'Nhóm than sạch' và giấc mơ quốc tế

“Nhóm than sạch” tại Campuchia
“Nhóm than sạch” tại Campuchia
TP - Ba sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội được gọi là Nhóm than sạch kể từ khi dự án kinh doanh than sạch, thân thiện với môi trường của họ giành giải quốc tế.

> Nữ sinh Hàn xách túi xin rác tại Hà Nội

“Nhóm than sạch” tại Campuchia
“Nhóm than sạch” tại Campuchia.

Nguyễn Thanh Thủy, Đặng Hồng Thái và Lê Hồng Tâm vượt qua hàng loạt đối thủ đến từ nhiều nước để giành giải nhất tại cuộc thi Mekong Business Challenge (MBC) với dự án kinh doanh than sạch thân thiện với môi trường (gọi tắt là Kinh doanh than sạch) tổ chức tại Phnom Penh (Campuchia) tháng 2 vừa qua.

Các thành viên trong nhóm đều là những bạn trẻ hoạt động về môi trường tích cực như Thủy từng đoạt giải Ý tưởng xanh do Hội đồng Anh tổ chức; Thái vừa tham dự chương trình Tuổi trẻ Denso hành động cho Trái Đất. Từ năm 2010 khi biết đến cuộc thi Dự án kinh doanh xã hội toàn cầu tại Thái Lan, nhóm bạn càng quan tâm hơn tới các sản phẩm thân thiện với môi trường.

“Cuộc thi ở Thái Lan hướng đến mục tiêu kinh doanh xã hội chỉ cần những con số ước lượng. Tuy nhiên, trong cuộc thi MBC lại chú trọng tiêu chí khả thi của dự án nên bọn mình phải đưa ra doanh thu thật, vốn thật, giá bán thật”, Thanh Thủy cho biết.

Nhận thấy than tổ ong độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường, nhóm dành nhiều tháng đi đến tận các cơ sở sản xuất để tìm hiểu về than sạch và được một Cty sản xuất than sạch ở Hà Nội giúp đỡ. Sản phẩm của Cty có bằng sáng chế, được kiểm định bởi cơ quan chức năng nên nhóm rất tin tưởng. Giám đốc Cty tạo điều kiện cho nhóm thử nghiệm than trên thực tế.

Mô hình kinh doanh xã hội

Than sạch có không ít, nhưng để nó trở nên phổ biến không đơn giản. Nhóm bạn dự kiến tập trung vào hai đối tượng khách hàng là hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ lẻ bán hàng ăn.

Thử thách Mekong là cuộc thi truyền thống trong khu vực về khởi nghiệp kinh doanh, do trường ĐH Quốc gia Campuchia và Cty tư vấn chiến lược nổi tiếng thế giới McKinsey tổ chức.

Năm nay, cuộc thi quy tụ 11 nhóm sinh viên xuất sắc đến từ các trường ĐH. Việt Nam tham dự với 3 dự án của ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Ngoại thương TPHCM và ĐH Ngoại thương HN. 

“Đây là thị trường tiềm năng nhất. Chúng tôi đã thu thập thông tin ở từng quận tại Hà Nội về số lượng than hộ kinh doanh dùng trong một ngày, quy mô thị trường... để đưa ra chiến lược, chẳng hạn như 5 năm sẽ chiếm lĩnh được 10% thị trường”, Thanh Thuỷ nói. Giá than sinh thái được nhóm bạn tính toán khoảng 2.500 - 3.000 đồng/viên, đắt hơn 10 - 20% so với than tổ ong, nhưng thời gian sử dụng lâu hơn.

Theo đánh giá của nhóm, chất lượng tiếp thị và bán hàng của các Cty sản xuất than sinh thái tại Việt Nam hiện chưa hiệu quả. Dự thi MBC, nhóm đưa ra chiến lược để Cty hoạt động hiệu quả trong thực tế. Các bạn trẻ đưa ra kế hoạch phát cho người lao động nhàn rỗi đạp xe để tiếp cận trực tiếp đến khách hàng.

Nhóm tính số lượng người bán hàng trong địa bàn, giá bán than cho họ, hoa hồng, số lượng than họ phải bán một ngày... Ước tính nhóm tuyển 30 người bán hàng và tiếp cận 264.000 hộ gia đình ở Hà Nội trong một năm. Như vậy, dự án của nhóm vừa tạo việc làm cho người có thu nhập thấp, vừa bảo vệ môi trường và tạo ra lợi nhuận.

Giấc mơ toàn cầu

“Nếu 50% dân số thế giới chuyển sang dùng năng lượng sạch sẽ tiết kiệm được 90 tỷ USD vào năm 2015”, Hồng Thái nói. Dù đang là sinh viên, nhưng nhóm bạn tin tưởng dự án có thể được nhân rộng không chỉ ở Việt Nam mà khắp vùng Mekong, các nước nghèo ở châu Á, châu Phi...

Thái khẳng định: “Đây là dự án tiềm năng có thể xuất khẩu ra nhiều nước. Có thể than sinh thái hiện chưa phổ biến nhưng nếu có chiến lược kinh doanh phù hợp, sản phẩm sẽ phát triển mạnh”.

Giấc mơ toàn cầu của nhóm bạn trẻ Việt Nam như được tiếp sức khi họ có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và học hỏi từ nhiều doanh nhân, bạn trẻ các nước. Đó là mô hình kinh doanh xã hội của ông Xavier, Chủ tịch Cty tái chế vải thành quần áo, tạo việc làm cho nhiều người nghèo ở Philippines; một anh chàng người Thái Lan bán báo trên xe buýt dành cho người nghèo; một sinh viên làm giày từ đồ tái chế, khởi nghiệp với 500 USD...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG