một cuốn sách giải thích về văn hóa Việt Nam, về những chuyện kỳ lạ trong mắt người nước ngoài.

Nhà nghèo, Huyền Chip từng chép tay sách tiếng Anh để học Ngoại ngữ ảnh 3

Nhiều độc giả trẻ đến buổi ra mắt sách của Huyền Chip để nghe những trải nghiệm của cô.

Ở Stanford không chỉ có hoa hồng

Huyền Chip kể: “Ở Việt Nam mọi người hay gọi điện cho nhau liên tục. Ở bên Mỹ, nhất là Stanford thì rất ít, mọi người hầu như không ai gọi cho ai bao giờ. Lý do là khi mình gọi cho ai đó là mình yêu cầu sự quan tâm, sự chú ý lập tức của người khác. Khi mình tôn trọng người khác thì không thể cứ cầm điện thoại lên và gọi cho người khác, vì nếu như họ đang làm gì đó thì họ phải rời công việc đó ra để trả lời điện thoại của mình. Nếu mình muốn gọi điện cho ai, mình sẽ nhắn tin cho họ, hỏi: “Bây giờ có phải là thời gian thích hợp để nói chuyện không? Nếu được, bạn hãy gọi lại cho mình”.

Ở Stanford mọi người quản lý thời gian rất tốt. Thời gian học với số tín chỉ trung bình là 60 giờ/ tuần. Còn với mình học số tín chỉ tối đa thì khoảng 80 giờ/ tuần. Với khoảng thời gian như vậy thì việc giao lưu bạn bè, hẹn hò cà phê tán dóc là chuyện rất xa xỉ. Phải quý ai lắm thì mới hẹn như thế. Hẹn nhau cũng chỉ giới hạn trong khoảng nửa tiếng đến một tiếng. Còn bạn bè thường tranh thủ gặp nhau lúc ăn trưa, ăn tối, học bài cùng nhau, lúc nghỉ ngơi tranh thủ vài phút nói chuyện với nhau, rồi lại học bài tiếp.”

Sống trong một môi trường ai cũng quý thời gian, không muốn làm phiền tới thời gian của người khác nên Chip cũng như các sinh viên khác ở Stanford ít khi chia sẻ vấn đề của mình với những người bạn, kể cả lúc buồn. Do vậy mọi người trong trường ít khi biết được bạn bè mình đang gặp vấn đề gì, đang trải qua những chuyện như thế nào. Và không phải ai cũng chịu được sự khắc nghiệt ở Stanford, trong cuốn sách của mình, Chip cũng nhắc đến trường học một sinh viên tự tử ngay trước khi tốt nghiệp và có hai người chung kí túc xá đã bỏ về nhà vì không chịu nổi sức ép. Trong khi phòng chăm sóc tâm lý của trường lúc nào cũng đông người chờ tới lượt tư vấn, thậm chí cần lên lịch hẹn trước hai tuần.

Nhà nghèo, Huyền Chip từng chép tay sách tiếng Anh để học Ngoại ngữ ảnh 4

Huyền Chip đang ấp ủ cho ra mắt cuốn sách viết về văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài.

Từng chép tay sách tiếng Anh để học Ngoại ngữ

Trong phần giao lưu, Chip nhận được nhiều câu hỏi từ độc giả đề cập đến cách học hiệu quả. Chip cho biết mình là người có khả năng tập trung cao độ. Thậm chí cô nàng còn khiến một người bác phát sợ khi thấy cháu học liên tục từ 8 giờ sáng cho tới tận nửa đêm, chỉ nghỉ khi ăn. Cũng chính vì thế nên thời gian ôn luyện SAT của Huyền Chip chỉ trong vòng bốn tuần.

Huyền Chip còn kể, hồi mới lên Hà Nội học cấp Ba, trong khi các bạn cùng lớp nói tiếng Anh vèo vèo thì Chip không nói được câu nào khi giáo viên gọi lên bảng. Chip rất tự ái, quyết tâm học nhưng vì điều kiện khó khăn, bố mẹ làm nông, không có tiền để cô mua sách và học tiếng Anh bên ngoài nên cô đã mượn sách tiếng Anh về, chép tay lại toàn bộ cuốn sách và tra nghĩa từng từ cho đến khi hiểu được cuốn sách. Việc chép tay giúp Chip chú ý đến từng chi tiết nhỏ trong cách sử dụng ngữ pháp.

Ngoài ra, cô còn tham gia làm tình nguyện viên hướng dẫn cho khách du lịch tại khu vực hồ Hoàn Kiếm để có cơ hội thực hành tiếng Anh. Chip cho rằng việc học tiếng Anh trên lớp là không đủ, để giỏi tiếng Anh rất cần một môi trường để thực hành thường xuyên.  

DƯƠNG THÙY

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm