Nhớ phim Việt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thế hệ chúng tôi lớn lên sau chiến tranh nhưng chủ yếu vẫn xem phim chiến tranh do Việt Nam sản xuất, cứ 10 bộ phim thì khoảng 8 bộ phim có đề tài chiến tranh hoặc liên quan đến cảm hứng chiến tranh.

Các phim như Cánh đồng hoang, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, hay Bao giờ cho đến tháng 10… đã đi sâu vào tâm thức chúng tôi. Rồi cải cách, mở cửa đổi mới, phim truyền hình phát triển vẫn nối mạch phim chiến tranh như Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn…

Nhớ phim Việt ảnh 1

Cảnh phim Mùa hè chiều thẳng đứng (Đạo diễn Trần Anh Hùng) Ảnh: Tư liệu

Đổi mới đã giúp ra đời nhiều dòng phim như phim tâm lý xã hội, phim tuổi học trò, phim dã sử, thậm chí phim kiếm hiệp, phim hành động… của Việt Nam.

Những năm 1990, rộ lên phong trào đào đá đỏ. Những ngày sôi nổi và khốc liệt ấy, tôi có mặt ở thủ phủ đá đỏ Châu Bình, Quỳ Châu, Nghệ An. Đêm, ngoài thị trấn chiếu bộ phim Người không mang họ, mà sáng sớm người đào đá đỏ vẫn kéo nhau vào rừng theo đuổi một giấc mơ đổi đời không có thực, cho tới khi nhiều người bị vùi chôn mất xác trên đồi Tỷ, đồi Triệu.

Tôi đi làm báo ở Hà Nội, vẫn giữ sở thích xem phim. Những năm 2000, ở Hà Nội có rạp chiếu phim nhỏ gần ga Hàng Cỏ, thường chiếu phim kinh điển. Tôi thường cùng nhạc sĩ Xuân Thủy, nhạc sĩ Anh Quân… tới đó xem phim vào cuối tuần. Ba chúng tôi khi ấy có nhiều thời gian rảnh để xem các tác phẩm điện ảnh hay.

Tôi còn nhớ mãi một lần xem phim tại cái rạp nhỏ trên đường Hai Bà Trưng. Bộ phim hôm ấy là Bao giờ cho đến tháng Mười, cảnh Việt Nam hiện lên “đẹp từng centimet”. Phim kết thúc, cả khán phòng, đa số là khán giả nước ngoài, đứng lên vỗ tay. Họ chờ xem danh sách những người làm phim thì thấy từ đạo diễn, diễn viên, quay phim… đều người Việt Nam! Thế là lại vang lên tiếng vỗ tay kéo dài một lần nữa!

Cuối tuần, tôi thường ghé xuống ký túc xá của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh thăm mấy đứa em học biên kịch, diễn viên. Đôi khi chụp tặng họ mấy tấm hình để đăng báo. Ai cũng thấy nghề điện ảnh tiềm năng, rất được kỳ vọng. Phim Việt Nam “chiếm giữ” sóng đài truyền hình quốc gia.

Các nhà làm điện ảnh Việt kiều về nước làm phim cũng tạo ra những nét độc lạ. Tôi thường cà phê cùng nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo tại quán “Quỳnh” của anh mỗi chiều muộn. Một hôm anh Bảo nói: “Anh chị em Việt kiều về làm phim Mùa hè chiều thẳng đứng, mời chị Quỳnh (vợ anh Nguyễn Hữu Bảo) đi đóng rồi”. Hôm khác thì anh Bảo lại nói: “Tuần sau anh sẽ đi chụp ảnh cho đoàn làm phim Một người Mỹ trầm lặng do nước ngoài quay tại Việt Nam. Đi cỡ vài tuần mới về, em ở nhà uống cà phê một mình vậy”.

Tôi nhớ nữ nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nhiều năm tham gia làm phim truyền hình, nơi làm việc của cô phủ kín hoa sữa và các băng hình đang chờ duyệt. Thu Huệ nói: “Cứ Chủ nhật là người ta lại chờ để được xem phim”.

Nhưng rồi, ngành điện ảnh gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là do cơ chế làm phim nhiều thay đổi. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát nói: “Mỗi năm tiền đầu tư chỉ đủ làm một vài bộ phim truyện nhựa thì rất khó cho điện ảnh nhà nước”. Các dòng phim thị trường cũng chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ phim Trung Quốc, Mỹ. Rồi sự phát triển của internet đã đưa điện ảnh nước ngoài đến từng phòng ngủ.

Công việc cổ phần hóa hãng phim truyện nhiều năm vẫn ngổn ngang và mới đây người ta mới biết rất nhiều bản phim quý một thời đang bị hư hại nghiêm trọng. Rất nhiều nghệ sĩ đã già, thậm chí qua đời mà việc cổ phần hóa hãng phim chưa xong, nói gì đến việc làm phim mới.

Tôi ghé thăm Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu tại TPHCM, nơi từng làm rất nhiều bộ phim hay. Những nghệ sĩ ở đây cho biết: “Nguồn vốn đầu tư làm phim nhựa từ lâu không còn, chúng tôi chủ yếu sống bằng làm phim tài liệu”.

Rất nhiều lần, trong các hội thảo điện ảnh và văn hóa, tôi đã được nghe các đề xuất, thậm chí quy hoạch phát triển Hà Nội, TPHCM thành các trung tâm điện ảnh của cả nước và khu vực, với các dự án xây dựng phim trường, phát triển công nghiệp làm phim hiện đại. Song, hỏi thăm các nghệ sĩ thì được biết: “Phần nhiều các ý tưởng công nghiệp hóa ngành điện ảnh vẫn còn… nằm trên bàn giấy”.

MỚI - NÓNG