Tái hiện hình ảnh "tem phiếu" thời bao cấp
Mỗi hộ gia đình sẽ được phát 5 phiếu vào chợ trong 15 ngày, đi chợ 3 ngày/ lần, mỗi tháng đi chợ không quá 10 lần. UBND các phường, xã in “phiếu vào chợ” màu sắc khác nhau theo ngày chẵn/ lẻ và phát cho các hộ dân. Mỗi hộ chỉ được một người vào chợ trong một lần sử dụng phiếu vào chợ. Ngoài ra, phiếu đi chợ còn phục vụ cho quá trình điều tra dịch tễ khi cần thiết.
“Ưu điểm của phát phiếu là hạn chế những người đi theo, các phiếu có thông tin cá nhân cơ bản đầy đủ, dễ dàng rà soát thông tin dịch tễ” - ông Nguyễn Xuân Tuấn, Phó ban quản lí chợ Cồn chia sẻ.
Theo ghi nhận của Hoa học Trò Online tại chợ Cồn, ban quản lí chợ đã cử lực lượng giám sát túc trực thường xuyên trong thời gian chợ mở cửa, để quản lí việc đi lại và mua bán của các tiểu thương, nhắc nhở người dân ý thức mua hàng một cách an toàn và có hiệu quả.
Ông Tuấn cũng cho biết: “Chợ đã giảm từ 30-40% lượng người mua bán so với ngày bình thường. Các mặt hàng cung cấp, phân phối cũng đảm bảo là những mặt hàng thiết yếu cho người dân với giá cả ổn định”.
Cứ tới tầm 9h sáng hằng ngày là thùng thu phiếu đi chợ tại chợ Cồn đã đầy. Dù lượng người mua sắm tại chợ nhiều, nhưng đều đảm bảo các quy định về giãn cách xã hội và ý thức chấp hành các yêu cầu khi vào chợ, giữ khoảng cách an toàn.
Tại chợ Hòa Khánh, Quận Liên Chiểu, trước khi người dân bỏ phiếu đi chợ vào thùng phiếu thu sẽ có nhân viên kiểm tra thông tin và xác minh tất cả các phiếu, phân loại theo phường người dân sinh sống để thuận tiện cho việc quản lí và giám sát các hoạt động tại đây. Lực lượng tự quản sẽ hướng dẫn kê khai thông tin trên phiếu để đảm bảo việc truy vết thông tin dịch tễ được diễn ra dễ dàng hơn.
Chưa nhận được phiếu vào chợ, sinh viên trọ học khó khăn khi mua thực phẩm
Đến nay (19/8), sau 1 tuần thực hiện biện pháp "Phiếu đi chợ", chị Trần Thị Ngân, trú tại đường Hòa Nam, quận Liên Chiểu cho biết vẫn chưa được phát phiếu. Ban quản lí phường tại nơi chị tạm trú vẫn chưa có biện pháp giải quyết cho những trường hợp tạm trú, tạm vắng tại địa phương. Vì vậy, chị đã gặp một số bất tiện trong việc ăn uống và sinh hoạt của gia đình, không mua đủ được các lương thực thiết yếu. Chị kể rằng có lúc mấy hôm liền, chị hầu như không ăn cơm.
Cũng giống như chị Ngân, bạn Đào Việt Hoàng, sinh viên năm 4 trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, trú tại đường Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu cũng bộc bạch: “Gần 1 tuần nay mình chưa được phát thẻ đi chợ mặc dù mình đã đăng kí tạm trú, tạm vắng, không biết nhờ ai mua giúp lương thực. Ngoài nguồn cung là ở chợ ra thì vẫn còn có siêu thị, nhưng giá thực phẩm cao là nỗi lo lắng đối với sinh viên chúng mình. May quá, sáng nay (19/8), mình được phát 1 phiếu nên tranh thủ đi chợ luôn.”
Các bạn sinh viên trọ học hầu hết là người ngoại tỉnh chỉ đăng ký tạm trú trên địa bàn Đà Nẵng nên đây cũng là khó khăn chung của cộng đồng sinh viên.
Trao đổi về vấn đề này, ông Tuấn cho biết: "Theo chủ trương của Ủy ban thành phố, sẽ rà soát và cấp phiếu cho những người đang tạm trú tạm vắng. Ban quản lí chợ sẽ linh hoạt trong cách giải quyết. Nếu đúng đối tượng và số lượng người lao động, sinh viên chưa có phiếu ít, ban quản lí sẽ linh hoạt giải quyết cho người dân vào mua hàng".
Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19
Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.