Nhiều người ủng hộ đề xuất dạy học theo tín chỉ ở bậc THCS và THPT của TP.HCM

Nhiều người ủng hộ đề xuất dạy học theo tín chỉ ở bậc THCS và THPT của TP.HCM
HHT - Những đề án giáo dục với cơ chế mở của TP.HCM như rút ngắn thời gian năm học, đào tạo theo hình thức tín chỉ, tự công nhận tốt nghiệp… đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Ông Đào Tuấn Đạt - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Trường THPT Anhxtanh Hà Nội chia sẻ: “TP.HCM đề xuất cho học sinh THCS và THPT học theo hình thức tín chỉ sẽ giúp những học sinh giỏi không phải học chậm để chờ những em có lực học yếu như hiện nay.

Ngược lại đề xuất của TP.HCM còn giải quyết được bài toán chọn môn học tự chọn theo chương trình giáo dục phổ thông mới, giúp rút ngắn thời gian đào tạo lại, tạo sự linh hoạt trong lớp học. Đồng thời cũng giúp cho học sinh có thời gian tập trung vào những mục tiêu khác phục vụ cho tương lai như các chứng chỉ vào trường ĐH quốc tế…”.

Nhiều người ủng hộ đề xuất dạy học theo tín chỉ ở bậc THCS và THPT của TP.HCM ảnh 1

Nhiều người ủng hộ đề xuất dạy học theo tín chỉ ở bậc THCS và THPT của TP.HCM.

Còn Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn - giáo viên tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho hay: “Việc đào tạo rút ngắn thời gian học cho học sinh theo tôi là hoàn toàn hợp lý. Hiện nay có rất nhiều học sinh giỏi các em đủ khả năng để kết thúc chương trình THPT trước 18 tuổi nhưng lại không thực hiện được điều đó vì phải học theo đúng khung chương trình 9 tháng/năm như hiện nay, lãng phí không ít thời gian.

Tôi nghĩ rằng cho phép học sinh học rút ngắn thời gian học sẽ tạo nhiều cơ hội và đem đến nhiều sự lựa chọn cũng như chủ động hơn cho các kế hoạch trong tương lai.

Cùng với đó, nếu học theo tín chỉ, các em có thể chủ động lựa chọn những môn học mà phù hợp với sở trường của các em. Nó còn giúp cho các em được tiếp cận với cách học ở bậc ĐH. Tất nhiên, việc hoàn thành chương trình học còn phụ thuộc vào khả năng nhận thức cũng như tư duy của các em.
 
Các em cũng sẽ chủ động thời gian học và  phát huy hết năng lực của mình và dành thời gian để tìm hiểu và trải nghiệm những kiến thức vừa học vào thực tế cuộc sống của chính các em.

Đó là chưa kể, học qua mạng là hình thức không còn xa lạ đối với nhiều người. Thực tế là nhiều em không có nhu cầu đến trường và muốn học online thì cũng có thể cho các em ở nhà tự nghiên cứu và sẽ tổ chức thi tập trung theo đề chung”.

Một phụ huynh học sinh tại quận 1 (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ những đề xuất mới này của TP.HCM, nhất là việc cho các em học theo hình thức như tín chỉ tại các trường ĐH. Bởi lẽ, các em có năng lực có thể dễ dàng đạt được mục tiêu của mình trong thời gian ngắn và dành thời gian làm được nhiều việc hữu ích hơn thay vì “đóng đinh” cứ 18 tuổi mới học xong bậc THPT.

Là người lớn chắc hẳn chúng ta cũng rất áp lực nếu phải làm những việc mà chúng ta không thích. Và đương nhiên làm những việc không thích thì kết quả cũng sẽ không như mong muốn. Vì vậy, cho học sinh học 8 môn bắt buộc còn lại cho các cháu tự chọn môn học nào mà các cháu thấy phát huy được năng lực cũng như sở trương của mình là hợp lý”.

Được biết, đến quý II năm 2018 TP.HCM sẽ sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy để quyết chủ trương, đồng thời báo cáo Bộ GD&ĐT để trình Chính phủ xem xét quyết định.

Nếu được Chính phủ thông qua sẽ bắt đầu áp dụng từ năm học 2019 - 2020 và tất nhiên sẽ không áp dụng đại trà ngay mà thí điểm ở một số cơ sở giao dục có đủ điều kiện trên nguyên tắc: Tôn trọng quyền tự nguyện đăng ký của học sinh.

HOÀNG THANH / Theo: Infonet.vn

Theo infonet.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm