Những mốc thời gian hạnh phúc: Ba ơi, khi nào cà lớn

Những mốc thời gian hạnh phúc: Ba ơi, khi nào cà lớn
HHT - Tấm lưng ba ướt sũng, chẳng biết do nước mưa hay mồ hôi. Đôi mắt ba cứ nhìn ra ngoài kia, phía đám cải đang vùi mình dưới màn mưa trắng xóa.

Nhà tôi có mảnh vườn cách nhà chừng chục cây số. Ngày đó khó khăn, ba với mẹ cứ lạch cạch hai người hai chiếc xe đạp ra vườn, sáng đi, trưa về nấu cơm, rồi xế chiều lại đi, tối mịt mới về.

Mảnh vườn đó, ba tôi trồng nào cải, nào cà, nào ớt, khi là những hốc sắn dây, chán chán lại dựng mấy giàn mướp, giàn khổ qua lủng lẳng. Những ngày nghỉ học, chúng tôi theo ba mẹ ra vườn. Ngoài vườn không thiếu việc cho chúng tôi làm, như nhổ cỏ, hái bông mướp, vắt leo, có khi còn phải vật lộn với cái ống dây nước dài ngoằng để tưới cho hết đám tần ô, dưới cái nắng chang chang.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Ba ơi, khi nào cà lớn ảnh 1

Ngồi bên đám rau mầm mới nhú, tôi hoa mắt giữa mớ rau cỏ mọc lẫn lộn. Lần mò chậm rãi từng cọng cỏ, chân thì mỏi nhừ tê tái nên cứ chốc chốc lại đứng lên làm bộ đi uống nước, lấy nón, rồi cất nón. Cứ thế tới tận trưa mà tôi chưa nhổ xong một luống, trong khi mẹ thì đã một mình nhổ sạch tới gần luống cuối vườn. Rồi khi giàn mướp ra ngọn xuề xòa, ba dạy chúng tôi cách vắt từng ngọn cho chúng leo lên giàn. Ngọn mướp non xanh được bàn tay ba nhẹ nhàng uốn dọc theo chiếc cọc tre, rồi dùng dây chuối cột nhẹ cố định lại, để chúng được thế mà leo thẳng lên. Ban đầu tưởng đâu việc này thật dễ, tôi quắn quýt làm, thế là đã khiến không ít dây mướp gãy ngọn đáng thương. Mỗi lần như vậy tôi lại thấy xót ruột xuýt xoa.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Ba ơi, khi nào cà lớn ảnh 2

Công việc mà tôi thích nhất là hái bông mướp. Khi ba thấy giàn mướp đã bắt đầu hết đợt trái cuối cùng, ba đưa cho mỗi đứa một cái rổ to để hái bông. Hái được bao nhiêu, số tiền bán được thì hai đứa “được quyền giữ lấy mà tiêu”. Đây là công việc duy nhất chúng tôi làm mà có lương nên thích lắm. Số tiền bán được cũng chỉ được mười mấy nghìn thôi, nhưng cũng là cả một gia tài với một đứa con nít rồi. Có điều, lần nào mẹ cũng nói “ Đưa mẹ giữ phân nửa cho kẻo rơi mất”. Tôi và nhỏ em nhìn nhau tiu nghỉu.

Vào mùa cải, chúng tôi cắt cải đem bán. Tôi là chúa sợ sâu bọ, mà giống cải thảo lại là nơi trú ngụ của những con sâu to đùng bụ bẫm. Thế nên đó là công việc tôi cực ghét. Mùa cải thường rơi vào những ngày mưa. Có những chiều mưa lớn ập tới, cả nhà chạy vào trú trong chiếc lều ba dựng tạm giữa vườn. Căn lều liêu xiêu dưới màn gió quần quật. Ba ngồi ở góc lều trấn giữ cọc lều cho gió khỏi quật ngã. Tấm lưng ba ướt sũng, chẳng biết do nước mưa hay mồ hôi. Đôi mắt ba cứ nhìn ra ngoài kia, phía đám cải đang vùi mình dưới màn mưa trắng xóa.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Ba ơi, khi nào cà lớn ảnh 3

Thời gian sau đó, phần vì nợ nần, phần vì nghề trồng trọt quá khó khăn, ba mẹ tôi đã bán đi mảnh vườn ấy. Ba chuyển qua làm thợ xây, tuần về có một lần. Thi thoảng, ba chở tôi ra nhà ông chơi, khi đi ngang mảnh vườn cũ, lần nào ba cũng đi chậm lại, có khi còn dừng xe đứng nhìn một lúc.

Khoảng sân trước nhà tôi, ba tận dụng từng góc nhỏ, mua chậu về trồng đủ loại cây. Những chậu kiểng ra hoa rực rỡ, còn mấy hàng húng quế, ớt, hành thì lúc nào cũng mơn mởn.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Ba ơi, khi nào cà lớn ảnh 4

Tôi yêu mảnh vườn của ba, và yêu khoảng thời gian tuổi thơ đủ đầy mưa nắng gió. Nhớ hoài mấy chiều buổi vàng, tôi ngồi ngược phía sau yên chiếc xe đạp lạch cạch ba chở, nhìn về phía mảnh vườn xanh nơi có mấy cây cà tôi mới trồng, hỏi ba: “Ba ơi khi nào cà lớn?”.

VŨ THỊ THẢO LY

(288 Nguyễn Văn Linh, phường Bình Thuận, Quận 7, TP.HCM)

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.