PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng quy định về tiêu chuẩn hiệu trưởng ĐH trong Luật Giáo dục ĐH 2012 cần phải xem xét lại. Người được bổ nhiệm hiệu trưởng quan trọng nhất là năng lực, phẩm chất đạo đức, uy tín khoa học. Quy định về kinh nghiệm quản lý 5 năm cấp phòng, khoa chỉ là tiêu chí phụ nên thay vì quy định 5 năm thì có thể giảm xuống 1-2 năm.
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TP.HCM, kinh nghiệm quản lý khoa, phòng không giúp khẳng định nặng lực của hiệu trưởng bởi mốc thời gian 5 năm không có gì bảo đảm khác biệt về kinh nghiệm để lượng đổi thành chất.
GS. Vũ Văn Hóa, Hiệu phó ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng quy định phải có 5 năm làm quản lý cấp khoa, phòng mới được làm hiệu trưởng, trong trường hợp GS. Trương Nguyện Thành là cứng nhắc.
Theo ông Hóa, GS. Thành đã có thời gian làm phó hiệu trưởng, phụ trách nhiều công việc của Đại học Hoa Sen. Một năm sau ông được 16/18 thành viên Hội đồng quản trị bầu giữ chức hiệu trưởng chứng tỏ ông đã làm tốt công tác quản lý, được cán bộ, giảng viên của trường thừa nhận, tin tưởng. Vì thế, việc áp dụng quy định phải 5 năm làm quản lý cấp khoa, phòng ở cơ sở giáo dục đại học là không hợp lý trong trường hợp này, sẽ trở thành bước cản những nhân tài muốn quay về nước cống hiến.
Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống, người đồng sáng lập trường Tin học và Quản lý Hoa Sen, tiền thân của ĐH Hoa Sen, Hội đồng quản trị của ĐH Hoa Sen đã không cân nhắc kỹ trước khi bỏ phiếu đề xuất GS. Thành làm hiệu trưởng.
GS Trương Nguyện Thành.
Theo ông Tống, không chỉ có quy định của Bộ GD&ĐT mà mỗi đại học có quy định riêng tiêu chuẩn cho chức vụ hiệu trưởng, trong đó phần lớn yêu cầu phải có kinh nghiệm quản lý cấp phòng, khoa bởi đây là những bước chuyển cần thiết và logic. Cần phân biệt rõ khả năng nghiên cứu khoa học và khả năng quản lý, GS. Thành là nhà khoa học có thâm niên, song về mặt quản lý lại chưa nhiều kinh nghiệm, cần thời gian trung gian làm bước chuyển.
Theo GS Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Luật Giáo dục ĐH chỉ nên quy định các yêu cầu tối thiểu đối với chức danh hiệu trưởng mang tính định lượng, như bằng cấp, chức danh…; còn các năng lực khác nên do HĐQT hoặc Hội đồng Trường đánh giá và quyết định.
Ông Lộc cho rằng, tiêu chí 5 năm kinh nghiệm quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học là hơi cứng nhắc. Hiệu trưởng cần có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực giáo dục, nhưng không nhất thiết phải là lãnh đạo khoa, phòng. Vì vậy chỉ nên quy định thời gian công tác tối thiểu của ứng viên hiệu trưởng (có thể là 3 năm) trong lĩnh vực giáo dục đại học.
Trong khi trường ĐH ngoài công lập khó khăn trong bổ nhiệm hiệu trưởng thì nhiều trường ĐH công lập tại TP.HCM hiện nay đang không có hiệu trưởng. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thiếu hiệu trưởng gần 1 năm nay, hiện đang do một phó hiệu trưởng phụ trách.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM hiện cũng chỉ có 2 phó hiệu trưởng. ĐH Mở TP.HCM cũng chưa có hiệu trưởng mới sau khi ông Nguyễn Văn Phúc giữ chức Thứ trưởng Bộ GDĐT từ tháng 9 năm ngoái.
ĐH Luật TP.HCM chưa có hiệu trưởng mới kể từ tháng 3 năm nay sau khi hiệu trưởng cũ hết 2 nhiệm kỳ. ĐH Ngân hàng TP.HCM hiện cũng chưa có hiệu trưởng sau khi ông Lý Hoàng Ánh không được tái bổ nhiệm chức vụ hiệu trưởng từ tháng 3/2018.