Thung lũng Tử thần, Mỹ
Nhiều người thường ví von rằng nếu Trái Đất là một ngôi nhà, thì thung lũng Tử thần chính là lò nướng, vì đây là khu vực nóng nhất thế giới. Đất đai lúc nào cũng bị ánh nắng gắt thiêu đốt nên chẳng có gì sống sót nổi, lại thêm nhiệt độ thường dao động quanh 56 độ C khiến ai lỡ đến đây sẽ nhanh chóng kiệt sức. Các nhà khoa học đã ước tính rằng một người bình thường chỉ có thể trụ được 14 giờ ở thung lũng chết mà thôi, nên đây là khu vực không có sự sống.
Sa mạc Danakil ở châu Phi
Sa mạc Sahara nổi tiếng là thế, nhưng không thể khắc nghiệt bằng sa mạc Danakil đâu nhé! Nhiệt độ ban ngày ở đây thường lên tới 50 độ C. Chưa hết, trên sa mạc còn có núi lửa sẵn sàng phun trào, càng khiến mọi thứ nóng nực hơn. Nhưng sa mạc Danakil lại có vẻ đẹp rất lạ với những hồ nước màu vàng, những vệt đá đỏ rực. Chính vì thế, không phải ai cũng được phép thám hiểm sa mạc này, nếu không có những thiết bị hiện đại hỗ trợ.
Đỉnh núi Washington, nước Mỹ
Đỉnh Washington giữ kỷ lục là nơi có gió mạnh nhất trên Trái Đất. Gió ở đây thổi với tốc độ 327 km/ giờ, hơn cả những cơn bão mạnh nhất, đủ để cuốn cả một con tàu lớn bay lên cao. Kèm theo gió mạnh là nhiệt độ cực lạnh, lúc nào cũng -40 độ C kèm theo bão tuyết nữa chứ. Nhiều người còn bảo khí hậu ở đỉnh Washington còn khắc nghiệt hơn cả trên đỉnh núi cao nhất thế giới Everest nữa đấy!
Núi lửa Sinabung, Indonesia
Núi lửa này nằm trên hòn đảo Sumatra, và vẫn đang hoạt động, khiến cho những người sống ở gần nó lúc nào cũng lo ngay ngáy. Từ năm 2010 đến giờ, núi lửa đã động đậy tới 5 lần rồi, mỗi lần lại phun lên những cột đá và khí gas cực lớn, phủ đen cả một vùng rộng. Các nhà khoa học lúc nào cũng phải theo dõi núi lửa Sinabung rất cẩn thận, đề phòng nó phun lửa bất kỳ lúc nào.
Hòn đảo lha da Queimada ở Brazil
Hay còn gọi là hòn đảo rắn. Chỗ nào trên đảo cũng tràn ngập loài rắn độc Bothrops, khiến cho chẳng ai dám đặt chân lên nơi này. Thậm chí ngọn hải đăng ở bờ biển cũng phải để chế độ bật sáng tự động, sau khi người canh gác bị rắn tấn công. Chính phủ Brazil đã cấm tất cả mọi người không được đặt chân lên đảo, chỉ thỉnh thoảng có quân đội đến để bảo trì ngọn hải đăng mà thôi.
Thung lũng Chết, nước Nga
Hầu như bất kỳ sinh vật nào lạc bước vào khu vực này đều không thể bước ra ngoài, từ con người đến chồn, gấu và cả loài chim. Lý do vì mặt đất ở thung lũng chết có rất nhiều khe nứt, làm cho một loại khí bị thoát ra ngoài. Khí này làm tê liệt hệ hô hấp, các sinh vật đều không thể thở được nữa.
Hồ Natron, nước Tanzania
Xét về độ đẹp thì hồ Natron cực kỳ ấn tượng với nước màu hồng rực, do một loại vi khuẩn đặc biệt tạo ra. Thế nhưng nồng độ kiềm trong nước hồ lại cực cao, khiến cho nước biến thành chất giống như axit vậy. Sinh vật nào lỡ bị trượt chân xuống hồ là sẽ bị phân hủy ngay, giống như trong phim kinh dị ấy.
LINH NHI