Những đối tượng sắp tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở Cần Thơ

0:00 / 0:00
0:00
Những đối tượng sắp tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở Cần Thơ
TPO - Ngày 2/4, thông tin từ UBND TP Cần Thơ cho biết, đã ban hành kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021 – 2022 với mục tiêu phòng chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng.

Theo đó, UBND TP Cần Thơ sẽ triển khai tiêm chủng ngay sau khi tiếp nhận vắc xin từ Bộ Y tế. Đảm bảo 95% đối tượng nguy cơ được tiêm chủng đủ mũi, tỉ lệ bao phủ cao, an toàn tiêm chủng và tiếp cận công bằng cho người dân.

Căn cứ vào tình huống và khả năng phân bổ vắc xin phòng COVID-19, ngành y tế Cần Thơ sẽ chia thành 3 giai đoạn triển khai.

Cụ thể, đối tượng triển khai giai đoạn 1 gồm: Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp; nhân viên y tế tại các Bệnh viện được phân công điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn thành phố; nhân viên tham gia truy vết, điều tra dịch tễ, giám sát sức khỏe tại nơi cư trú, các đối tượng nhiễm/nghi nhiễm COVID-19 và nhân viên tham gia trực tiếp các hoạt động phòng, chống COVID-19 khác; người làm việc ở các khu cách ly tập trung; nhân viên y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm, xét nghiệm COVID-19; nhân viên y tế thực hiện kiểm dịch y tế, xử lý Tờ khai y tế tại Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ; tổ COVID-19 cộng đồng; nhân viên y tế trực tiếp tiêm vắc xin COVID-19; người sinh sống tại các vùng có dịch.

Giai đoạn 2 gồm: Các đối tượng ở giai đoạn 1 chưa được tiêm; tất cả nhân viên y tế chưa được tiêm ngừa ở giai đoạn 1; lực lượng Quân đội; Công an chưa được tiêm ở giai đoạn 1; Cán bộ Hải quan, ngoại giao, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.

Đối tượng ở giai đoạn 3 gồm: Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người chưa được tiêm ở giai đoạn 2; người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi; người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; các đối tượng khác do Bộ Y tế quy định.

Những đối tượng sắp tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở Cần Thơ ảnh 1

Cần Thơ sắp tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021 và 2022 - Ảnh minh họa.

Vắc xin phòng COVID-19 sẽ được triển khai thường xuyên theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, lưu động...

UBND TP Cần Thơ đã giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành có liên quan, xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các hoạt động thuộc kế hoạch này.

Đồng thời, phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức truyền thông, tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản phân phối và tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho các đối tượng được chọn theo quy định; thành lập Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin, tổ chức các đội cấp cứu tại các điểm tiêm chủng và đội cấp cứu lưu động hỗ trợ tuyến y tế cơ sở; kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các đơn vị trong quá trình triển khai tiêm vắc xin COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, UBND thành phố còn yêu cầu Sở TTTT phối hợp với Công an thành phố tăng cường tuyên truyền cho người dân về việc sử dụng vắc xin, theo dõi và xử lí kịp thời khủng hoảng truyền thông liên quan đến mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19. Phản bác, xử lí các thông tin sai lệch, tin đồn, tin giả về vắc xin phòng COVID-19, trào lưu an-ti vắc xin và phòng, chống dịch COVID-19.

Được biết, hoạt động tiêm chủng vắc xin COVID-19 được bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương, nguồn viện trợ, tài trợ và nguồn do các tổ chức cá nhân sử dụng vắc xin tự nguyện chi trả.

TP.HCM: Người đến từ Hải Dương không còn phải cách ly tập trung

Người đến từ Hải Dương không cần cách ly tập trung khi đến TP.HCM, do địa phương này kết thúc giãn cách xã hội.

Theo đó, từ chiều 1/4, người đến từ Hải Dương không cần cách ly tập trung khi đến TP.HCM, do địa phương này kết thúc giãn cách xã hội.

Trước đó, TP.HCM áp dụng cách ly tập trung người từ hai địa phương ở thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, gồm: thôn Nội Hợp (xã Lê Ninh) và Khu dân cư Thượng Chiều (phường Tân Dân).

Như vậy, hiện TP.HCM không còn cách ly tập trung người từ các tỉnh, thành trong cả nước đến thành phố.

Tuy nhiên, những người đến từ đường Lê Hồng Phong, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Hải Phòng và người từ đường D35, thuộc khu phố 4, khu dân cư Việt Sing, phường An Phú, TP Thuận An, Bình Dương trong vòng 14 ngày tính từ ngày rời đi, phải lấy mẫu xét nghiệm theo quy định và cách ly tại nhà.

Hai địa phương trên ghi nhận ca mắc COVID-19, được Bộ Y tế công bố ngày 26/3. Trong đó, BN2582 nhập cảnh trái phép bằng tàu cá từ Phú Quốc về TP.HCM ngày 22/3. BN2585 tại Bình Dương, là nam, 44 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, nhập cảnh trái phép qua đường tiểu ngạch tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài ngày 23/3.

Lưu ý đối với người hiến máu để phòng chống dịch COVID-19

Một số lưu ý đối với người hiến máu để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện và Viện Huyết học – Truyền máu TW:

Người hiến máu cần đáp ứng các quy định về tuổi (18 – 60 tuổi), cân nặng (42 kg trở lên với nữ, 45 kg trở lên với nam), khoảng cách từ lần hiến máu toàn phần gần nhất là 12 tuần, khoảng cách từ lần hiến tiểu cầu gần nhất là 2 tuần.

Chỉ đến điểm hiến máu khi cảm thấy thực sự khỏe mạnh và không có các hành vi nguy cơ lây nhiễm các vi rút qua đường truyền máu, không có các yếu tố nguy cơ liên quan đến COVID-19.

Đeo khẩu trang khi đi hiến máu, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay nhanh có cồn sát khuẩn trước khi đăng ký hiến máu, thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ y tế và tình nguyện viên tại điểm hiến máu.

Trả lời trung thực khai báo y tế và các câu hỏi của nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe và đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Thông báo kịp thời cho đơn vị tiếp nhận máu về các triệu chứng lâm sàng như ho, sốt, khó thở… mới xuất hiện trong vòng 14 ngày sau khi hiến máu hoặc nhớ ra sau khi đã hiến máu.

Chỉ hiến máu sau tối thiểu 28 ngày tính từ thời điểm được khẳng định không còn nhiễm virus SARS-CoV-2.

Chỉ hiến máu sau tối thiểu 28 ngày tính từ thời điểm có tiếp xúc lần cuối với người bệnh hoặc người mắc COVID-19, cũng như không có triệu chứng lâm sàng: sốt, ho, khó thở, tiêu chảy.

Chỉ hiến máu sau tối thiểu 28 ngày tính từ ngày cuối cùng rời khỏi vùng dịch/ khu vực cách ly.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.