Chia sẻ và giảm gánh nặng với gia đình
Trong những năm qua, việc triển khai chính sách BHYT tới HSSV đã có nhiều kết quả tích cực. Năm học 2021 - 2022, cả nước có khoảng 18,8 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 96% tổng số HSSV. HSSV tham gia BHYT, khi không may mắc bệnh, ốm đau sẽ được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn, qua đó giúp gia đình các em giảm bớt gánh nặng về chi phí y tế. Bên cạnh đó, việc tham gia đầy đủ BHYT còn thể hiện trách nhiệm xã hội của các em và gia đình trong việc chia sẻ rủi ro y tế với cộng đồng. Với những lợi ích và giá trị nhân văn đó, chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống với sự chủ động, tích cực tham gia từ phía HSSV và phụ huynh.
Theo quy định hiện hành, HSSV thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng. Năm học 2022 - 2023 này, mức đóng BHYT của HSSV không có sự thay đổi so với năm học trước, mức đóng hàng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, HSSV tự đóng 70%). Cụ thể, với mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng hiện hành, tổng tiền đóng BHYT với HSSV trong 12 tháng là 804.600 đồng. Trong đó, HSSV đóng là 563.220 đồng/năm (bằng 70%) mức đóng, phần còn lại do ngân sách nhà nước hỗ trợ (bằng 30% mức đóng).
Ngoài được ngân sách trung ương hỗ trợ 30% mức đóng, trong năm học này, một số tỉnh thành còn sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng với HSSV tham gia BHYT. Do đó số tiền thực đóng BHYT của mỗi HSSV có thể thấp hơn mức chung trên.
HSSV đang học tại các trường và cơ sở giáo dục và đào tạo đều có quyền tham gia BHYT, trừ một số trường hợp đã tham gia BHYT theo các nhóm ưu tiên khác.
Khi tham gia BHYT, nếu ốm đau, bệnh tật đi khám chữa bệnh đúng tuyến, HSSV được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khi: Tổng chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (tức thấp hơn 223,5 nghìn đồng/lần khám); Khám chữa bệnh tại tuyến xã/phường; Có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tức phần cùng chi trả lớn hơn 8,94 triệu đồng/năm). Nếu không thuộc các trường hợp trên, nhưng khám đúng tuyến, quỹ BHYT thanh toán 80% phần được hưởng, phần còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở y tế.
Trường hợp HSSV tham gia BHYT khám chữa bệnh không đúng tuyến, quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú nếu điều trị bệnh tại bệnh viện tuyến trung ương; thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú tại tuyến tỉnh; và thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh trái tuyến tại tuyến huyện (cả nội và ngoại trú).
Cán bộ BHXH huyện Yên Sơn tuyên truyền về lợi ích của BHYT học sinh tại Trường THPT Xuân Huy (Tuyên Quang). |
Giá trị sử dụng BHYT tính theo năm học
Về thời hạn sử dụng thẻ BHYT, với học sinh cấp phổ thông, thẻ được gia hạn hoặc cấp mới với học sinh lớp 1 tính từ ngày 1/10 của năm học tới hết 12 tháng; học sinh lớp 12 được tính giá trị sử dụng tới 30/9 của năm học. Với HSSV cơ sở dạy nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học, thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ khi nhập học (trừ trường hợp thẻ BHYT của học sinh lớp 9, 12 còn thời hạn sử dụng); HSSV năm cuối được tính tới hết tháng kết thúc khóa học. Giá trị sử dụng của thẻ BHYT tương ứng với số tiền đóng BHYT theo số tháng đã tham gia của HSSV.
HSSV và phụ huynh có thể tự tra cứu thời hạn sử dụng thẻ BHYT theo nhiều cách, như truy cập Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam (tại địa chỉ baohiemxahoi.gov.vn, vào mục Tra cứu, rồi Tra cứu thời hạn sử dụng thẻ BHYT); hoặc nhắn tin theo cú pháp: BH THE “Mã thẻ BHYT” gửi 8079; gọi Tổng đài 1900.9068 của BHXH Việt Nam. Đặc biệt, phụ huynh và HSSV có thể cài đặt ứng dụng “VssID - BHXH số” trên thiết bị thông minh cầm tay để theo dõi quá trình đóng/hưởng BHYT, các chính sách và quy định liên quan, cũng như sử dụng thẻ BHYT điện tử thay thẻ giấy khi khám chữa bệnh.
Với trách nhiệm là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện tốt việc bảo đảm quyền lợi tham gia và khám chữa bệnh BHYT cho HSSV. BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi cho HSSV như: Sử dụng thẻ BHYT điện tử trên ứng dụng “VssID” hoặc căn cước công dân gắn chíp thay thẻ BHYT giấy. Qua đó, giúp HSSV tiết kiệm thời gian, thủ tục khám chữa bệnh BHYT…
Ngoài phần ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT HSSV theo quy định, năm học 2022-2023, nhiều tỉnh thành đã ban hành chính sách hỗ trợ thêm mức đóng từ ngân sách địa phương, như: Hà Giang (hỗ trợ thêm 70%); Hưng Yên (30%); Điện Biên, Sơn La, Bà Rịa - Vũng Tàu (20%); Kon Tum, Trà Vinh, Đồng Tháp (10%); Đắk Lắk, Tiền Giang (5%)…
Bên cạnh đó, An Giang, Lâm Đồng hỗ trợ thêm 70% mức đóng BHYT cho HSSV dân tộc thiểu số trên địa bàn; Gia Lai hỗ trợ thêm 20% cho HSSV dân tộc thiểu số, HSSV thuộc gia đình đông con gặp khó khăn về kinh tế; Kiên Giang hỗ trợ thêm 10% cho tất cả HSSV tại địa phương; Quảng Bình hỗ trợ thêm 15% mức đóng cho học sinh tại các xã vừa ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn…