Những doanh nhân bị bắt, làm ăn bê bối từng ngồi 'ghế nóng' Shark Tank

Những doanh nhân bị bắt, làm ăn bê bối từng ngồi 'ghế nóng' Shark Tank

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều doanh nhân từng tham gia chương trình Shark Tank đã vướng lao lý hoặc dính lùm xùm trong kinh doanh, như ông Phạm Văn Tam - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Asanzo, ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup, ông Hoàng Khải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Khải Silk, bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn AquaOne, ông Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Intracom Group.

Vướng lao lý

Ông Phạm Văn Tam - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Asanzo và ông Phạm Xuân Tình - đại diện pháp luật, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Asanzo - bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TPHCM khởi tố bị can về tội trốn thuế, theo khoản 3 điều 200 Bộ luật Hình sự.

Ông Phạm Văn Tam và ông Phạm Xuân Tình bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Sau đó, hai bị can này bị thay đổi biện pháp ngăn chặn thành tạm giam.

Trong thời gian làm giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty CP Tập đoàn Asanzo, ông Phạm Xuân Tình đã làm theo chỉ đạo của Phạm Văn Tam, đại diện Asanzo ký các hợp đồng nguyên tắc với nhiều công ty để mua linh kiện, phụ kiện máy điều hòa nhiệt độ.

Asanzo mang linh kiện về lắp ráp thành thành phẩm máy điều hòa nhiệt độ, đem bán mặt hàng này, nhưng không kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Kết luận giám định của cơ quan thuế xác định, từ năm 2017 đến quý II/2019, Công ty CP Tập đoàn Asanzo có hành vi trốn thuế đối với thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, với tổng số tiền 15,7 tỷ đồng.

Những doanh nhân bị bắt, làm ăn bê bối từng ngồi 'ghế nóng' Shark Tank ảnh 1

Shark Tam.

Ông Phạm Văn Tam từng ngồi “ghế nóng” chương trình Shark Tank Việt Nam. Cụ thể, Shark Tank mùa 3 diễn ra hồi giữa năm 2019, ngoài những “cá mập” quen thuộc như ông Phạm Thanh Hưng, ông Nguyễn Ngọc Thủy, bà Thái Vân Linh… thì có thêm ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Asanzo Việt Nam - cùng với sự ra đời Quỹ đầu tư khởi nghiệp Asanzo Startup Fund với vốn khởi đầu 200 tỷ đồng.

Tháng 6/2019, Asanzo lâm vào khủng hoảng khi các sản phẩm của công ty bị cho là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam chất lượng cao. Công ty bị điều tra về việc sản xuất, buôn bán hàng giả, lừa dối khách hàng, buôn lậu, trốn thuế. Asanzo cũng bị cáo buộc là nhập khẩu hàng hóa, linh kiện có xuất xứ Trung Quốc rồi về nước thay nhãn hàng hóa hoặc lắp ráp đơn giản, sau đó dán nhãn “Asanzo” có xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang nước thứ ba.

Ngày 30/8/2019, Công ty CP Tập đoàn Asanzo thông báo tạm dừng mọi hoạt động vì kiệt quệ, không còn đủ khả năng tài chính để kéo dài hoạt động.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup - một doanh nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm cũng tham gia Shark Tank Việt Nam 3 mùa đầu tiên (2017 - 2019) và gắn với biệt danh Shark Thủy.

Hồi cuối tháng 3, ông Nguyễn Ngọc Thủy đã bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03) khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup.

Những doanh nhân bị bắt, làm ăn bê bối từng ngồi 'ghế nóng' Shark Tank ảnh 2

Shark Thủy bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong các doanh nghiệp của Shark Thủy, Công ty CP Anh ngữ Apax được coi là công ty con hoạt động hiệu quả nhất. Theo giới thiệu, hệ thống này đang có hơn 120 trung tâm trên toàn quốc với thương hiệu Apax Leaders, trải rộng tại hơn 30 tỉnh thành với khoảng hơn 120.000 học viên đang theo học.

Tháng 11/2022, Apax cho biết tiến hành kế hoạch tái cấu trúc chung cho hệ thống. Sau đó, chuỗi Anh ngữ Apax Leaders liên tục vướng lùm xùm sau khi bị phụ huynh tố nhiều trung tâm Anh ngữ không hoàn trả học phí cho phụ huynh, đóng cửa không thông báo lý do…

Bê bối kinh doanh

Ông Hoàng Khải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Khải Silk từng được chương trình Shark Tank Việt Nam công bố là một trong 4 nhà đầu tư khách mời của mùa 1. Tuy nhiên, vào cuối tháng 10/2017, fanpage của Shark Tank Việt Nam đăng tải đã đăng tải thông báo, doanh nhân Hoàng Khải - người giữ vai trò một trong những nhà đầu tư khách mời của chương trình Shark Tank Việt Nam đã quyết định rút khỏi chương trình để tập trung vào các công việc của công ty.

Doanh nhân Hoàng Khải được biết đến là người sở hữu thương hiệu khăn tơ lụa Khaisilk, được định vị là sản phẩm cao cấp. Thương hiệu lụa Khaisilk ra đời vào cuối những năm 1980 tại Hà Nội nhắm tới phân khúc khách hàng cao cấp. Giá một chiếc khăn từ vài trăm tới vài triệu đồng.

Những doanh nhân bị bắt, làm ăn bê bối từng ngồi 'ghế nóng' Shark Tank ảnh 3

Ông Hoàng Khải từng được chương trình Shark Tank Việt Nam công bố là 1 trong 4 nhà đầu tư khách mời của mùa 1.

Sau khi bị khách hàng phát hiện một sản phẩm của Tập đoàn Khải Silk bán ra có tới 2 nhãn mác là “KHAISILK - Made in Việt Nam” và “Made in China”, ngày 25/10/2017, ông Khải thừa nhận có bán hàng tơ lụa xuất xứ từ Trung Quốc và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.

Sau đó, Bộ Công Thương yêu cầu chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an Hà Nội. Bất ngờ hơn, khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra còn phát hiện khăn lụa Khaisilk không có thành phần lụa như công bố trên sản phẩm là 100% thành phần lụa. Theo kết luận của Bộ Công Thương, doanh nghiệp này đã vi phạm loạt dấu hiệu liên quan tới bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm luật về quản lý thuế, hóa đơn...

Được biết đến nhiều hơn từ Shark Tank Việt Nam mùa 3, bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nước Xuân Mai - Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn AquaOne, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm AAA, Chủ tịch Quỹ Môi trường Xanh Việt Nam (Green Vietnam Fund)… cũng dính hàng loạt lùm xùm.

Ở thời điểm nổi tiếng khi tham gia Shark Tank, nữ “cá mập” bất ngờ vướng vào lùm xùm liên quan dự án nhà máy nước mặt sông Đuống. Cụ thể, nhà máy nước Sông Đuống của Shark Liên đi vào hoạt động nhưng chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Điều này khiến giá nước sạch tạm tính tối đa của nhà máy nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3, mức giá này khi đó đã khiến dư luận “nổi sóng” bởi đắt gấp đôi so với giá nước thông thường. Ngoài ra, doanh nghiệp của Shark Liên cũng vướng phải lùm xùm bán nước cho người dân khi chưa được nghiệm thu chất lượng.

Những doanh nhân bị bắt, làm ăn bê bối từng ngồi 'ghế nóng' Shark Tank ảnh 4

Bà Đỗ Thị Kim Liên cũng dính hàng loạt lùm xùm.

Hồi đầu tháng 6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc hủy tư cách công ty đại chúng của Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS - số 19 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM).

VASS được biết đến là doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của bà Đỗ Thị Kim Liên. Hiện tại, Chủ tịch Hội đồng quản trị VASS là bà Đỗ Thị Minh Đức, em gái Shark Liên. Theo báo cáo quản trị của VASS vào cuối năm 2023, Shark Liên sở hữu 6,3 triệu cổ phiếu VASS (tương đương 9% vốn điều lệ), con gái bà Liên là Phạm Phương Chi - Thành viên Hội đồng quản trị VASS sở hữu 4 triệu cổ phần (tương đương 5,7% vốn điều lệ), bà Đỗ Thị Minh Đức cũng sở hữu 14.300 cổ phần.

Tại thời điểm 31/12/2023, VASS đang lỗ lũy kế hơn 356 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu chỉ còn 346 tỷ đồng, gần bằng phân nửa so với vốn góp là 700 tỷ đồng. Trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của VASS, kiểm toán tiếp tục lưu ý về tính hoạt động liên tục của công ty.

Quý I năm nay, dù doanh thuần kinh doanh bảo hiểm tăng hơn 41% và đạt gần 63 tỷ đồng nhưng VASS vẫn lỗ ròng gần 800 triệu đồng do tổng các chi phí kinh doanh bảo hiểm (gần 44 tỷ đồng), chi phí tài chính (hơn 3 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (gần 16 tỷ đồng).

MỚI - NÓNG
Bình luận