Ngày 26/3/1991, vùng quê núi Waryong, tỉnh Daegu thức dậy trong yên bình. Đó là một ngày trời Xuân nắng nhạt, các trường học đều cho học sinh nghỉ do một cuộc tuyển cử được tổ chức tại địa phương. Hôm đó, nhóm 5 cậu bé học sinh tiểu học, tuổi từ 9 đến 13 là U Cheolwon (13 tuổi), Jo Hoyeon (12 tuổi), Kim Yeonggyu (11 tuổi), Park Chanin (10 tuổi) và Kim Jongsik (9 tuổi) rủ nhau ra sau núi bắt ếch. Cả 5 em đều học tại trường Tiểu học Seongseo, thành phố Daegu và đều sống quanh khu vực núi khoảng 3,5 km.
Cha mẹ các em, dù là trong tưởng tượng cũng không bao giờ nghĩ được rằng đó là lần cuối cùng họ được cất tiếng giục giã những cậu con trai mình thức giấc. Đến chiều tối muộn hôm ấy, họ ở nhà đợi cơm nhưng vẫn không thấy 5 cậu bé quay về. Mặt Trời xuống núi, và từ đó, chuỗi ngày đen tối sống trong tuyệt vọng của gia đình 5 học sinh bắt đầu.
27 năm trôi qua, 5 cậu bé vẫn chưa trở về nhà.
Cuộc tìm kiếm trong tuyệt vọng
Nghĩ rằng con mình mất tích, gia đình các em lập tức tới sở cảnh sát địa phương để trình báo. Một cuộc tìm kiếm trên quy mô lớn, với sự tham gia của dân làng cùng phụ huynh. Họ xới tung từng tấc đất nơi ngọn núi cạnh đó, dò tìm từng ngõ ngách nơi khu vực xung quanh nhưng vẫn không một manh mối nào được phát hiện. Người nhà một số gia đình nạn nhân quyết định bỏ hẳn công việc để dành toàn thời gian của mình cho việc tìm kiếm con em.
Sau vài tháng lần tìm trong vô vọng, vụ mất tích bắt đầu được truyền thông để ý. Họ gọi 5 cậu bé tội nghiệp với cái tên "Những cậu bé bắt ếch" và nhắc tới các em nhiều hơn trên mặt báo, đăng tải bất cứ thông tin nào về cuộc truy tìm cũng như những suy đoán xung quanh vụ bốc hơi kì lạ này. Sự châm ngòi của báo giới đã khiến cuộc tìm kiếm ngày một lan rộng. Tổng thống Hàn Quốc khi ấy đã huy động 300.000 cảnh sát, quân đội cùng tình nguyện viên vào cuộc với hy vọng sẽ lần ra manh mối của 5 học sinh trường Seongseo. Cả đất nước khi ấy đều mong ngóng và cầu nguyện cho các em được trở về bình an.
Trong khoảng thời gian đó, khoảng 8 triệu tờ rơi đã được phát trên khắp Hàn Quốc. Một số tiền quyên góp lên tới 42 triệu won (hơn 860 triệu đồng) được treo thưởng cho bất kì ai tìm được tung tích của "Những cậu bé bắt ếch". Mặc dù có rất nhiều cuộc gọi tới nhưng không có thông tin nào là thật cả. Thậm chí, cảnh sát từng nhận được một cuộc gọi nặc danh và giọng nam trong đó vọng ra rằng: "Tao đã bắt cóc lũ trẻ để đòi tiền chuộc nhưng chúng chết vì suy nhược rồi."
Mọi sự tìm kiếm, điều tra đều đi vào ngõ cụt, để lại trong tâm trí gia đình các nạn nhân một lỗ hổng lớn không thể vá lại. 11 năm sau, tức tháng 9/2002, cảnh sát tiếp tục nhận được một cuộc gọi nặc danh. Lần này, người phía bên kia điện thoại vào thẳng vấn đề: "Tìm xác bọn trẻ ở núi Waryong".
Ban đầu, cảnh sát cho rằng đây chắc hẳn lại là một kẻ rảnh rỗi muốn trêu đùa cơ quan chức năng. Tuy nhiên vài ngày sau, một người đang nhặt quả thông trên núi Waryong thì bất ngờ phát hiện thấy vài bộ quần áo rách rưới cùng giày trẻ con được vứt rải rác trên con đường mòn. Nghi ngờ có chuyện bất trắc xảy ra, người này lập tức báo cảnh sát.
Hàng ngàn người đã vào cuộc, xới tung mọi chỗ khả nghi trong khu rừng. Và cuối cùng sau 11 năm điều tra trong tuyệt vọng, họ đã tìm thấy hài cốt của 5 "cậu bé bắt ếch" trong một cái hố cạn. Các em nằm quây tròn lại với nhau, quần áo quấn lên đầu.
Ban đầu, cảnh sát cho rằng rất có thể 5 em bị lạc nên phải nằm quây tròn lại như thể tìm kiếm một chút hơi ấm giữa nền đất lạnh lẽo. Tuy nhiên, gia đình các em đều một mực phản đối kết luận này. Họ khẳng định các em tuy còn nhỏ những rất tinh ranh, lại thông thạo địa hình khu vực. Không thể có chuyện các em lại bị lạc trong khu vực cách nhà mình có 3,5 km được, chuyện ấy là quá sức vô lý. Giả sử trường hợp đi lạc thực sự xảy ra, vậy cớ sao cảnh sát không thể phát hiện dấu vết của các em dù đã tìm quanh khu vực này đến 500 lần trong suốt hơn một thập kỉ? Thêm vào đó, thời gian các em bị mất tích rơi vào mùa mưa. Nếu các em bị lạnh mà lại đi cởi quần áo ra thì câu chuyện quá ư phi logic.
Nhận thấy nhiều điểm mâu thuẫn, cảnh sát tiến hành khám nghiệm kĩ 5 bộ hài cốt của các em để rồi nhận ra đã phán đoán quá chủ quan. Họ nhận thấy trên sọ của 3 bộ hài cốt có dấu vết nghi do vật cứng đánh mạnh vào. Vết máu được tìm thấy trên 2 hộp sọ cùng 2 lỗ đạn trên những hộp sọ còn lại. Quanh hiện trường, cảnh sát còn phát hiện vài đầu đạn lẫn vỏ đạn. Tuy nhiên, nơi đây có đặt một bãi tập bắn nên không thể quy trách nhiệm cụ thể vào đơn vị, cá nhân nào.
Giáo sư tại Đại học Y Kyungbok giải thích về lỗ thủng trên hộp sọ của 1 trong 5 nạn nhân. Có vẻ như các em đã bị đánh đập và bị bắn, dẫn tới cái chết. Phần hộp sọ của các em được hiến cho đại học này nhằm phục vụ các nghiên cứu y khoa.
Vụ “Những cậu bé bắt ếch” nay không còn là vụ mất tích nữa mà đã trở thành một vụ sát hại trẻ em vô cùng dã man. Kể từ ngày phát hiện thấy hài cốt của các em, cảnh sát không thể tìm thêm manh mối nào nữa. Tới ngày 25/3/2004, tức là tròn 13 năm sau khi các chú bé biến mất, gia đình các em mới hoàn thành nghi lễ chôn cất các con mình.
Những giả thiết gây tranh cãi
Chân dung kẻ thủ ác không được phác thảo bởi các giả thiết đều quá mập mờ và diễn biến vụ án thì quá mơ hồ. Vào năm 1992, cảnh sát tìm thấy một manh mối khá khớp với suy đoán khi ấy. Cụ thể, quanh khu vực các nạn nhân mất tích là nơi sống của một số bệnh nhân mắc bệnh phong cùi. Rất có thể các em trở thành mục tiêu của những người đang mất hy vọng vào cuộc sống này. Tuy nhiên, lực lượng chức năng không tìm thấy bất kì dấu hiệu nào cho thấy các nạn nhân từng xuất hiện ở khu vực ấy.
Vào năm 2002, một người đàn ông tới sở cảnh sát và khai rằng có nghe thấy một gã khoe khoang về việc vô tình bắn trúng 2 đứa trẻ trong khi đang tập bắn súng sau núi. Gã đã thủ tiêu những đứa còn lại bằng cách bóp cổ, sau đó chôn chúng xuống lòng đất. Thế nhưng một lần nữa, cảnh sát lại thất bại trong việc thu thập đủ bằng chứng xác thực cho giả thiết này.
Năm 2006, vụ án chính thức khép lại do quá thời hạn 15 năm điều tra. Bí ẩn về kẻ gây ra cái chết thương tâm cho "Những cậu bé bắt ếch" vẫn nằm im trong bóng tối. Phải tới tháng 7 năm 2015, đạo luật này mới được chính phủ Hàn Quốc bãi bỏ sau khi vấp phải làn sóng phản đối tới từ người dân. 27 năm trôi qua, vụ án vẫn là một trong những hồ sơ gây bế tắc nhất trong lịch sử phá án của Hàn Quốc.