Một phụ nữ lớn tuổi tới phòng khám gặp bác sĩ. Tuy nhiên, sau vài phút, bà lao từ trong phòng khám ra, vừa chạy ở hành lang vừa ôm đầu, la toáng lên với vẻ rất hoảng sợ. Một bác sĩ khác giữ bà lại và hỏi có chuyện gì, và được bà giải thích. Sau khi nghe xong, vị bác sĩ này bảo bà bình tĩnh ngồi chờ, rồi bản thân ông quay lại phòng anh bác sĩ trẻ ban đầu và gặng hỏi:
- Cậu bị làm sao thế hả? Bà Terry đã 63 tuổi và là bệnh nhân quen ở đây. Bà ấy đã có 4 người con trưởng thành và 7 người cháu. Chồng bà ấy đã mất. Thế mà cậu lại bảo là bà ấy… mới có bầu, thế là sao?
Anh bác sĩ trẻ mỉm cười láu cá và đáp:
- Bà ấy tới đây khám vì bị nấc mãi không hết. Cách của tôi đã giúp bà ấy hết nấc, đúng không ạ?
Có lẽ nhiều người cũng biết rằng khi ai đó đang bị nấc, nếu ta dọa cho họ hoảng sợ lên thì khả năng lớn là họ sẽ hết nấc. Tuy nhiên, hiếm khi nỗi sợ lại có tác dụng tốt như vậy. Trong phần lớn các trường hợp thì nỗi sợ chẳng mang lại điều gì tích cực cho bạn ngoài việc khiến bạn chùn bước hoặc làm hỏng việc.
![]() |
Khi tôi còn nhỏ, bố thường "hù dọa" chúng tôi bằng cách nấp trong một bụi cây sau nhà và gầm lên như một con sư tử. Cho dù chúng tôi sống ở vùng nông thôn Ghana vào những năm 1960, thì việc một con sư tử ẩn nấp ở đâu đó quanh nhà cũng gần như là không tưởng. Cho nên anh tôi và tôi chỉ phá lên cười và cùng nhau đi tìm "thủ phạm" của tiếng gầm đó – đó cũng được coi là một "tín hiệu" cho biết rằng bố đang có thì giờ để chơi với chúng tôi một lúc.
Một hôm, có người bạn của tôi ghé thăm nhà. Trong khi chúng tôi đang cùng chơi ngoài vườn sau, chúng tôi chợt nghe thấy một tiếng gầm vang quen thuộc. Bạn tôi bị bất ngờ, hoảng sợ hét ầm lên và bỏ chạy. Anh tôi và tôi thì biết giọng của bố – "mối nguy hiểm" ở đây rõ ràng chỉ là một con sư tử tưởng tượng – thế nhưng một chuyện kỳ cục đã xảy ra. Chúng tôi cũng giật bắn mình và… bỏ chạy cùng cô bạn kia! Hôm đó, bố tôi cảm thấy rất ái ngại vì đã khiến bạn tôi sợ hãi. Còn hai anh em tôi lần đầu tiên được bố chỉ cho biết rằng, không nên để mình bị ảnh hưởng bởi phản ứng hoảng sợ của người khác.
Thực tế, chính phản ứng sợ hãi, lo ngại mang tính lan truyền này khiến nhiều khi chúng ta bỏ lỡ những cơ hội trong cuộc sống. Những người can đảm và tỉnh táo, không bị tác động bởi những nỗi sợ tưởng tượng, thường là những người nắm được cơ hội và thành công.
![]() |
Đúng, có một số nỗi lo ngại là tín hiệu báo cho chúng ta biết có rủi ro thực sự. Nhưng rất nhiều "những con sư tử" chỉ là tưởng tượng. Phân biệt được hai kiểu sợ hãi này sẽ giúp bạn sống thoải mái hơn và can đảm hơn, bình tĩnh giải quyết được nhiều vấn đề hơn thay vì bị tê liệt và suy nghĩ tiêu cực.
Bạn có biết người ta vẫn nói rằng trong tiếng Anh, bạn có thể viết từ "FEAR" (sợ hãi) theo hai cách? Đó là "Forget Everything And Run" (Quên hết mọi thứ đi và bỏ chạy), hoặc "Face Everything And Rise" (Đối mặt với mọi điều và tiến lên/trỗi dậy).
Bạn nghĩ mình sẽ chọn cách "phiên dịch" nào trong hai cách này?