Độc giả Trà Sữa Cho Tâm Hồn đã đọc nhiều những bài viết của Hiền Trang, vậy còn thế giới riêng của bạn thì sao? Hé lộ chút xíu, nha!
Hiền Trang: Chào Trà Sữa! Tôi là Hiền Trang. Thật khó nói là tôi làm nghề gì. Tôi viết báo nhưng không phải nhà báo. Tôi viết văn nhưng không dám tự gọi mình là nhà văn. Thế giới của tôi bé lắm, chỉ cần sáng ngủ dậy đọc vài chục trang sách hay, rồi được nghe nhạc, được viết lách, tối trước khi đi ngủ lại đọc thêm vài chục trang sách hay nữa, thế là sướng rồi.
Nếu căn nhà tôi đang sống làm bằng gỗ, lọt thỏm giữa rừng thông thì tôi không còn cầu gì hơn.
Đọc Hiền Trang qua trang viết, có thể thấy ở bạn sự cá tính với những lập luận rất riêng, nhưng khi gặp Hiền Trang ở ngoài đời lại thấy bạn dịu dàng và đầy nữ tính. Có khi nào văn học là cách Hiền Trang thể hiện những khía cạnh cá tính trong con người bạn?
Hiền Trang: Tôi lại tưởng là ngược lại. Bên ngoài tôi nói năng thiếu suy nghĩ, bặm trợn, có vào văn bỗng nhiên lành tính hẳn, mơ mơ thực thực hoang đường. Có người bạn còn bảo, tôi ăn nói như thế mà cũng viết được văn. Nhưng dù gì thì đúng như bạn nói, văn chương nhất định thể hiện bản ngã của mình, nếu không thì chỉ là người chép truyện.
Trước khi trở thành một cây viết, giấc mơ thủa bé của Hiền Trang có phải là nhà văn?
Hiền Trang: Hoàn toàn không, nhà văn xếp vị trí thứ tư trong danh sách ước mơ của tôi. Ước mơ đầu tiên là làm nhà vật lý thiên văn, thứ hai là làm nhà sinh vật học, thứ ba là sống mà chả làm gì, thứ tư mới là làm nhà văn. Nhưng vì ba giấc mơ kia đều tan vỡ nên tôi đành bằng lòng với nghề văn vậy.
Nói vậy chứ, viết lách là nghiệp. Tôi sa ngã vào cái nghiệp này (từ “sa ngã” vô cùng hợp lí) một cách tự nhiên. Mới đầu thì chẳng có gì để viết cả, nói như Murakami là “viết khi không có gì để viết”. Nhưng tôi nghiệm ra rằng ngoài viết, mình chẳng làm được cái gì khác tốt hơn.
Cơm áo vốn không đùa với khách thơ, liệu cuộc sống của một cây viết có làm bạn hài lòng?
Hiền Trang: Vâng, như người ta vẫn nói đó, “văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Tôi nghĩ thời một người sẵn sàng sống nghèo khổ để viết nó đã qua rồi. Mà tôi vẫn cho nghệ thuật là thú của người có điều kiện. Cứ phải no cơm ấm cật thì ta mới tính. Nên tôi vẫn làm để kiếm tiền nuôi văn.
Hài lòng thì chắc chưa, tôi còn nhiều mộng ước với nghề, đi đến hôm nay cũng mới chỉ là bước từ bóng tối ra bóng râm mà thôi. Tôi còn muốn bước ra ánh sáng nữa.
Hiền Trang sẽ đợi cảm hứng đến với mình, hay thích đi tìm cảm hứng để viết? Đã bao giờ Hiền Trang muốn viết, nhưng loay hoay mãi không thể diễn tả hoặc viết mãi không được như ý hay chưa?
Hiền Trang: Tôi là kiểu người sẽ đi lùng bắt cảm hứng thay vì ngồi đó đợi nó rớt xuống đầu. Có thể có một ý tưởng xô vào tôi, nhưng nếu tôi không chạy bắt lấy nó thì nó cũng sẽ vỡ tan như sóng biển thôi. Nghề viết đôi khi phải ép mình viết. Bởi cố gắng duy trì viết mới là điều khó nhất. Để viết thành thói quen, nó cũng khó như người mới tập thể thao vậy.
Cũng có lúc tôi thấy bí. Nhiều lúc là đằng khác. Lúc đó sẽ ngồi nuôi ý tưởng, nuôi như nuôi mèo. Đợi nó lớn và trổ mã, tôi tin nếu lao động đủ nhiều thì rồi cũng phải ra thôi. Nhưng chọn con đường này ngay từ đầu thì ta đã phải chấp nhận không bao giờ lên đến đỉnh, ai có thể với được tới Kafka hay Shakespeare phải không?
Chúng ta sẽ mãi ở lưng chừng núi, nhưng nhìn phong cảnh từ quãng này cũng đẹp rồi.
Đừng chỉ viết cho vui, thái độ chuyên tâm là điều quan trọng, bằng không bạn sẽ chỉ là kẻ đẽo cày giữa đường - Ảnh: NVCC
Độc giả của Trà Sữa Cho Tâm Hồn hẳn có nhiều người mộng giấc mơ văn sĩ, là một cây bút có kinh nghiệm, bạn có lời khuyên gì cho những người bắt đầu viết?
Hiền Trang: Hãy tin vào những gì mình viết nhưng đôi khi cũng nên nghi ngờ nó. Ngoài ra, đừng chỉ viết cho vui. Không ai viết cho vui mà viết ra được cái gì đáng đọc cả. Mới đầu, ta viết cho vui cũng được, nhưng dần dần phải đổi thái độ, phải chuyên tâm lao động, rèn luyện, nếu không thì chỉ là đẽo cày giữa đường. Và bạn hãy yên tâm, luôn có chỗ cho văn chương chính chuyên. Luôn có nhiều cơ hội, nhiều quý nhân phù trợ cho bạn, nếu bạn khăn gói đủ xa để bắt gặp họ.
Nghe nói Hiền Trang có hẳn một danh sách những cuốn sách nhất-định-nên-đọc, bạn có thể chia sẻ cho độc giả của Dreaming được không?
Hiền Trang: À, danh sách này cũng từ khá lâu. Hẳn là cần cập nhật. Nhưng đại để nó là những cuốn sách mà mỗi khi đọc, tôi sợ phải viết. Nó hay đến mức tôi biết tôi không thể nào, trong bất kỳ kiếp sống nào, vươn lên tới đỉnh cao như vậy.
Xếp số 1 là Moby Dick của Herman Melville. Đó là cuốn tôi thích nhất, những cuốn sau tôi không xếp thứ tự: Nghệ nhân và Margarita, Chiến tranh và Hòa Bình, Nắng tháng Tám, Giấc mộng đêm Hè, Thần thoại Hy Lạp, Chàng ngốc, Anh em nhà Karamazov, Tội ác và Hình phạt, Núi thần, Hồng Lâu Mộng, Trăm năm cô đơn, Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn, Don Quixote, Pedro Paramo, hai tập sử thi Ấn Độ Mahabharata và Ramayana. Nhưng đấy mới là văn chương, triết học và khoa học cũng có nhiều tác phẩm khác.
Cho đến hiện tại, bạn yêu thích hoặc chịu ảnh hưởng từ nhà văn, cây bút nào nhất? Triết lý văn học nào khiến bạn tâm đắc vô cùng?
Hiền Trang: Bản thân tôi coi Nabokov và những trước tác, đặc biệt là truyện ngắn của ông, là thầy dạy và sách giáo khoa văn học của mình. Nhưng như nhiều người nhận xét, các câu chuyện của tôi thường thả lửng nhân vật theo kiểu Kafka.
Vâng, tôi chịu ơn sâu nặng từ Kafka. Tôi cũng thích Shakespeare nữa, khi ai đó hỏi tôi tác giả yêu thích nhất, tôi luôn buột miệng nói Shakespeare, nhưng là Shakespeare thời còn đầy cảm giác mộng mơ với cuộc đời. Tôi cũng không nhớ triết lí văn học của họ là gì.
Tôi theo phái hiện sinh Sartre, tức là cuộc đời không có công thức, mỗi người trên đường sống sẽ nhận ra cuộc đời phi lí thế nào. Tôi tin vào triết lí của bản thân vì chỉ tôi mới sống cuộc đời của mình.
Bạn có theo đuổi một triết lý sáng tác nào trong quá trình viết không? Hoặc khi viết, bạn có chủ ý muốn truyền tải điều gì tới độc giả?
Hiền Trang: Tôi rất rất thích câu hỏi này. Trên website của mình, tôi có đề “Muốn làm tri kỉ của thằng hề, lại trở thành bạn đường của vua Lear”.
Trong thế giới người điên, chỉ có thằng hề là tỉnh táo. Tôi muốn làm một người tỉnh táo như thằng hề, nhưng rồi cũng vẫn chỉ điên như vua Lear mà thôi, điên như mọi người trên thế gian này, tức là cũng hỉ nộ ái ố mù quáng sai lầm. Nhưng văn chương nó là thế kẹt cứng ấy, nhà văn luôn kẹt giữa sự chuyển hóa từ ác quỷ sang thiên thần, họ luôn muốn vươn lên thành cái gì đó cao hơn, nhưng lại luôn bị trì níu trong vũng bùn cuộc sống.
Ai không bị trì níu trong vũng bùn ấy thì sẽ tu thành chính quả nhưng họ lại không còn nhạy cảm với đời để mà viết được văn. Ngược lại, ai mà không có ý chí muốn vươn lên chân thiện mĩ mà chỉ vục đầu trong bùn thì cũng không viết được văn nốt.
Ngoài viết văn, bạn thường tận hưởng thời gian rảnh để...?
Hiền Trang: Để thở. Thật mà. Vì đối với tôi, dù là đọc sách, xem phim, viết lách, nghe nhạc hay đi du lịch, đều là lúc không rảnh. Nên lúc rảnh tôi chỉ có thở thôi.
Người viết văn thường sống nội tâm, còn Hiền Trang, bạn có cho rằng mình thuộc tuýp hướng nội không? Có bao giờ bạn cảm thấy mệt vì chính cảm xúc của mình?
Hiền Trang: Tôi nghĩ viết văn đều như vậy đấy. Là một tảng băng trôi, có khi trồi lên một phần rất lớn, nhưng phần ẩn dưới nước còn lớn gấp mấy lần kìa. Tôi vui vì mình có thể nhạy cảm với cuộc đời, và coi nó là năng khiếu trời phú, nếu một ngày nào đó tôi không còn nhạy cảm với đời nữa chắc tôi buồn lắm.
Được biết Hiền Trang từng đạt giải Ba trong cuộc thi sáng tác Văn học tuổi 20 lần VI với cuốn sách “Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa”, bạn có thể nói một chút xíu về cuốn sách này không?
Hiền Trang: Đó là tập truyện ngắn mà tôi đã viết suốt 3 năm, từ khi bắt đầu viết. Một cuốn sách hy vọng là cuối cùng của tôi về những giấc mộng hoang đường và niên thiếu. Về sau này, tôi mong có thể gai góc hơn.
Tôi không biết nói gì về tác phẩm, nhưng một vài lời bình luận mà tôi trân quý nhất đến từ nhà văn Phan Hồn Nhiên, giám khảo cuộc thi. Chị nhận xét là cuốn sách mang không khí văn chương tự nhiên và thuần khiết.
Còn chị Phong Linh, cũng là một cây bút lâu năm, có viết là “Như bao phủ một lớp sương mờ, khiến tôi liên tưởng tới bộ phim Ugetsu Monogatari của đạo diễn Nhật Bản vĩ đại, Kenji Mizoguchi”. May quá, Ugetsu cũng là bộ phim tôi ngưỡng mộ.
Đã bao giờ bạn đọc những cuốn sách khiến bản thân phải thốt lên: “Hay như vậy rồi, tôi còn viết làm gì nữa”? Một khi đã như vậy, động lực để bạn tiếp tục cầm bút là gì?
Hiền Trang: Có nhiều những cuốn sách như vậy, họ là đỉnh núi. Tôi chỉ dám xin đứng ở lưng chừng thôi. Tôi cũng không dám mong gì ngoài việc được thổ lộ câu chuyện của mình, nếu có ai đọc được thì thật tốt. Mục đích viết văn của tôi vậy đó.
Cảm ơn Hiền Trang vì cuộc trò chuyện.