Được lên giảng đường đại học, gặp thầy cô và làm quen bạn bè mới chắc hẳn là điều mà không ít bạn tân sinh viên đã chờ đợi suốt nhiều tháng nay. Sau thời gian dài chỉ có thể trải nghiệm giảng đường online do ảnh hưởng của dịch bệnh, các tân sinh viên đang háo hức lên thành phố nhập trường và chính thức bắt đầu cuộc sống tự lập của một sinh viên đại học.
Tuy nhiên, bên cạnh tiện nghi hiện đại, những thành phố lớn có môi trường xã hội phức tạp hơn hẳn với lượng người đông đúc đổ về từ tứ xứ, từ đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho những "tấm chiếu mới" vốn còn nhiều bỡ ngỡ. Chính vì vậy, tân sinh viên đừng quên tham khảo những lưu ý sau đây để có thể nâng cao cảnh giác bản thân trong lần đầu học tập xa nhà.
Cảnh giác khi tham gia phương tiện công cộng
Xe buýt, xe ôm công nghệ... là những phương tiện di chuyển "được lòng" sinh viên vì sự tiện lợi cũng như giá cả phải chăng. Tuy nhiên, tân sinh viên nên lưu ý nếu những người đi cùng liên tục đặt câu hỏi liên quan đến thông tin cá nhân.
Lê Huỳnh Quang Duy (sinh viên năm hai, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) nhớ lại, thời gian đầu lên thành phố, cậu bạn gặp khá nhiều khó khăn trong việc bắt xe công nghệ, nhất là khi có nhiều xe ôm truyền thống tỏ ra khó chịu, ra sức chèo kéo, không cho phép sinh viên bắt xe công nghệ.
"Có nhiều tài xế chỉ chửi đổng rồi bỏ đi, nhưng có những tài xế còn "tác động vật lý" đến tài xế công nghệ, đuổi đánh làm mình phải đi một đoạn khá xa ra khỏi bến xe mới có thể bắt được xe" - Quang Duy nhớ lại.
Quang Duy cho biết, tình trạng tranh chấp giữa tài xế xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ rất thường xảy ra đối với sinh viên tại bến xe. Ảnh: NVCC. |
Ghi chú lại những thông tin liên lạc cần thiết
Khi đi xe khách nên lưu nhớ lại biển số xe để liên hệ trong trường hợp thất lạc, bỏ quên đồ đạc; lưu số điện thoại của nhà xe để tiện liên lạc khi cần thiết. Bạn cũng nên lưu những số liên hệ của người thân, bạn bè, bộ phận công tác sinh viên trong nhà trường để kịp thời nhờ hỗ trợ trong các tình huống khó khăn.
Các bạn nên ghi nhớ số điện thoại hỗ trợ của đoàn trường, hội sinh viên trường để liên lạc ngay khi gặp khó khăn. Ảnh: Fanpage ĐH Y Dược Cần Thơ. |
Bạn Thảo Ngân (sinh viên năm 3, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) cũng nhấn mạnh, đừng để lộ quá nhiều về bản thân như tình trạng tài chính, thông tin cá nhân.
Đừng từ chối sự giúp đỡ ban đầu
Vì nhiều lí do khác nhau mà nhiều phụ huynh không thể cùng sinh viên của mình lên thành phố, tuy nhiên nếu có điều kiện, bạn vẫn nên đi cùng với phụ huynh trong lần đầu tiên lên thành phố nhập học. Điều này sẽ bước đầu ổn định cuộc sống cho các bạn tại một môi trường mới, được giới thiệu, kết nối với những người tin cậy ở thành phố mới, cũng như giúp bạn và gia đình đều yên tâm hơn.
Đừng quên tìm những bạn đồng hành để an toàn hơn. Ảnh: Internet. |
Hoặc bạn cũng có thể đi chung với bạn bè, cùng để mắt lẫn nhau cũng như hạn chế sự tiếp cận của những người xa lạ. Việc di chuyển cũng vì vậy mà an toàn hơn.
Làm ngơ với những "lời mời gọi" của người lạ
Dù có muốn thử sức với các công việc làm thêm để tự trang trải chi phí cá nhân, những "tấm chiếu mới" cũng cần cảnh giác cao độ trước những tin nhắn, lời mời gọi của những người xa lạ, tự xưng là quản lý, chủ quán...
Vì rất có thể, đây là những chiêu trò lừa đảo của những cơ sở, đối tượng kinh doanh bất chính. Thay vào đó, bạn nên tìm thông tin qua những trang tìm việc uy tín như YBOX, iVolunteer hoặc fanpage chính thức của các cơ sở sẽ uy tín và an toàn hơn rất nhiều.