Có những thứ chất lỏng, người ta biết là hại nhưng người ta vẫn uống. Đơn giản vì nó khiến ta tìm thấy niềm vui, dù là trong phút chốc mà thôi...
Ba tôi là một người nấu rượu. Có thể nói đây là cái nghề gia truyền của dòng họ Nguyễn chúng tôi. Ba làm nghề này không phải vì yêu, mà vì đời đè nén xô đẩy ba nhiều quá. Từng đi đào vàng với hy vọng làm giàu rồi bỏ về với hai bàn tay không và làn da đen sạm, từng lái ô tô chở hàng rồi gặp tai nạn đến nát xe. Người không sao, nhưng ba lại phải bỏ một nghề. Rồi ba quay về với nồi rượu bên căn bếp nhỏ cay mùi khói và âm ẩm mùi củi mốc những độ đông sang. Tôi thương bố tôi, cái thương không phải để bao biện cho năng lực kém cỏi của ba mà thương bằng trái tim của một đứa con đã lớn lên trong mùi rượu ấm, đã chai tay vì những chiều xách nước thay rượu cho ba. Tuổi thơ tôi là tuổi thơ gắn với những nồi rượu, những thùng rượu, những can rượu...
Bếp nấu rượu của ba rộng gấp đôi cái bốt điện thoại mà người ta đã bỏ quên nhiều năm ở Anh. Nhưng những chiếc hộp ấy được sơn màu sang trọng, bếp của ba thì không. Nó được xây bằng gạch bi, không sơn, không quét vôi trát vữa. Chỉ có một ống thoát khói để những làn khói mù đắng không vây bọc mãi lấy ba. Nhưng nó cũng sang trọng đấy chứ. Nó sang trọng bằng những thùng men rượu ủ ngày này qua ngày khác, bởi những thùng rượu tinh cất từ chính thứ gạo mẹ tôi trồng trong phần ruộng hẹp mà xã cấp cho, bởi một bóng người cao gầy suốt ngày cặm cụi nhóm bếp, thay rượu, ủ men. Mùa hè, tôi lại càng yêu cái bóng cao gầy ấy hơn bao giờ hết. Ba cởi trần, mồ hôi nhễ nhại. Mồ hôi rơi như những giọt mưa rào rơi xuống tấm kính dốc nào đấy rồi lăn ngay xuống đất. Ba lúc nào cũng vậy, âm thầm, lặng lẽ và ít nói. Có đau cũng quay mặt vào tường mà một mình đau. Thỉnh thoảng ba uống rượu, nhưng không nhiều. Ba bảo: “Rượu nhà mình ba nấu bằng tất cả kinh nghiệm ông nội mày truyền lại, không thể không ngon. Nhưng nó chỉ mang lại niềm vui ảo ảnh thôi. Ba không muốn chúng mày học ba, mãi tạo cho mình một niềm vui giả tạo”. Vui giả tạo là thế nào hả ba? Phải chăng là cái niềm vui mà cả đời người ta mong nhưng không tới được nên phải mượn rượu mà mơ tới?
Ngày nhỏ, mỗi lúc ba vắng nhà là con lại bán rượu thay ba. Tuổi thơ con gắn liền với những thùng rượu là vì thế. Mùi rượu thơm lắm, ba à. Hay tại nó được nấu bởi bàn tay ba? Chúng dần được bán đi, mỗi ngày một ít. Con lại lớn lên, mỗi ngày một chút trong hương rượu nồng. Ba biết không, đã có lần con tò mò uống thử, nhưng nó cay lắm, con không uống được. Cay như niềm cay cực của cả đời ba...
Những thùng rượu của ba, những thùng rượu chứa của con cả một miền kí ức. Nó cay chát như cuộc sống của một người đàn ông miền núi mải bươn trải với đời, nó ngọt thanh như sự hy sinh mà ba dành tặng cho tương lai đứa con gái nhỏ, nó ấm nồng ruột gan như tích tắc xa nhà, con ngồi nhớ lại và thèm được chạy ngay về căn bếp ấy. “Ba ơi hôm nay để con trông bếp, ba vào vườn với mẹ đi!”
NGUYỄN THỊ THANH NGÂN
(Bắc Sơn, Bắc Phong, Cao Phong, Hòa Bình)
Ảnh minh họa từ Internet