Nhớ quẹ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Quẹ (rêu đá) thứ vưu vật giời ban riêng xứ Tây Bắc…

Tháng 10/1973, mấy chục sinh viên của lớp Văn Khóa 17 có chuyến đi thực tế Tây Bắc. Bao nhiêu là ấn tượng với thày trò chặng tàu hỏa Hà Nội - Lào Cai. Rồi từ Lào Cai, hai chiếc xe ca hiệu Ba Đình gập ghềnh mấy ngày lộ trình Sa Pa - Phong Thổ - Bình Lư - Pa Tần - Mường Lay - Điện Biên. Rồi chúng tôi tỏa về mấy bản Sam Mứn, Noong Hét… của huyện Điện Biên Lai Châu làm cái việc sưu tầm văn hóa dân gian của dân tộc Thái.

Nhưng ấn tượng không chỉ mấy ngày đi đường…

Nhớ quẹ ảnh 1

Quẹ đã được rửa sạch chuẩn bị chế biến thành món ăn

Tôi với Đình Chiến (sau này là yếu nhân của Đài Truyền hình Vinh) được bố trí về ở nhà Ải (bố) Chung ở bản Noong Hét. Chỉ nhớ được tên bố. Còn êm (mẹ) thì thời gian lâu quá. Ải Êm Chung có 3 người con. Cô con gái lớn độ 16 tuổi dong dỏng cao tên là Niên. Noọng (cô/em) Niên đang cái độ xuân sắc nhất của tuổi dậy thì.

Hai đứa rồi cũng mau chóng làm quen với nhiều thứ bỡ ngỡ lạ lẫm. Như việc góp tem gạo, tiền để ăn chung với gia đình (bộ phận đời sống của chuyến đi lo. Nhưng gần 2 tháng trời dân Thái chỉ lấy tem gạo mà không lấy tiền. Dù đời sống trên này cũng chả dư dật gì). So với bữa cơm sinh viên, bữa ăn ở nhà Ải Chung là quá tươm. Quá hấp dẫn những típ xôi nếp nương, những khúc sắn đồ (hông) nuột nà. Bản tánh cái thằng nông dân như tôi bập rất mau việc dân vận. Mạnh bạo tham gia vài việc vặt của gia đình nên được Ải Êm Chung rất quý.

Tuần đầu tiên ở nhà Ải Êm Chung, trong đoàn thực tập, tôi và Chiến đã sớm có thu hoạch. Ấy là do được theo noọng Niên lên khúc suối gần nhà đi hái rêu đá. Noọng Niên ít nói. Nhưng ánh mắt và nụ cười của em dường như đã nói thay hết rồi. 16 tuổi mà em mới học lớp 5. Trên này vậy là thường. Niên là lao động chính. Việc nương việc suối em đều thành thạo cáng đáng thay bố mẹ.

Nhớ quẹ ảnh 2

Quẹ được cán mịn để tiếp tục chế biến

Tôi bước thấp bước cao lần theo cột mốc là đôi bắp chân tròn trĩnh trắng trẻo của em đu đưa phía trước. Và mau chóng bắt chước cái cách của em nhưng không cần phải dầm mình xuống suối mà chỉ khẽ lùa bàn tay ven những rặng đá nửa chìm nửa nổi hoặc quanh những hòn đá đầu ông sư, nơi có những làn rêu đá mướt xanh. Em khá sát cá. Bàn tay em sục, lùa sao đó mà thi thoảng những con cá suối bằng ngón tay cái lại giẫy giụa trong lòng tay trắng trẻo của em nom rất ngộ!

Mới chỉ chưa đầy tiếng đồng hồ mà cái địu mây của Niên đã trĩu nặng thứ rêu đá rờn xanh. Lại thêm non hai chục con cá suối nần nẫn. Sự chung tay một cách hồn nhiên và thái độ thân mật của hai thằng sinh viên dường như khiến Niên cởi mở hơn. Chúng tôi bệt người trên những đầu đá tròn trĩnh ven suối. Chuyện linh tinh. Tôi và Chiến bất ngờ khi Niên hỏi “Các anh có biết chuyện quẹ không?”.

Chúng tôi đều lắc. Quẹ là cái gì nhỉ?

Hấp dẫn cuốn hút tôi, một phần cũng do nội dung câu chuyện. Nhưng có lẽ là chất giọng ngập ngừng với âm sắc tiếng Kinh chưa sõi lắm của em.

Nhớ quẹ ảnh 3

Suối có nhiều tảng đá là nơi mọc nhiều quẹ

… Xửa xưa có một đôi trai gái yêu nhau. Nhưng lão chúa Đất độc ác đã ngăn trở không cho họ lấy nhau. Đôi trai gái bèn chạy trốn đến đầu nguồn con suối trên đỉnh núi cao. Những ngày lang thang gian nan, cô gái khóc nhiều lắm. Nước mắt nàng tuôn chảy thành một dòng thác dội xuống lòng suối. Chàng trai thề sẽ không bỏ nàng. Và họ đã thề cùng nhau chết bằng cách gieo mình xuống ngọn thác kia. Thân thể của chàng trai hóa thành những rặng đá. Còn mái tóc dài của cô gái biến thành những sợi rêu quấn quýt quanh vệt đá ấy… Người Thái gọi thứ rêu ấy là quẹ!

Noọng Niên nâng một chùm rêu lên “Dưới xuôi có thứ quẹ này không?” Tôi lắc đầu. Và ngó lâu thêm cặp mắt to tròn như có ngấn nước ấy…

Noọng Niên đi lấy quẹ về làm gì nhỉ? Cúng chăng? Tôi hỏi nhỏ Chiến. Chiến đáp “có thể lắm...” Gùi quẹ đã được Niên tãi ra chiếc nong. Em lấy chiếc chày gỗ đập đập lên mớ rêu chừng như để cho nó mềm và sạch bùn đất. Rồi em đem rửa thêm mấy lần nữa. Niên chạy ù đi. Khoảng suối hẹp thắt gần nhà, Ải Chung có đặt một chiếc vó. Niên khẽ nhấc lên. Khoảng chục chú cá suối cùng loại như hồi nãy Niên chụp được đang giãy giụa.

Cô lại ù ra sau nhà vác về mấy cái bẹ chuối tươi đã phơi heo héo. Niên rắc chút muối và hạt mắc khén (một loại hạt tiêu rừng) và một nắm ớt chỉ thiên nửa xanh nửa chín lên mớ rêu. Bàn tay thoăn thoắt của Niên bày lên bẹ chuối lớp thì rêu đã ướp gia vị, lớp thì cá. Xong cô kẹp ốp cái bẹ chuối lại. Ba khoảng bẹ chuối được Niên khéo léo vùi vào làn tro than của cái bếp rừng rực lửa mà mẹ Niên gây từ hồi chiều.

Cái bụng sôi ùng ục của hai thằng khiến có cảm giác phải hàng tiếng đồng hồ! Nhưng kỳ thực chỉ non tiếng đồng hồ, món quẹ của Niên đã hoàn tất.

…Ải Chung vẻ trịnh trọng lần giở các làn bẹ chuối đã xém lửa. Một mùi thơm nồng nàn dậy lên trong chiều sậm buông. Những làn rêu còn giữ nguyên sắc xanh nhuốm chút hồng của ớt, của hương mắc khén đậm đà vị cá suối nướng ngấm sang.

Ải Chung vớ chai rượu trắng ép mỗi thằng làm một ly. Tối đó Chiến chong đèn ngồi chép lại câu chuyện của noọng Niên. Cùng cả quy trình chế món quẹ. Không biết hắn viết như nào mà đọc lên nghe cứ như một thứ… nghi lễ. Chúng tôi được các thày hướng dẫn biểu dương.

Nhớ quẹ ảnh 4

Quẹ vừa được lấy lên từ suối

Món rêu đá lần đầu tôi được thưởng, nếm trong đời. Thời gian ở nhà Ải Chung, chúng tôi đến hơn chục lần được thưởng thức. Sau này do công việc lang thang trên các cung đường Tây Bắc, được may mắn thưởng cung cách chế món sống, nấu miếng chín điệu nghệ bắt mắt bắt miệng của dân tộc Thái. Trong đó có món quẹ - rêu đá, thứ nướng thứ hấp với cá hoặc với các loại thịt hay nấu canh… đều để lại dư vị khó quên. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là bữa quẹ buổi đầu ở nhà noọng Niên bản Noong Hét!

Khúc suối dẫn lên ngôi nhà sàn của Ải Chung là cả một sự huyền bí. Tôi băn khoăn nhưng không dám hỏi. Rằng sao không làm một cây cầu bằng gỗ hoặc tre mà cứ phải lội qua như này? Một bữa đang ngồi trên sàn ghi chép, Đình Chiến giật áo tôi chỉ ra khúc suối. Noọng Niên đang đi đâu về vai trĩu một địu chuối nặng. Em lanh lẹ vén váy lên thả bước xuống suối. Nước ngập tới đâu em khéo léo vén đến đấy. Huyền thoại của sự tò mò chỉ chấm dứt và dừng lại ở trên khoảng đầu gối em một chút đoạn giữa suối. Khoảng váy lại lập tức trở lại bình thường. Mãi sau này tôi mới phát hiện các thành viên nhà Ải Chung đều thích cái kiểu lội như thế. Để khi bước lên sàn cho sạch nhà? Hay lý do gì khác? Thế mà tôi với Đình Chiến cứ hồn nhiên nhón nhảy thật lực qua mấy bậc đá mé trên khúc suối.

Đoạn suối mé xuôi sâu hơn. Nơi cả nhà thường ra tắm. Kìa noọng Niên đương tắm! Tò mò quá đi chứ? Chả phải đương cữ tiết tháng 10 âm mà tắm tiếc giữa giời đông lạnh giá thì ngại chết. Nhưng cái noọng nhà này chẳng lấy đó làm vì! Có chút giận và tiếc chăng là con suối nước không được leo lẻo văn vắt đã nhạt nhòa đi bao thứ nhạy cảm? Lại nữa, nước tới đâu thì em kéo váy lên tới đó. Đoạn sâu nhất là cặp gấu váy đã khéo léo đậu chấm cái gờ tóc búi mà mai kia em về nhà chồng nó sẽ là tằng cô (có chỗ gọi tằng cẩu - tóc búi cao, dấu hiệu gái có chồng). Cuộc tắm thỏa thích của cô bé chủ nhà tới hồi kết thúc! Mà kỳ diệu làm sao, lúc em trở lên bờ suối thì chiếc váy vẫn còn khô nguyên?

Bữa ấy hình như nhà Ải Chung có giỗ nên thịt con gà. Ải nói với noọng Niên gì đó bằng tiếng Thái. Tôi hỏi lại thì em cười “có đi lấy lá vả không?”. Cái giống vả thì tôi đâu có lạ. Quả to hơn quả sung “lòng vả cũng như lòng sung” mà! Nhưng ở xứ bán sơn địa xứ Thanh, giống vả ngó còi cọc chứ không xum xuê và lá kém mỡ màng so với xứ Tây Bắc này. Và quê tôi ít người ăn lá vả.

Tôi theo noọng Niên dọc con suối bên nhà một quãng. Ba cây vả um tùm ngả xuống mí nước thành một cụm cây khá ngoạn mục. Noọng Niên thoăn thoắt tanh tách tỉa những chiếc lá bánh tẻ. Tôi hỏi sao không ngắt cả đọt non lẫn lá non. Nụ cười trẻ trung sáng lóa khuôn mặt trắng trẻo, em lắc đầu dường như chưa thốt ra điều bí mật nào đó?

Đang quay về nhà, noọng bỗng quày quả trở lại gốc vả. Tanh tách thêm ba quả vả xanh. Tôi thắc mắc hỏi sao không lấy quả chín. Noọng lại cười. Băn khoăn vì tôi biết, quả vả người xuôi ăn lúc chín. Bổ ra, một tầng mật có độ ngọt dịu trong suốt.

Điều bí mật chính là cái bùi, giòn của lá vả độ bánh tẻ. Trong bữa cơm có thịt gà hiếm hoi như bữa ấy, tôi theo Ải Chung đặt miếng gà luộc nõn nà giữa khoảng lá vả đương ánh lên sắc xanh tía. Lại nhón thêm mấy lát quả vả xanh rồi nhẹ nhàng cuộn lại. Một thỏi xanh hỗn hợp, một công trình vừa miếng được dúi vào bát chẩm chéo (một hỗn hợp muối trắng ngào với ớt xanh, ớt đỏ kiêm hạt dổi và mắc khén tươi nghiền nhỏ) đưa lên nhai chầm chậm. Một hỗn hợp dịu dàng hoan ca. Thoáng toát mồ hôi và rịn chút nước mắt của cảm giác khoái khẩu.

Có nhiều bữa làm chi có thịt gà hay thịt lợn như này, tôi và Chiến cũng lần ra suối kiếm lá vả bánh tẻ. Chỉ lá không kèm với chẩm chéo cũng đưa cơm vèo vèo. Ăn sống chán thì luộc cũng khá bắt miệng. Chiến thì thầm với tôi rằng bí quyết là thứ chẩm chéo của nhà noọng. Gốc tre mà chấm với thứ này cũng… ngon!

Chuyến ngược Tây Bắc về Noong Hét sưu tầm văn học dân gian dân tộc Thái lúc hạ sơn và cả đến tận giờ hơn nửa thế kỷ đã qua vẫn vương vất những bâng khuâng? Chưa hẳn là tập ghi chép mỏng cá nhân mỗi chúng tôi thâu lượm được. Mà là những ấn tượng đầu đời khó phai. Kỷ niệm ấy chả thể rêu phong mà mãi non tơ như thứ quẹ thơm thảo ngày nào!

…Lần gặp lại Đình Chiến, tôi có sẻ chia cảm giác hụt hẫng hoang hoải khi lần mới đây lên Điện Biên, tôi đã tìm về bản Noong Hét. Cái bản dịu dàng ngày nào đã biến mất nhường chỗ cho một cụm công trình đầu tư đang triển khai. Được biết thêm ông bà Ải/ Êm Chung đã mất từ lâu. Và noọng Niên cũng đã định cư nơi khác. Và nữa, con suối huyền thoại ngày nào hình như cũng đang ngắc ngoải? Nó không còn ăm ắp nước mà chỉ là con lạch khô cằn ngổn ngang đá.

MỚI - NÓNG