Khi khoa học giao thoa điện ảnh
Lấy bối cảnh Trái Đất đang suy tàn, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt và NASA bị giải thể, Interstellar theo chân một nhóm nhà khoa học với sứ mệnh tìm kiếm hành tinh mới để cứu lấy loài người. Nhiệm vụ này được giao cho Cooper (Matthew McConaughey), một cựu kỹ sư và hiện đang làm công việc đồng áng.
Mặc dù không muốn xa gia đình, Cooper không thể từ chối lời mời tham gia sứ mệnh này. Dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Brand (Anne Hathaway), đoàn nghiên cứu lên tàu Endurance, thực hiện chuyến bay hai năm tới Sao Thổ.
![]() |
Sau khi rơi vào Hố đen, Cooper trôi dạt đến vùng không gian 5 chiều. Lợi dụng cách hoạt động của vùng không gian này, anh đã liên lạc với con gái của mình là Murph (Casey Affleck) thông qua sóng hấp dẫn và mã Morse, từ đó giúp hoàn thành sứ mệnh tìm ra vùng đất mới cho con người trong tương lai.
Bộ phim là tham vọng tiếp theo của Christopher Nolan với đề tài khoa học “màu mỡ”. Xuyên suốt 169 phút, khán giả có thể liên tục choáng ngợp trước những lý thuyết khoa học, những thuật ngữ vật lý, những giả thuyết vũ trụ vĩ mô. Lượng kiến thức đồ sộ đòi hỏi người xem phải tập trung để không bị bỏ lỡ chi tiết nào.
Đặc biệt, tàu vũ trụ Endurance trong phim có tới 2 mô hình lên tới 60 mét để phục vụ cho việc quay phim. Vì muốn tạo ra một viễn cảnh tương lai chưa xảy ra nhưng vẫn phải dựa trên thực tế khoa học nên đoàn sản xuất đã tiến hành nghiên cứu rất kỹ lưỡng thông qua tài liệu của NASA, dưới sự cố vấn của các nhà khoa học và đi thực tế ở SpaceX.
![]() |
"Interstellar" được sản xuất dưới sự cố vấn của nhà vật lý lý thuyết Kip Thorne, chuyên gia trong lĩnh vực vật lí hấp dẫn và thiên văn. |
Khác Oppenheimer (2023) với hệ thống nhân vật đồ sộ, Interstellar chỉ tập trung vào những tuyến nhân vật cụ thể như gia đình Cooper và đồng đội trên tàu vũ trụ. Không có ranh giới rõ ràng giữa chính diện và phản diện, mà chỉ có những con người đang cố gắng cứu lấy tương lai.
Nolan đã vẽ ra sự tương phản đầy thú vị khi trong một nhiệm vụ vô cùng lớn lao là "giải cứu nhân loại" vẫn có những hỉ, nộ, ái, ố rất “đời thường” của các nhân vật. Nhờ tuyến cảm xúc đó đã giúp cho bộ phim không quá nặng nề, “khó nuốt” với khán giả đại chúng.
Con người nhỏ bé thế nào trong vũ trụ?
Kịch bản về tương lai nhân loại, về khao khát chinh phục vũ trụ tuy không mới, nhưng đã được Nolan khai thác qua một điểm chạm khác, điểm chạm cảm xúc. Nhân vật bị đưa vào một hoàn cảnh éo le là khi Cooper ra khỏi Wormhole và phát hiện ra rằng thời gian trên Trái Đất đã trôi qua hàng chục năm trong khi đối với anh chỉ mất vài giờ.
![]() |
Đoạn Cooper ngồi xem đoạn băng ghi hình được đánh giá là cảnh phim kinh điển trong dòng chảy điện ảnh. |
Những đoạn video được quay suốt 20 năm đã cho thấy các con của anh, Tom (Timothée Chalamet) và Murph (Casey Affleck), giờ đã trưởng thành, trong khi anh không có sự thay đổi gì. Tuy vậy, họ dường như vẫn bị mắc kẹt giống như cha mình, trong sự cay đắng và tức giận với suy nghĩ bị cha ruồng bỏ.
Cảnh phim Cooper đến bên giường của con gái mình, giờ đã là bà lão 80 tuổi, được xem là phân cảnh cảm động nhất trong phim. Trải qua bao sự kiện, cuối cùng hai cha con đã kịp đoàn tụ trước những giây phút cuối đời của cô con gái. Sự mong manh của con người trước sức mạnh thời gian, trước vũ trụ mênh mông trở nên rõ nét hơn bao giờ hết. Tuy vậy, trong sự yếu đuối ấy vẫn tồn tại tình yêu - nguồn động lực lớn nhất giúp con người vượt qua được mọi thử thách.
![]() ![]() |
Cooper nói sẽ quay về Trái Đất khi anh bằng tuổi các con nhưng lời hứa không thành. |
Có thể thấy, Christopher Nolan đã thành công không chỉ trong việc tái hiện lại một vũ trụ đầy bí ẩn mà còn truyền tải giá trị tình cảm gia đình thiêng liêng, đại diện cho sự tồn tại của con người trong vũ trụ.
Màn chiêu đãi giác quan mãn nhãn
Vẫn trung thành với cách kể chuyện quen thuộc như trong bộ phim Inception trước đó, Nolan làm khán giả thăng hoa cảm xúc không chỉ qua lời thoại mà còn là hình ảnh và âm thanh. Những cảnh phim đầy ngoạn ngục đã khiến cho người xem như thực sự đang lửng lơ trong vũ trụ.
Giám sát hiệu ứng hình ảnh của phim - Paul Franklin, cho biết để làm ra được những thước phim ấn tượng như thế mà không sử dụng CGI (kỹ xảo hình ảnh), họ phải tạo ra các mô hình thu nhỏ, những môi trường khác nhau như hành tinh, tesseract (khối lập phương), hố đen và Wormhole.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Ngoài phần hình ảnh, điểm nhấn của bộ phim nằm ở hiệu ứng âm thanh và nhạc phim. Đàn organ - sự lựa chọn chắc chắn không được kỳ vọng cho một bộ phim khoa học viễn tưởng, nhưng đã thực sự làm nên soundtrack Cornfield Chase kinh điển giúp Interstellar chinh chiến nhiều giải thưởng khác nhau. Tiếng đàn cổ điển hòa với nhạc điện tử đã tạo nên sức nặng cảm xúc trong từng thước phim.
Chính sự chăm chút kỹ lưỡng của đoàn làm phim mà mặc dù tại Oscar năm ấy, Interstellar khá ảm đạm ở các hạng mục chính nhưng vẫn thu về 5 đề cử liên quan tới âm thanh và hình ảnh, cuối cùng giành chiến thắng ở hạng mục Kỹ xảo xuất sắc nhất.
Dù không phải là bộ phim hay nhất trong kho tác phẩm đồ sộ của Christopher Nolan, Interstellar vẫn thuộc hàng “siêu phẩm” của điện ảnh thế giới. Sau thời gian dài khán giả Việt đã quen mặt với những bộ phim chiếu rạp thuần giải trí hay thương mại, sự xuất hiện của Interstellar chắc chắn là một lựa chọn tuyệt vời để có thể vừa thư giãn vừa “căng não” suy luận trong khi thưởng thức phim.
![]() |