Có một lần, ba người phụ nữ mà tôi yêu quý nhất trên thế giới này – là mẹ tôi, dì tôi và cháu gái tôi, cùng lái xe qua sa mạc miền Tây bang Texas trên một "chiếc bánh donut".
"Chiếc bánh donut" là từ mà chúng tôi hay gọi cái bánh xe dự trữ, bởi vì nó không bền. Nó được coi là chỉ đủ bền để lái tới tiệm sửa xe gần nhất mà sửa cái bánh xe chính, hoặc thay một cái khác.
Tất nhiên, với điều kiện là tiệm sửa xe gần nhất chỉ cách xa 15-20 dặm.
Nhưng ba người phụ nữ của gia đình tôi đang cách thị trấn gần nhất phải đến 100 dặm. Và họ đang lái chiếc xe chở đầy những vali, thùng các-tông và tất cả những gì mà họ có thể chất lên, bởi vì lúc đó, mẹ tôi đang chở mẹ con nhà dì Andrea từ Orlando tới San Diego, nơi dì Andrea sẽ có công việc mới nên phải thuê nhà mới để ở.
Mấy người phụ nữ can đảm này cho rằng họ sẽ có một chuyến phiêu lưu thú vị. Còn bố con tôi ở nhà, cách họ hàng trăm dặm, chỉ thấy lo lắng. Sẽ thế nào nếu một cái bánh xe nữa bị hỏng? Sẽ thế nào nếu tiệm sửa xe gần nhất cũng không sửa được bánh xe chính hoặc không có bánh xe phù hợp để thay? Sẽ thế nào nếu họ bị lừa? Sẽ thế nào nếu họ bị mệt?...
Và đó không phải là "trục trặc" duy nhất của họ trong chuyến đi này. Khi họ vừa ra khỏi Orlando thì cái giá để hành lý mà bố tôi gắn trên trần xe bị hỏng. Hỏng đến mức không thể gắn lại được. Và không còn chỗ trong xe để chất thêm một thứ đồ gì nữa – nên tất nhiên là không có chỗ để đặt thêm cái giá để hành lý hỏng, cộng với một cái cũi, và mấy thùng đựng sách vốn được để trên cái giá đó. Thế là, họ nhồi những gì có thể vào lại trong xe, còn lại, họ… chất ngay bên vỉa hè, với một tờ ghi chú rằng ai cần có thể lấy dùng.
- Cứ như chuyến đi của những người khai phá miền đất mới vậy – Mẹ tôi kể khi miêu tả lại tình huống đó.
- Làm gì có người đi khai hoang nào bị gãy cái giá để hành lý – Bố tôi đùa.
- Họ không có giá để hành lý – Mẹ tôi nói – Nhưng đôi khi, khi họ băng qua sông hoặc vượt đồi núi, họ thấy xe của mình quá nặng, nên họ phải bỏ bớt đồ lại bên đường. Những người đi sau họ có thể lấy dùng, nếu cần. Như thế, mình có cảm giác dễ chịu hơn về những món đồ mình để lại, vì chúng sẽ có thể giúp được ai đó, chứ không phải bị mình bỏ đi.
Và câu chuyện tiếp theo đó là, ba người phụ nữ của gia đình chúng tôi lái xe băng ngang Texas trên "một chiếc donut", để rồi khi đến tiệm sửa xe gần nhất, những người thợ máy đã bảo rằng, may mà chiếc xe không chở thêm hành lý, chứ nếu chở nặng hơn thì có lẽ nó đã không thể "lê" nổi đến đó trên chiếc bánh xe dự trữ.
Tôi không hình dung ra "cảm giác dễ chịu về những món đồ mình bỏ lại", nhưng có vẻ chúng tôi nên mừng vì cái giá để hành lý bị gãy và cái xe được giảm bớt sức nặng. Tôi cũng không chắc rằng cái giá bị gãy, cái nôi cùng vài thùng sách sẽ khiến cho cái bánh dự trữ bị quá tải hay không. Nhưng tôi nghĩ rằng, có lẽ việc cái giá bị gãy và những món đồ bị bỏ lại cũng góp phần nào đó vào sự an toàn của ba người phụ nữ mà tôi yêu quý nhất, khi họ phải lái xe 100 dặm trên "chiếc donut".
Và đó mới là điều thú vị. Đôi khi, một chuyện gì đó rất tệ xảy ra, và chúng ta nghĩ nó thật kinh khủng. Thế rồi bằng cách nào đó, sau một vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng, thì hóa ra, chuyện kinh khủng đó thực ra lại là một điều tốt "ngụy trang" trong vỏ bọc của một chuyện rất tệ. Ít nhất, tôi cũng biết một vài câu chuyện như thế. Một tai nạn ô tô của nhà hàng xóm – đáng mừng là không ai bị thương, nhưng xe bị hỏng – khiến họ quyết định đổi sang một chiếc xe mới an toàn hơn, điều mà họ vẫn cân nhắc lâu nay nhưng chưa thực hiện. Một người bạn của tôi bị dập đầu gối khi chơi bóng rổ, và sau thời gian trị liệu, lại được nhận vào làm thêm ở phòng vật lý trị liệu của bệnh viện...
Cuộc sống luôn đầy những tình huống, những khoảnh khắc mang lại cảm xúc trái ngược, phức tạp, trộn lẫn giữa ngọt và đắng… Điều quan trọng là chúng ta không nên quá bị chìm đắm trong những điều "đắng", đến mức chúng ta không thể nhận ra và trân trọng những điều "ngọt" khi chúng đến.
Bạn biết đấy, chẳng hạn như khi bạn đi trên "một chiếc donut" và cái giá để hành lý bị gãy.