Những mốc thời gian hạnh phúc: Bố không là tàu lửa, không là xe hơi

Những mốc thời gian hạnh phúc: Bố không là tàu lửa, không là xe hơi
HHT - Bố không biết đi xe đạp. Nhưng bố biết sửa xe đạp cho tôi đi. Thế là đã đủ để bố mãi mãi là người bố tuyệt vời nhất.

“Bố là tàu lửa. Bố là xe hơi. Bố là con ngựa. Em cưỡi em chơi…”

Với tôi, bố không phải tàu lửa, cũng chẳng phải xe hơi. Mỗi lần nghĩ đến bố, tôi lại nghĩ đến chiếc xe đạp với những kỉ niệm tuổi thơ của bố và tôi.

Hồi tôi còn nhỏ, mẹ bảo rằng bố không biết đi xe đạp bởi lúc bố mới tập đi xe bố đã lao xe xuống ruộng. Kể từ ấy trở đi không bao giờ thấy bố đi xe đạp nữa. Tôi cười phá lên, nắc nẻ. Thỉnh thoảng tôi lấy “sự kiện” ấy ra để đùa bố, bố chỉ cười trừ.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Bố không là tàu lửa, không là xe hơi ảnh 1

Bởi không thể đi được xe, những việc ở xa bố làm cũng gặp trở ngại nhiều hơn. Bố tôi chỉ học hết lớp ba rồi nghỉ học theo bà đi làm. Mùa gặt, bố kéo xe cải tiến theo bà ra đồng. Chỗ gặt lúa cách xa lắm, tính ra cũng vài kilômét. Bố tôi kéo xe đi, rồi lại kéo chiếc xe chất đầy lúa về. Quãng đường thật là dài bố cũng chỉ đi bộ mà thôi. Khi trưởng thành bố theo nghề thợ hồ. Nhiều lúc chỗ làm cách xa bố cũng đi bộ. Tôi thường bảo:

- Khi nào có xe đạp điện con chở bố đi làm nhé!

- Khỏi, đi bộ cho khỏe chân.

Bố cười lên. Trên khuôn mặt khắc khổ hằn rõ những nếp nhăn vì đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống.

Khi tôi đến tuổi có thể làm việc nặng mẹ bắt tôi cùng bố đi gặt lúa. Tờ mờ sáng, bố bắt đầu kéo chiếc xe cải tiến đi trước, tôi cầm bình nước đá lẽo đẽo theo sau.

Bây giờ đồng lúa không còn xa nữa. Nhưng tôi không quen đi bộ. Thỉnh thoảng lại tuột dép. Đi lâu quá quai dép cứa vào làm phồng rộp cả ngón chân. Cứ chốc chốc bố lại dừng lại đợi tôi.

- Nhanh lên con!

- Mỏi lắm bố ơi!

- Tí về bố cho tiền mua kem.

Nghe thấy thế, tôi hăng hái chạy theo bố. Tuổi nhỏ mà, đứa trẻ nào cũng thích ăn quà. Cả tôi cũng vậy.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Bố không là tàu lửa, không là xe hơi ảnh 2

Lên lớp Chín, tôi được học đội tuyển ở trường năng khiếu. Nhà cách trường khoảng năm kilômét. Bố bảo với mẹ:

- Mẹ nó mua cho cái Lan xe đạp điện. Nó đi xe đạp nhọc lắm.

Nhưng mẹ tôi quyết định năm sau đi học xa mới mua. Còn năm nay một tuần chỉ học có ba buổi chưa mua xe vội. Tôi không phục. Bố bảo đợi thêm một thời gian nữa bố mua cho.

Một ngày đi học chiều về, xe đạp tôi tuột xích giữa đường. Tôi phải xuống dắt xe hết con đường quốc lộ, lại đi hết cả con đường đất vắng người, đi qua cả nghĩa trang… Ba kilômét đường dài, tôi đi bộ. Chợt nhớ tới hồi nhỏ khi không có xe, bố tôi cũng từng đi bộ như thế, rất nhiều lần.

Chân tôi đi không vững, chiếc xe chốc chốc lại ngả về một bên. Gần một tiếng sau tôi mới về tới nhà. Bố đã chờ sẵn ở cổng từ lâu. Thấy tôi, bố hỏi hốt hoảng và lo lắng.

- Sao thế con? Sao lại đi bộ? Xe hỏng hả con?

Tôi òa lên khóc tức tưởi, hệt như một đứa trẻ vừa bị cướp chiếc kẹo mút quý giá. Bố xoa mái tóc tôi.

- Không sao đâu. Mai bố sửa xe cho.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Bố không là tàu lửa, không là xe hơi ảnh 3

Bố không đủ chữ nghĩa để dạy tôi học. Lại không thể chở tôi trên con đường đến với con chữ. Nhưng bố chính là người đứng phía sau hỗ trợ tôi tiến bước.

Bố không biết đi xe đạp. Nhưng bố biết sửa xe đạp cho tôi đi. Thế là đã đủ để bố mãi mãi là người bố tuyệt vời nhất.

TRỊNH THỊ LAN

(Xóm 2, thôn Đại Mão, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Cuốn sách nâng trình kể chuyện "đỉnh chóp" cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ

Cuốn sách nâng trình kể chuyện "đỉnh chóp" cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ

HHT - Trong thế giới tràn ngập thông tin hiện nay, việc thu hút chú ý và truyền tải thông điệp trở thành thách thức không nhỏ, nhất là với các nhà sáng tạo nội dung thế hệ mới. Trong quyển sách "Kể chuyện hay là chết", tác giả Lisa Cron đã đưa ra nhiều chiến lược hữu ích giúp bạn tạo ra những câu chuyện đầy sức hút.
Một thời để nhớ: Bức chân dung đẹp nhất được chụp bởi rung động của trái tim

Một thời để nhớ: Bức chân dung đẹp nhất được chụp bởi rung động của trái tim

HHT - Khi Mẫn cắm bông, mồ hôi đọng trên trán nó từng hạt lớn. Ánh nắng ngoài cửa sổ cũng vàng sượm. Tớ đang lắp phim, bèn đưa máy lên bấm thử. Nghe tiếng xoạch, nhỏ Mẫn nhìn thẳng vào tớ, nở nụ cười mắc cỡ, hơi rụt rè, nhưng ánh mắt thật trìu mến. Tớ sững lại, rồi bấm luôn vài phát liên tiếp.