“Sao mày ra đời bao nhiêu lâu rồi mà mẹ chả thấy mày lớn tý nào thế hả con?”
“Dạ! Con mới chỉ 10 tuổi thôi mà…”
Tôi - trên căn cước công dân năm nay 21 tuổi.
Tôi - trong suy nghĩ năm nay 10 tuổi lần thứ 11.
Tôi yêu mốc 10 tuổi ấy. Bởi với tôi 10 năm đầu đời là quãng thời gian đẹp nhất. Cả thế giới của tôi có bàn tay bố che chở.
Tôi nhớ mẫu giáo có những hôm trời mưa, trời nắng to, có bố chở đi. Thậm chí, có hôm lười đi bộ, đi được một đoạn, tôi khóc mếu quay về. Khi ấy bố còn tưởng tôi bị ai bắt nạt, thế là bố bảo bố chở đi, chỉ cho bố xem là đứa nào bắt nạt con gái bố. Trên chiếc xe cào cào đã tróc hết sơn năm ấy, có một cô bé đã ôm chặt bố, len lén cười.
Ảnh minh họa: Soosh.
Tôi nhớ ngày quê tôi còn nghèo, bố phải đi làm ăn xa. Tôi ngày ấy bé lắm. Bố về cho tôi một cây bút, bố dạy tôi vẽ đồng hồ lên cổ tay bé xíu, vẽ nhẫn lên những ngón tay múp múp. Bố dạy tôi viết: ông, bà, bố, mẹ, Nga.
Những con chữ đầu tiên xiêu vẹo ấy tôi tập viết trên đùi mình…
Và bố là thầy giáo đầu tiên của tôi.
Tôi nhớ những đêm luôn có bố ngồi bên giảng bài. Lớp Một, tôi ra bác Vượng ở. Tôi không nhớ hơi mẹ, không nhớ nhà như nhiều đứa trẻ khác. Nhưng mỗi tối khi lấy sách vở làm bài tập, tôi thực sự rất muốn về.
Ở nhà có bố - có gia sư của riêng tôi.
Ảnh minh họa: Soosh.
Tôi nhớ điểm 6 đầu tiên khi tôi làm toán lớp Một: Đề vẽ một hình chữ nhật đứng, bên trong có dấu cộng ở trên, dấu trừ ở dưới (có nghĩa là điền dấu cộng hoặc trừ vào ô trống). Còn tôi nghĩ là dấu cộng, còn dấu trừ là gạch chân trang trí. Thế là tôi cười nghĩ: “Dễ ẹc, có mỗi điền dấu cộng vào mà cũng hỏi”. Tôi điền tất cả dấu cộng vào chỗ trống mà không cần suy nghĩ. Khi ấy mẹ còn đang “lên lớp” tôi vì học hành không bằng bạn này bạn kia. Vậy nhưng, bố lại chỉ cười xoa đầu tôi, rằng điểm số không quan trọng. Bởi vậy, suốt hành trình đi học, tôi chưa bao giờ phải chịu áp lực thành tích từ gia đình.
Sau này tôi mới biết, tôi đã may mắn hơn rất nhiều bạn.
Ngày nhỏ tôi bị ăn đòn của mẹ nhiều lắm. Tôi cũng đã không còn nhớ được lý do, số lượng hay bất cứ điều gì liên quan đến chúng. Nhưng tôi lại nhớ rất rõ một lần mẹ cáu, kêu tôi vào nằm sẵn chuẩn bị chịu đòn. Lúc ấy bố pha nước đường cho mẹ rồi bảo mẹ uống đi cho hạ hoả. Thế là mẹ cười, tôi thoát trận đòn hôm đó. Lúc ấy bố thật đáng yêu.
Ảnh minh họa: Soosh.
Nhà tôi chưa có tivi. Đêm ấy trời mưa không đi xem tivi nhờ được. Bố đã nằm hát cho hai mẹ con nghe. Bố hát thật hay. Đêm hôm sau, trời không mưa, tôi đòi bố hát nữa. Bố cười thật hiền. “Trời mưa hát hàng xóm mới không nghe thấy.”
Mãi đến sau này tôi vẫn tự hào về giọng hát của bố.
Tôi nhớ những đêm mùa đông, cả nhà lên thím Thư xem tivi. Bố có áo phao thật bự thật dày. Bố cho con chui vào trong áo, thò đầu ra ngoài. Bên ngoài gió thổi vào mặt lành lạnh, tê tê. Trong lòng bố ấm áp kỳ diệu.
Tôi nhớ cả những ngày còn bé xíu. Cũng chẳng rõ khi ấy tôi mấy tuổi nữa. Bố mẹ và tôi, gia đình ba người, và tôi khi ấy là “con gái diệu” của bố. Bố cõng tôi trên vai. Bố gọi ấy là “tiên”. Mẹ trêu: “Bây giờ cho nó trèo đầu cưỡi cổ thế này không biết sau nó có cho bố được chai rượu khê không đây hay có chồng thấy bố sang, có con gà lại cất vội”.
Bây giờ con cũng có thể dùng tiền con làm thêm mua rượu với thịt cho bố rồi nè, bố còn cần chúng không?
Ảnh minh họa: Soosh.
Đêm hôm ấy trăng sáng và trên cao gió mát lắm. Tôi nhớ ngày ấy chân tôi bị sao đó, những nốt viêm mọc lên, mưng mủ. Đau lắm. Những lúc ấy bố luôn mua kẹo cao su để dỗ tôi. Luôn thổi chỗ đau cho tôi. Bố cười: “Thổi thế này sẽ hết đau!” Và tôi thật sự không cảm thấy đau nữa. Bố của tôi là ông bố dịu dàng nhất.
Bây giờ bố bệnh rồi. Bố nóng tính hơn. Nỗi lo tiền bạc trở thành gánh nặng đè lên đôi vai gầy của bố. Đôi khi trở nên quá sức. Bố dần thay đổi, không còn là người bố tuyệt vời như ngày ấy nữa. Bố bây giờ tuyệt vời theo một cách khác.
Bố ngày ấy, bố bây giờ và bố sau này vẫn sẽ là người tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi.
Bố là siêu nhân của riêng con.