“Những mốc thời gian hạnh phúc”: Ai cũng xin một vé về tuổi thơ, riêng tớ lắc đầu

“Những mốc thời gian hạnh phúc”: Ai cũng xin một vé về tuổi thơ, riêng tớ lắc đầu
HHT - Ấu thơ là một miền mộng mơ diệu vợi có những ngày bão ghé qua, nhưng sau cùng luôn đẹp trời tươi mới. Tớ thương tuổi thơ mình. Nhưng không xin nhận tấm vé về lại, bởi lẽ điều gì chỉ đến một lần mới trở nên đáng giá.

Nhớ lại tuổi thơ luôn là điều gì đó vừa ngọt ngào vừa... đáng sợ.

Khoảng thời gian đó luôn in đậm trong tớ, có thể hình dung ra đầy đủ và sắc nét về từng con người, từng thời điểm, từng nơi hương vị, từng màu sắc, thậm chí từng nụ cười và cả nước mắt. Còn thật lạ lùng là khoảng ngày thiếu nữ và hiện tại, với tớ chúng mơ hồ và nhạt nhoà một cách kì cục.

Có thể là do tuổi thơ cơ cực phận con nhà nghèo, nên đau khổ nhớ dai và ngọt ngào trở nên sâu sắc.

Ảnh minh họa: Philo và Pompon.

Hai tuổi, không hiểu sao tớ vẫn còn nhớ chuyến xe khách rạng sáng chật ních và ngộp mùi xăng, hơi người, thức ăn, thuốc lá. Thứ mùi hỗn tạp và... thân thương. Tớ ngồi trong lòng mẹ, xóc nảy lắc lư hai ngày từ Nghệ An vào Bình Dương. Ba là con trai út, mẹ lại là con gái cả. Thành ra cả ba và mẹ đều gần như tay trắng. Miền Bắc vàTrung thời đó là thế, tài sản hầu như là chỉ dành cho con trai cả.

Ảnh minh họa: Haru và Mina (Hideaki Hamada).

Những ngày còn ở nhà trọ, ba đi làm suốt, mẹ cũng vậy. Tớ thì đi mẫu giáo về, ngồi một mình trước hiên nhà đợi ba mẹ. Tớ của lúc đó đen nhẻm, gầy đét, tóc tai vàng hoe cùng đôi mắt hung tợn, với sợi dây buộc chìa khoá cổ trên nhà. 4 - 5 tuổi, tớ buộc phải trưởng thành, hiểu vị trí của mình ở đâu, và luôn ý thức được mình là con nhà nghèo.

Những lần trèo cửa sổ nhà hàng xóm xem tivi ké, vui thì họ hé cửa cho xem, ghét thì họ sập cửa giăng màn không cho xem.

Những hôm nắng đổ lửa không có nước uống, ở phòng một mình không dám bật bếp nấu (hồi ấy vẫn dùng bếp đốt bằng dầu hôi hoặc xăng), vì ba mẹ dặn thế, uống vội ngụm nước lã...

Ảnh minh họa: Philo và Pompon.

Những hôm mưa gió, ba quên để chìa khóa ở nhà. Hàng xóm không ai cho vào. Mình tớ ngồi nép góc hiên, để cây chổi bẩn thỉu rách bươm trước người, cũng chẳng ngăn nổi giá rét, ướt lạnh. Chực khóc nhưng đứa con nít lên 5 đó lại không khóc...

Tụi con nít lên 7 - 8 hồi đó ác và vụng dại. Chúng đánh tớ, còn tớ chẳng có gì ngoài thân hình nhỏ thó và cái miệng điêu ngoa. Chúng càng đánh, tớ càng chửi hăng. Mà hoài rồi chúng cũng chán, không thèm đánh nữa, nên tớ và chúng lại thành bạn. Ôi con trẻ, ngây thơ kì lạ. Tuổi nhỏ, trong những khối óc ấy hãy còn tươi mới và dễ dàng tưới tắm và vun trồng sự tử tế, mà vốn dĩ đứa trẻ nào cũng có. Sinh ra vào những năm cuối 90, mọi niềm vui mà trẻ con bây giờ có lẽ ít quan tâm, tớ đã nếm trải và ghi nhớ mãi. Tuổi thơ tớ khởi đầu bằng sự nghèo khó, nhưng vun xây bằng niềm vui và trải nghiệm.

Ảnh minh họa: Haru và Mina (Hideaki Hamada).

Sau này, ba mẹ mua miếng đất trăm mét vuông, xây căn nhà cấp 4, còn nhớ đó là năm 2000, tớ hãy vừa vào lớp Một. Lũ trẻ con quanh xóm đều trạc tuổi nhau, và cứ gọi nhau bằng bạn như lẽ tự nhiên cuộc sống vốn thế.

Xung quanh xóm nhỏ được bao bọc bởi vườn điều lâu năm, bọn trẻ con tụi tớ lúc ấy toàn giữa trưa tan học rủ nhau cầm cây khều trộm điều nhà hàng xóm, dù nhà đứa nào chẳng có một, hai cây trong sân. Chị hai tớ bảo, cây nhà bác Thoa hàng xóm ăn ngọt hơn bùi hơn, bọn tớ cười khì gật gù phụ họa. Dù nói thật ra, những trái điều ấy chát ngòm và tắc bứ chẳng thể nuốt trôi qua cổ, chỉ được mỗi vị ngọt và mùi thơm như níu lấy tinh hoa của đất mà gửi gắm vào. Nhắc đến quà vặt tụi trẻ con bọn tớ ngày ấy, thì toàn mấy món chẳng no nê bổ béo gì, có hôm ăn vào còn bị Tào Tháo rượt, ấy thế mà nhớ mãi.

Ảnh minh họa: Philo và Pompon.

Hồi ấy tớ nằm trong diện vừa lười vừa dốt, chẳng ham học hành gì, còn nhớ cô giáo có dạy ở lớp cách tính tháng bằng đầu ngón tay, cách xem đồng hồ tính giờ, tớ chẳng buồn ghi nhớ. Với tớ, tuổi lên 8 lên 10, tháng ngày được đánh dấu bằng những bước chuyển rất lạ lùng, rất con trẻ. Mùa Xuân đến khi mẹ mua nước ngọt và bánh kẹo đóng sẵn trong thùng các tông, mà tớ phải đợi tới sáng mùng Một mới được ăn, nên luôn lén mẹ bóc trộm vài cái ăn vụng. Thực ra cũng là bánh kẹo bình thường thôi, ấy thế mà ngon ngọt lạ lùng. Mùa Hè đánh dấu bằng sắc đỏ rực lửa của gốc phượng bên kia đường, tớ dùng sắc đỏ ấy phán đoán những ngày mùa Hạ còn nhiều hay ít. Rồi mùa Thu của lũ trẻ nhà nghèo không thơm mùi bánh Trung Thu, nhưng lại phảng phất mùi tre trúc, loạt xoạt tiếng giấy màu và tay chân luôn có màu đỏ đỏ vàng vàng của giấy kiếng. Đêm Trăng rằm bất kể mưa hay gió, xóm nhỏ lại kéo nhau “Tết Trung Thu em rước đèn đi chơi…” Ở Bình Dương mùa Đông không lạnh, không rõ rệt, không heo may, chỉ im ắng hơn những mùa khác. Không khí phảng phất mùi nước xả vải những sáng tinh sương, có lẽ do im lặng nên cái vị thơm ngai ngái ấy càng dễ cảm nhận hơn. Ngày mùa Đông với tớ chắc chỉ thích nhất mỗi lần vòi vĩnh và được mẹ mua cho củ khoai nướng vàng óng mà thôi…

Ảnh minh họa: Haru và Mina (Hideaki Hamada).

Tuổi thơ tớ chỉ có vậy, có buồn đau nhưng cũng ngập niềm vui.

Ai cũng xin một vé cho tuổi thơ. Riêng tớ, tớ thương và trân trọng khoảng ngày ấy. Nhưng, xin gửi lại khoảng  ngày đó lời “Chúc ngủ ngon”... Và xin không nhận tấm vé về tuổi thơ ấy, mọi hồi ức đều đáng được vẹn nguyên và điều gì quá hoàn hảo thì chẳng còn giá trị vốn có.

(Chi tiết về cuộc thi viết “Những mốc thời gian hạnh phúc” có thể xem tại đây. Hoặc gửi bài viết về địa chỉ email cuocthiviet.h2t@gmail.com)

MỚI - NÓNG
Đảng ủy - Ban Biên tập báo Tiền Phong đối thoại với đoàn viên thanh niên
Đảng ủy - Ban Biên tập báo Tiền Phong đối thoại với đoàn viên thanh niên
HHT - Trong chương trình đối thoại với đoàn viên thanh niên năm 2024, Đảng ủy - Ban Biên tập báo Tiền Phong đã trao đổi nhiều nội dung về công tác định hướng, hỗ trợ hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên, bồi dưỡng và giới thiệu kết nạp Đảng cho đoàn viên ưu tú; chế độ, chính sách với người lao động; định hướng chiến lược phát triển cơ quan; phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của đoàn viên thanh niên trong việc phát huy chuyên môn, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan.
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
HHT - Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" của trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) diễn ra đầy ấn tượng với những tiết mục văn nghệ, hoạt cảnh đầu tư công phu, chỉn chu. Phần thi kiến thức liên quan tới chiến dịch Điện Biên Phủ để lại dấu ấn sâu đậm nhờ sự thông minh, đáng yêu của các bạn nhỏ.

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.