Không phải ngẫu nhiên mà bao thế hệ học trò lại yêu mến và kính trọng người thầy ấy. Ở PGS Văn Như Cương luôn toát lên sự gần gũi, thấu hiểu mà vẫn nghiêm khắc đặc biệt là những căn dặn của thầy với các học trò của mình.
PGS Văn Như Cương qua đời đã để lại niềm xót xa, thương tiếc vô bờ trong lòng đông đảo học trò, người làm giáo dục, phụ huynh học sinh.
Những câu nói truyền cảm hứng, dạy mà như tâm sự đầy thấm thía của thầy Văn Như Cương:
Mỗi năm, vào ngày tựu trường, thầy sẽ đứng ở bục nói chuyện và đọc to lá thư gửi đến học sinh mà thầy đã cặm cụi viết hàng giờ trên bàn làm việc đêm hôm trước. Lá thư chứa đựng bao điều hay lẽ phải dạy cách làm người mà ta chẳng dễ tìm thấy ở bất cứ sách vở nào.
PGS Văn Như Cương dặn dò:
"Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệm tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc. Nhưng trước hết phải là người tử tế"...
"Hãy trung thực đừng dối trá, hãy vị tha đừng vị kỉ, hãy hòa đồng đừng đố kị, hãy cao thượng đừng thấp hèn, hãy độc lập suy nghĩ dừng adua bầy đàn, hãy nói lời thanh cao đừng buông lời tục tĩu".
Coi học trò như con cháu, PGS Văn Như Cương hết lòng căn dặn, chỉ dạy học trò lẽ làm người, lẽ sống.
Nhớ đến PGS Văn Như Cương, nhiều người sẽ nhớ ngay đến khí chất mạnh mẽ, thẳng thắn, sẵn sàng đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái tiêu cực nhiễu nhương của đời thường để bảo vệ, vun trồng cái đẹp.
Thầy mạnh dạn phát ngôn và đề ra các phương án đổi mới giáo dục, chống tiêu cực thi cử, gian dối trong trường học, bạo lực học đường, lương tâm người làm nghề giáo, phẩm chất của học sinh…
"Ai cũng vào đại học là lạc hậu".
"Tôi thương con em chúng ta khi phải học đủ mọi thứ".
“Giới thiệu đại biểu mà quên không kèm giáo sư, tiến sĩ là rất phiền. Card visit cũng phải đầy đủ chức danh. Đây là háo danh chứ không phải hiếu học”, PGS Văn Như Cương thẳng thắn chỉ trích thói sĩ diện, háo danh.
Bao nhiêu năm cống hiến vì học trò, vì nghề giáo, người thầy ấy luôn tâm niệm một điều “trồng cây sẽ cho trái ngọt”. Vì thế, ông không ngừng nhắn nhủ học trò nỗ lực hết mình, theo đuổi sự học:
"Biển học mênh mông, sách vở chỉ là vùng biển gần bờ”.
“Tự học là phương pháp tốt nhất để phát huy trí tuệ, để nắm vững kiến thức và linh hoạt áp dụng. Còn học thêm là con đường ngắn nhất làm cho trí tuệ trở thành "thiểu năng".
“Tuổi 70 của chúng tôi phải học tập nhiều hơn tuổi 17 bây giờ”.
“Là một thầy giáo lâu năm, tôi tin rằng: "Không có lao động thì không có sáng tạo. Một người lười lao động thì chắc chắn không làm việc gì thành công".
Vị hiệu trưởng chính là tấm gương không ngừng học tập, lao động, sáng tạo, cống hiến cho học trò của mình.
Mang cái nhìn bao dung, nghiêm khắc nhưng cũng đầy hiện đại, người thầy được hàng nghìn học sinh yêu mến có sự thấu hiểu với giới trẻ, những thế hệ 9X, 10X.
“Nhiều người nói giới trẻ ngày nay đang biến chất và quay lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc theo tôi thì không phải như vậy. Không thể bắt các em xem cải lương, dân ca tuồng chèo hàng ngày. Những giá trị đó thì ai cũng biết, cũng hiểu và tôn trọng nhưng không hợp với bọn trẻ”.
PGS Văn Như Cương từng gây “sốt” mạng khi kể câu chuyện “con tôi chỉ biết uống nước nhập ngoại, không biết uống nước của ta”.
Trăn trở trước thực trạng phụ huynh thời nay nuông chiều con quá mức làm mất khả năng trưởng thành tự lập của con cái, PGS Văn Như Cương nhiều lần phát ngôn về vấn đề này:
"Nhiều phụ huynh khóc lóc vì xa con, dù khóa học tập trung chỉ 1 tuần và cách không xa Hà Nội. Nhưng họ làm như con mình phải đến nơi rừng thiêng nước độc!”.
"Nhiều phụ huynh cho rằng, con họ còn quá bé để tự chăm sóc bản thân, tự lo lắng cho mình miếng ăn, miếng nước. Nhưng càng làm hộ cho chúng bao nhiêu, phụ huynh sẽ càng biến con mình thành những con robot trong tủ kính".
"Con người không lao động là không sáng tạo được. Trong quá trình sáng tạo ấy, vật ngăn cản chính là gia sư và người giúp việc. Chính họ đã bóp nát những ý tưởng sáng tạo của học sinh"
“Hãy dạy con mình sống nhiều hơn với thế giới xung quanh” - PGS. Văn Như Cương nhắn gửi các bậc phụ huynh hiện đại.
Ở lễ khai giảng năm học 2017-2018 mới đây, vị Hiệu trưởng đã khiến tất cả học sinh bất ngờ khi ông đóng vai một thầy thuốc chẩn bệnh cho các học trò.
Mỉm cười đôn hậu, giọng thầy từ tốn: "Căn bệnh này tuy không làm chết người ngay lập tức nhưng nguy hiểm lắm, nếu nhiều người không quyết tâm chạy chữa thì họ có thể trở thành những người vô dụng. Nguy hiểm hơn nữa nếu xã hội có nhiều người mắc bệnh này thì sẽ trở nên nghèo nàn lạc hậu, không bao giờ tiến bộ được. Con bệnh lười sống một cách uể oải, họ không suy nghĩ gì, không làm được một việc gì mặc cho thời gian vẫn trôi đi từ giờ này sang giờ khác, ngày này qua ngày khác, thậm chí năm này qua năm khác”.
Nhà giáo Văn Như Cương và “một phút chữa bệnh lười” cho học trò.
“Mỗi một người đều có một thời gian sống rất hữu hạn, nếu họ mắc phải bệnh lười thì khoảng thời gian sống đó càng trở nên rất ngắn ngủi” - thầy Cương nhấn mạnh.
Tinh thần lạc quan cũng là phẩm chất đẹp mà nhiều người ngưỡng mộ ở PGS Văn Như Cương. Cuối năm 2016, thầy Văn Như Cương từng kể về cuộc gặp gỡ của mình và thần chết. Khi ấy, hiệu trưởng có bộ râu đẹp như ông tiên đã gồng mình chiến đấu với căn bệnh ung thư gan được hơn hai năm rưỡi.
PGS Văn Như Cương đã mang lại nguồn cảm hứng bất tận cho hàng triệu giáo viên, học sinh.
Thần chết hỏi thầy Cương: "Sắp chết rồi, anh bạn không lo lắng, sợ hãi gì chăng?".
Người thầy đáp: "Không! Ta nay đã hơn 80 tuổi rồi, có đi cũng được rồi. Rất nhiều người trẻ ít tuổi hơn ta mà đã đi, họ bị tai nạn giao thông, bị hỏa hoạn, bị sóng thần, lũ quét, bị khủng bố, bị bom đạn chiến tranh, lại còn bị ăn phải thực phẩm bẩn… Bởi vậy, nếu ta phải đi bây giờ thì như nhà ngươi thấy đó, ta chẳng có gì mà lo lắng, sợ hãi cả!".
Thế là thần chết thất vọng bỏ đi. Thầy Cương thầm nghĩ: "Nhà ngươi ngu thế. Ta rất quý mạng sống của mình và vì thế thêm một lần nữa, ngươi lại thua ta!".
Màn đồng ca của học sinh Trường Lương Thế Vinh chúc thầy mau khỏe.
"Học trò xem tôi như người bố, người ông nên tôi thấy mình đáng sống lắm”, PGS Văn Như Cương tâm sự.
Thầy Văn Như Cương răn dặn các thế hệ học trò trường THPT Lương Thế Vinh tính kỉ luật.
Người thầy răn dạy học trò sống theo lẽ phải nhưng cũng có lúc thầy trót làm sai. Hồi năm 2013, thầy Cương bị học trò nhìn thấy cảnh ông đang kẹp ba đi xe máy trên đường mà không đội nón bảo hiểm. Cô học trò này viết thư cho thầy.
Bức thư có nội dung như sau: "Hôm trước, em qua nhà sách Đông - Tây dự hội sách, đến chiều em thấy thầy và bác Đoàn Tử Huyến kẹp ba đi về phía đường Trần Quý Kiên mà không đội mũ bảo hiểm. Em thấy việc đó rất nguy hiểm và phạm luật giao thông. Thầy tuổi đã cao, kính mong thầy cẩn trọng. Em kính chúc thầy sức khỏe và thành công hơn nữa trong sự nghiệp trồng người".
Nhận thư, PGS Cương thật sự bất ngờ và cảm động. Thầy viết thư trả lời ngay: "Cám ơn em đã có lời nhận xét và phê bình… Thầy có lỗi!". Cách hành xử văn minh và lời nhận lỗi của vị hiệu trưởng trước học sinh khiến chúng ta vô cùng ngưỡng mộ.
PGS Văn Như Cương ra đi, nhưng những lời căn dặn từ trái tim của người thầy đã “khắc tạc” trong trí nhớ biết bao thế hệ học trò.
Nguồn: LỆ THU / DÂN TRÍ