Những khoảng lặng thanh xuân - Bài 6: Nghẹn đắng khi toan về già

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đa phần các doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp (KCN) tuyển lao động có tuổi đời rất trẻ, rồi đào tạo ngắn hạn. Một số DN lại có xu hướng không tuyển hoặc tìm cách ép công nhân hơn 40 tuổi chuyển việc, nghỉ việc…

Nỗi niềm lao động xấp xỉ 40 tuổi

Dạo một vòng trong KCN Quế Võ (Bắc Ninh), chúng tôi thấy, hầu như các công ty đều trưng biển tuyển lao động đi làm ngay. Dừng chân trước cổng công ty Hawa techwin, dọc từ cổng đến hàng rào, liên tiếp có bảng đề “Tuyển dụng công nhân nữ chính thức” với các thông tin về lương (từ 7 - 9 triệu đồng/tháng), bảo hiểm, xe đưa đón, quà sinh nhật, du lịch hàng năm và thưởng ngày lễ, Tết... Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là: Chỉ tuyển nữ, từ 18 đến 33 tuổi.

Đang đứng cạnh chờ người nhà, anh Nguyễn Văn Xuyền (SN 1976) quê ở ngay Quế Võ (Bắc Ninh) lắc đầu nói: “Phải là thanh niên trẻ, chứ tầm tuổi như anh em mình không có cửa”. Anh Xuyền kể, hơn 12 năm trước, thấy quê mọc lên nhiều nhà máy, anh nghỉ lái xe tải, về quê xin việc. Thế nhưng, đi mấy công ty, cứ phỏng vấn xong rồi họ để đấy, dù anh mới 34 tuổi, vẫn còn sung sức.

Những khoảng lặng thanh xuân - Bài 6: Nghẹn đắng khi toan về già ảnh 1

Công nhân nhiều tuổi sẽ không thể làm dây chuyền mà phải nghỉ việc hoặc làm những công việc lương thấp

Chán nản định quay lại lái xe thì có người nhà xin cho anh kéo hàng cho một DN chuyên sản xuất đồ nhựa trong KCN. “Lương mỗi tháng được khoảng 9 triệu nhưng phải làm ngoài trời. Mùa đông vẫn mồ hôi, mùa hè thì như chảo lửa…”, anh Xuyền kể. Làm được một thời gian, anh xin chuyển sang lái xe nâng hàng gần công ty cũ với mức lương tương tự.

“Lao động phải tự cứu mình bằng cách hoàn thiện bản thân, tự học hỏi, học nghề thuần thục để chứng minh năng lực; đặc biệt là kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình làm việc. Mặt khác, lao động phải tìm hiểu Luật Lao động để khi ký hợp đồng lao động với các công ty không bị ‘bẫy’”.

T, Giám đốc một doanh nghiệp cung ứng lao động khuyến cáo

Anh Nguyễn Văn Hà (SN 1985) cũng ở Quế Võ, cũng là công nhân, đang chờ đón vợ cạnh đó cũng góp thêm chuyện. Lúc mới đi làm, công ty sắp xếp cho đứng dây chuyền. Lúc đầu, anh đáp ứng được công việc, tăng ca đều nên thu nhập trên chục triệu đồng mỗi tháng. Hai năm trước, không đáp ứng được nữa, thấy bộ phận giúp việc cho dây chuyền thiếu người nên anh nộp đơn xin vào làm lại từ đầu tại bộ phận giúp việc.

Tuy lương không như trước nhưng anh thấy làm ở đây không bị gò bó, sức khỏe còn đáp ứng được nên đành chấp nhận. “Khi sức khỏe đi xuống, công ty sẽ chuyển bộ phận cho công nhân, nếu không đáp ứng được thì công nhân tự xin nghỉ. Công ty hầu như không chủ động đuổi người lao động”, anh Hà cho hay.

Bí mật của nhà cung ứng lao động

Qua bạn bè, tôi quen thân với T - một lãnh đạo công ty chuyên cung ứng lao động cho các DN tại Bắc Giang và Bắc Ninh. T nói, trong điều kiện bình thường, rất ít DN tuyển lao động 35-40 tuổi. Nhưng hiện nay, sau khi vãn dịch COVID-19, lao động khan hiếm nên nhiều công ty vẫn tuyển lao động có độ tuổi đến 38 - 40 nhưng tình hình này sẽ không kéo dài. Những người 38-40 tuổi được tuyển phải có năng lực thật sự. Rồi khi không có đơn hàng hoặc có thay đổi trong sản xuất, những người luống tuổi sẽ là những người bị cắt giảm đầu tiên.

“Các công ty cung ứng lao động cho các DN theo hai hình thức, một là cho thuê lại lao động, hai là tuyển hộ lao động và lấy phí. Thống kê lao động cung ứng của chúng tôi cho các công ty hiện nay cho thấy, số công nhân trên 40 tuổi chỉ dưới 10% trên tổng số lao động; có giai đoạn nhiều công nhân để tuyển, không có ai trên 40 tuổi” - T nói.

Những khoảng lặng thanh xuân - Bài 6: Nghẹn đắng khi toan về già ảnh 2

Các công ty đăng tuyển dụng công nhân tại khu công nghiệp. Trên bảng tuyển dụng ghi rõ không tuyển lao động nhiều tuổi

Theo T, hiện nay các DN có xu hướng sử dụng lao động thời vụ rất rõ. Theo đó, DN thuê lao động chỉ chịu trách nhiệm về công việc, trả chi phí thỏa thuận trong hợp đồng với nhà cung ứng lao động. Còn các chế độ đãi ngộ, tăng lương, phụ cấp cho công nhân do đơn vị cung ứng lao động tính toán, chi trả cho công nhân. “Đơn vị cung ứng lao động lại phải tính toán làm sao để cắt giảm tối đa chi phí đóng bảo hiểm, chi phí tăng lương, thâm niên… Ví dụ, đơn vị đó sẽ không ký hợp đồng hoặc chỉ ký hợp đồng thời vụ dưới 1 năm với lao động thì mới đảm bảo có lãi”, T. tiết lộ.

T cho hay, làm việc trong các nhà máy ở KCN chuyên môn hóa cao. Có lao động 10 năm chỉ làm động tác lắp 1 con ốc vít hay chỉ dán 1 cái tem. Khi có tuổi, làm chậm, DN sẽ không đuổi người lao động mà dùng biện pháp ép người lao động tự nghỉ. “Nếu “ông” đang dán tem, tôi chuyển “ông” sang bộ phận kho. Hai buổi bê hàng nặng quá không chịu được, nhăn mặt, xin nghỉ thì viết đơn, tôi ký ngay” - T nêu ví dụ. T phân tích: “Đây là chiêu lách luật rất hiệu nghiệm của doanh nghiệp. Bởi vì, khi lao động tự đề xuất nghỉ, họ chỉ được giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo pháp luật, DN không phải đền bù hợp đồng lao động. Khi yếu, nghỉ không làm nhà máy nữa, kỹ năng lắp ốc vít, dán tem không thể dùng được công nhân lại quay về làm nông dân”, T. phân tích.

Trao đổi về nội dung này, cán bộ phòng Việc làm, Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Ninh cũng cho rằng, hiện nay bắt đầu xuất hiện tình trạng lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là lao động nữ bị chuyển việc, ép cho nghỉ việc. Họ chủ yếu là công nhân lao động làm các công việc đơn giản trong các ngành sử dụng nhiều lao động có môi trường, điều kiện lao động khắc nghiệt.

“Cùng với tuổi tác, ở lứa tuổi này, độ nhanh nhạy trong công việc giảm sút, sức khỏe đi xuống, nên rất khó để yêu cầu họ tăng ca, kíp, tăng năng suất lao động. Trong khi đó, DN phải trả cho nhóm đối tượng này chi phí bảo hiểm xã hội (BHXH), tiền lương cao hơn do chính sách thâm niên, đặc biệt là chi phí BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Vì thế, nhiều chủ sử dụng lao động tìm cách lách luật để thải loại những lao động này ra khỏi DN” - đại diện sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Ninh nói.

Cũng như ý kiến của T, anh Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Việc làm của sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Ninh cho hay, cách lách luật của DN muôn hình vạn trạng, nhưng phổ biến nhất là chuyển đổi công việc của công nhân khiến công nhân không đáp ứng được phải tự xin nghỉ, không bao giờ DN tự đuổi để phải chịu trách nhiệm. Và hậu quả là, “người lao động ở độ cao tuổi hầu như khó có cơ hội tìm việc làm mới trong các nhà máy. Sau nhiều năm làm việc trong các DN, đa số lao động nghỉ việc phải tiếp tục bươn chải, làm nghề tự do, làm dịch vụ, trở thành lao động phi chính thức” - anh Tuấn nói.

MỚI - NÓNG