Những mốc thời gian hạnh phúc: Bà "Phèo" trong kí ức

Những mốc thời gian hạnh phúc: Bà "Phèo" trong kí ức
HHT - Thực ra tên thật của bà là Hảo. Theo chuyện kể lại thì có một anh học vài khóa trước chúng tôi ăn chịu cơm rang của bà và khai tên giả là "Phèo", vì anh ấy tự coi mình là nhân vật Chí Phèo trong truyện của Nam Cao.

Xuân sang, tiết trời ấm áp dần nhưng dư âm của mùa Đông vẫn còn, một số quán ở chợ cóc vẫn còn xuất hiện bếp lò than nướng khoai, nướng ngô. Khung cảnh ấy làm tôi rưng rưng nhớ đến bà “Phèo”, người bà trong kí ức của tôi thời học cấp ba trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Bà "Phèo" trong kí ức ảnh 1

Nhà bà ngay cạnh trường tôi học. Những đêm Đông lạnh giá và cả khi sang Xuân bà thường ngồi thu lu ở góc sân để bán khoai, ngô nướng, ngô luộc, nhiều hôm bà cũng bán mì tôm hoặc cơm rang tại nhà. Cứ lúc nào đói bụng chúng tôi từ trên kí túc xá nhìn xuống sân, hễ không thấy bà thì rủ nhau mò xuống nhà bà, thể nào bà cũng bán tại nhà. Những hôm bà bận việc khác hoặc ốm nghỉ bán chúng tôi đành phải đói meo.

Thực ra tên thật của bà là Hảo. Theo chuyện kể lại thì có một anh học vài khóa trước chúng tôi ăn chịu cơm rang của bà và khai tên giả với bà. Trong sổ nợ ghi là “Phèo”, anh ấy tự coi mình là nhân vật Chí Phèo trong truyện của Nam Cao. Sau đó bạn bè biết chuyện nên cứ gọi vui tên bà Hảo thành bà “Phèo”.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Bà "Phèo" trong kí ức ảnh 2

Là học sinh trường Dân tộc Nội trú, lũ chúng tôi đa số đều là con em dân tộc thiểu số từ các xã đặc biệt khó khăn của các huyện ra học. Trọ trong kí túc xá ăn uống ngày ba bữa từ trợ cấp với mức một tháng là một trăm sáu mươi nghìn đồng. Tiền ăn được tính toán cắt đều bốn nghìn đồng một ngày, bữa sáng thì tô cơm trắng với giá năm trăm đồng cộng với hai muôi canh thịt băm giá năm trăm đồng nữa. Ba nghìn đồng còn lại chia đều cho hai bữa chính trưa và chiều, mỗi bữa là một nghìn rưỡi. Với chế độ ăn uống ấy thì mùa Hè còn tàm tạm chứ mùa Đông thì nửa đêm kiểu gì lũ con trai chúng tôi cũng bị bụng đánh trống khó ngủ. Đêm thì hầu như chẳng còn quán nào mở, mà nếu có thì túi lại xẹp lép chả ai cho ăn chịu, nên chỉ có bà “Phèo” là quý nhân phù trợ của lũ “quỷ” chúng tôi.

Vào những ngày nghỉ cuối tuần nhà bếp của trường không nấu cơm, mỗi đứa chúng tôi được phát vài đồng tiền ăn ít ỏi nhiều khi phải gom lại đóng làm quỹ lớp. Không có tiền ăn nên những ai cách trường vài chục cây số thì còng lưng đạp xe về nhà, những ai ở xa không về được thì tìm cách kiếm mối quan hệ với quán ghi sổ ăn chịu. Đến mùa gặt, vào những ngày cuối tuần bà “Phèo” thường bảo chúng tôi ở lại giúp bà gặt, đỡ phải đạp xe về nhà cho vất vả.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Bà "Phèo" trong kí ức ảnh 3

Mùa mít chín, nhà bà có vài cây ở cạnh giếng đủ cả mít dai mít mật sai quả vô cùng. Bà chả buồn đem bán, bà bảo chúng tôi trèo lên hái ăn thoải mái no nê khi nào hết mới thôi. Cũng có những người ăn chịu cơm rang, mì tôm hay ngô khoai nướng của bà khi học xong cũng biệt tăm, chả buồn nhớ quay lại trả tiền bà nữa. Bà bảo nhà chúng nó nghèo khổ mới được ưu tiên ra nội trú học. Cuộc sống thiếu thốn của chúng nó thì bà hiểu vì bà là góa phụ của liệt sĩ từ thời chiến tranh. Bà đã nếm trải qua những cay đắng của sự vất vả, thiếu thốn. Bà không giúp được gì cho chúng nó thì thôi chứ để chúng nó ăn vài củ khoai, bắp ngô, bát cơm rang thì đáng là bao. Bà chỉ mong chúng nó mang cái chữ về làng về bản là bà vui rồi. Nói vậy bà còn cười móm mém, nhìn những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt đầy những nhọc nhằn vất vả nhưng chan chứa yêu thương.

Thời gian cứ trôi đi không bao giờ trở lại. Bao nhiêu thế hệ học sinh đã từng học ở ngôi trường ấy, có những người đã thành đạt, cũng có những người mang theo cái chữ đã học trở về với cái nương cái ruộng để xây dựng quê hương làng bản... Cho dù họ là ai thì đa số họ vẫn còn mang theo một phần hương vị của những củ khoai, bắp ngô nướng, ngô luộc hay mùi cơm rang, mì tôm của bà “Phèo”. Còn riêng đối với tôi thì bà “Phèo” mãi mãi là một người bà đáng kính trong kí ức mình.

BÀN HỮU TÀI

(Lớp TC21.TDH, Khoa Điện, Trường đại học Công nghiệp Thái Nguyên)

Ảnh minh họa từ Internet 

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

HHT - “Công xưởng xanh của Apolenka” là một cuốn sách tuyệt đẹp. Không chỉ bởi các bức tranh với sắc xanh diệu kỳ tưởng như đang ở thế giới cổ tích, mà còn vì câu chuyện được kể rất ấm áp. Không những thế, cuốn sách còn mang đến cho các bạn nhỏ những hiểu biết thú vị về một nghề truyền thống ở nước Séc xa xôi.