Nhiều nơi ở Huế tái lập mốc lũ lịch sử, 24.520 ngôi nhà bị ngập nặng

Nhà dân bị lũ nhấn chìm tại huyện Phong Điền, TT-Huế.
Nhà dân bị lũ nhấn chìm tại huyện Phong Điền, TT-Huế.
TPO - Mức lũ trên sông Bồ qua hai huyện Phong Điền, Quảng Điền và thị xã Hương Trà (TT-Huế) trong những giờ qua, đã tái lập mốc lịch sử năm 1999. Đến sáng 10/10, nhiều vùng vẫn ngập sâu trong lũ, nhiều ngôi nhà bị nước lũ ngập chạm mái... 

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh TT-Huế, đến sáng 10/10, mức lũ trên sông Hương tại Kim Long là 2,83  mét, dưới báo động 3 là 0,67 mét; trên sông Bồ tại Phú Ốc là 5,16 mét, trên báo động 3 là 0,66 mét.

Nhận lệnh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh TT-Huế, hai hồ chứa thủy lợi Tả Trạch và thủy điện Bình Điền trong sáng 10/10 tức tốc xả nước với lưu tốc tăng từ 900-1500m3 (hồ Tả Trạch) và  500-1500m3 (hồ Bình Điền).

Nhiều nơi ở Huế tái lập mốc lũ lịch sử, 24.520 ngôi nhà bị ngập nặng ảnh 1

Lũ vẫn bủa vây khắp nơi tại TT-Huế trong sáng 10/10.

Việc tăng lưu lượng xả lũ từ hai hồ chứa này gây nguy cơ ngập sâu nhiều vùng hạ du sông Hương, do lũ trên sông này đã dâng cao (trên báo động 2) từ trước.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, cho biết, lũ trên sông Bồ vẫn ở mức rất cao, công tác di dời dân đã được khẩn trương triển khai. Đến sáng 10/10, toàn thị xã Hương Trà đã di dời 1.450 hộ, với 4.350 nhân khẩu đến nơi an toàn. Ông Tuấn cho biết thêm, hiện chưa ghi nhận có thiệt hại về người, nhưng nhiều nhà cửa của dân vẫn bị ngập trong nước.

Nhiều nơi ở Huế tái lập mốc lũ lịch sử, 24.520 ngôi nhà bị ngập nặng ảnh 2

Ngôi nhà thờ họ 200 năm tuổi bị lũ dâng cao quá nửa vách tường. (Ảnh: T.T.N.A)

Còn theo chia sẻ của ông Tôn Thất Nam Anh, ngụ phường Hương Văn - thị xã Hương Trà, trận lũ này tại Hương Trà được xem là “lũ lịch sử 2020”.

“Đây là lần thứ 3 nhà thờ (nhà thờ họ) mình bị ngập nước kể từ khi xây dựng đến nay (gần 200 năm). Gần nhất là năm vào 1999, và năm nay 2020. Mực nước tại Sông Bồ đo lúc 1h ngày 10/10 là 5,18 mét, vượt mức báo động 3 là 0,68 mét, ngang bằng với đỉnh lũ năm 1999”, ông Anh cho biết. Do lũ lên nhanh và ở mức rất cao, nên một số đồ đạc trong gia đình ông đã bị ngâm trong nước.

Nhiều nơi ở Huế tái lập mốc lũ lịch sử, 24.520 ngôi nhà bị ngập nặng ảnh 3

Người dân chới với lội giữa dòng lũ. (Ảnh: FB)

Tại huyện Phong Điền, hiện có 14/16 xã, thị trấn ngập trong nước, với số lượng hơn 4.000 nhà ngập; có nơi nước dâng cao đến hơn 2 mét, nhiều hộ dân bị nước lũ bao vây, cô lập, nguy cơ thiếu đói vì không tiếp cận được bên ngoài.

Lũ lụt kéo dài gây nguy cơ thiếu lương thực trước mắt cho bà con. Bên cạnh triển khai di dời dân đến nơi an toàn, lực lượng vũ trang địa phương tại Phong Điền như công an, quân đội cũng kịp thời có mặt để hỗ trợ lương thực, thuốc men cho dân bị lũ “vây” mắc kẹt.

Ông Hoàng Công Thông (ngụ tại Phong Điền) có nhà cửa bị nước ngập sâu hơn 1 mét, không thể đi lại, cho biết: “Nước lũ lên quá nhanh, chia cắt đường sá, bao vây xóm làng, lương thực gia đình chuẩn bị không nhiều. Nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của lực lượng công an về cái ăn, gia đình không biết làm thế nào để cầm cự qua trận lũ lớn này.

Nhiều nơi ở Huế tái lập mốc lũ lịch sử, 24.520 ngôi nhà bị ngập nặng ảnh 4

 Đến vùng chia cắt, cô lập hỗ trợ lương thực cho người dân.

Nhiều nơi ở Huế tái lập mốc lũ lịch sử, 24.520 ngôi nhà bị ngập nặng ảnh 5

Người dân không cầm được nước mắt khi nhận được cứu trợ giữa lũ dữ của lực lượng công an TT-Huế.

Nhiều nơi ở Huế tái lập mốc lũ lịch sử, 24.520 ngôi nhà bị ngập nặng ảnh 6

Lực lượng Quân đội tại TT-Huế triển khai di dời dân.

Nhiều nơi ở Huế tái lập mốc lũ lịch sử, 24.520 ngôi nhà bị ngập nặng ảnh 7

Huyện Quảng Điền - hạ du sông Bồ có mức lũ chạm mốc lịch sử 1999 vẫn bi ngập trong nước vào sáng 10/10.

Tương tự gia đình ông Thông, hộ bà Trương Thị Sự cũng bị nước lũ dâng cao, tràn về nhanh gây cô lập. Khi lực lượng công an đến thăm hỏi, gửi tặng mì tôm, bánh, bà Sự không nén được sự xúc động.

Thông tin mới nhất từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh TT-Huế, đến sáng 10/10, toàn tỉnh TT-Huế đã có 24.520 ngôi nhà bị ngập (với mức ngập từ 0,3 đến gần 2 mét). Trong đó, nhiều nhất là thị xã Hương Trà với 9.455 nhà, Quảng Điền ngập 6.550 nhà, Phong Điền 4.348...

Đáng chú ý, cả 3 địa phương này đều nằm dưới thủy điện Hương Điền, hạ du sông Bồ, nơi mức lũ được xác lập chạm mốc lịch sử năm 1999. Ngoài ra, TP Huế cũng là địa bàn có nhiều nhà cửa bị ngập, với 2.560 nhà; nhiều đường phố kiệt, hẻm cũng bị ngập sâu, giao thông chia cắt…

Nhiều nơi ở Huế tái lập mốc lũ lịch sử, 24.520 ngôi nhà bị ngập nặng ảnh 8

Quân đội giải cứu người mắc kẹt trong lũ tại Hương Thủy, TT-Huế.

Nhiều nơi ở Huế tái lập mốc lũ lịch sử, 24.520 ngôi nhà bị ngập nặng ảnh 9

Nước vẫn ngập sâu tại TP Huế, nguy hiểm vẫn chưa qua.

Trước tình hình này, UBND tỉnh TT-Huế đã thiết lập đường dây nóng 19001075 hỗ trợ ứng phó mưa lũ cho người cộng đồng; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai lực lượng di dời dân, ứng cứu, cứu trợ kịp thời, không để ai bị đói, ốm đau không được cấp cứu, chuyển viện do mưa lũ; nhằm giảm thiệt hại ở mức thấp nhất về người và tài sản cho nhân dân.

Quảng Nam: Mưa lớn, nhiều thủy điện xả lũ
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 9-10/10, tại tỉnh Quảng Nam tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng. Nhiều huyện như Nông Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, TP Hội An bị ngập cục bộ.
Nhiều nơi ở Huế tái lập mốc lũ lịch sử, 24.520 ngôi nhà bị ngập nặng ảnh 10   Nhiều khu dân cư ở Quảng Nam bị nước lũ tấn công
Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam cho biết mực nước trên sông Vu Gia - Thu Bồn, Tam Kỳ đang lên lại. Mực nước lúc 3h ngày 10/10 tại sông Vu Gia, sông Thu Bồn, sông Tam Kỳ từ dưới báo động 1 đến báo động 2.
Dự báo trong 6 đến 12 giờ tới, lũ trên sông Vu Gia - Thu Bồn và Tam Kỳ tiếp tục lên. Mực nước lũ trên các sông Vu Gia tại Ái Nghĩa sẽ lên mức 8,7 m (dưới báo động III là 0,3 m); trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy: 6,5 m (ở mức báo động I); tại Câu Lâu: 2,2 m (trên báo động II là 0,2m); tại Hội An: 1,45 m (dưới báo động II là 0,05 m); trên sông Tam Kỳ tại Tam Kỳ: 1,9 m (trên báo động I là 0,2 m).
Khuya 9/10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam  có văn bản yêu cầu các đơn vị quản lý tổ chức vận hành, điều tiết xả nước các hồ thủy điện A Vương, Đak Mi, Sông Bung 4.
Theo đó, yêu cầu thủy điện A Vương thực hiện vận hành đưa mực nước hồ về cao trình 370 m; thủy điện Sông Bung 4 thực hiện vận hành hạ thấp mực nước hồ để hạ dần mực nước hồ về cao trình 216 m; thủy điện Đắk Mi 4 thực hiện vận hành đưa mực nước hồ về cao trình 251,5 m.
6h sáng 10/10, mực nước ở thủy điện A Vương đã lên 370,34 m (mực nước đón lũ là 370 m), lưu lượng nước về hồ lên đến hơn 1.019 m3/s; thủy điện Sông Bung 4 ở mức 218,56 m (mực nước đón lũ là 214 m), lưu lượng về hồ lên đến 1.446 m3/s. Mực nước ở thủy điện Đắk Mi 4 lúc 5h sáng 10/10 ở mức 250,56 m (mực nước đón lũ là 251 m), lưu lượng về hồ hơn 394 m3/s.
Khuya 9/10, thủy điện Sông Bung 4A đã có văn bản về việc xả lũ. Theo đó, việc xả lũ bắt đầu từ từ 1h30 ngày 10/10 với lưu lượng xả dự kiến 170 m3/s đến 3.000 m3/s. Thủy điện A Vương thực hiện xả lũ từ 6h ngày 10/10 với lưu lượng 100 m3/s đến 1.200 m3/s.
MỚI - NÓNG