“Những mốc thời gian hạnh phúc”: Chiếc roi tre của mẹ

“Những mốc thời gian hạnh phúc”: Chiếc roi tre của mẹ
HHT - Tôi hỏi, mẹ còn nhớ hình ảnh tôi chạy phía trước mẹ cầm roi tre rượt phía sau không? Mẹ mỉm cười bảo ngày xưa mẹ còn trẻ, mẹ còn có sức, chạy được theo tôi rồi vượt qua tôi. Nhưng giờ tôi đã chạy vượt qua mẹ rồi.

Mẹ tôi có chiếc roi tre. Mẹ dựng nó ở đầu giường suốt những ngày Hè. Còn tôi với em tôi có một niềm vui nho nhỏ là chúng tôi đã đánh tráo chiếc roi của mẹ bằng một chiếc roi tre khác nhỏ hơn và chúng tôi cứ thế vui vẻ cho hết những ngày Hè còn lại.

Tôi còn nhớ đó là vào những ngày Hè của những năm cấp một, khi tiếng gọi của bạn bè, của lũ ve còn say hơn tiếng gọi của những giấc nồng. Cứ mỗi trưa Hè chỉ mong mẹ ngủ, tôi và thằng em lại vui vẻ như mở cờ trong bụng, lướt qua mẹ nhẹ nhàng và êm ru như một cơn gió rồi đi theo tiếng gọi của lũ bạn thân thương. Như những kẻ sống trong ngục tù lâu năm, tôi và em mình cùng lũ bạn hàng xóm rong ruổi trên những con đường làng dưới cái nóng chang chang của ngày Hè. Mặt đứa nào đứa đó đỏ ửng lên như những kẻ chớm cơn say nhưng tuyệt nhiên không đứa nào chịu dừng lại cho đến khi tôi hét lên:

“Tao nghĩ ra rồi, đi bắt ong đi.”

Ảnh minh họa: Haru & Mina (Hideaki Hamada).

Đó là vào những trưa Hè tháng Năm, mùa hoa vừng và lũ ong đến thụ phấn cho hoa. Thời ấy chúng tôi ngô nghê lắm, chúng trôi bảo nhau rằng bắt ong về chúng tôi sẽ nuôi được ong và đâu tầm mấy hôm sau chúng tôi sẽ có mật ong ăn ngon lành mà không biết rằng những chú ong đó không bao giờ sản xuất ra mật cho chúng tôi mà chúng chết sau đó tầm một hôm. Giấc mơ mật ong ngày bé của chúng tôi mãi mãi chẳng bao giờ thành sự thật. Lần ấy khi chúng tôi bắt đâu được tầm mười mấy con ong thì mấy chú bảo vệ đến. Cả bọn sợ hãi bỏ chạy giữa ruộng vừng. Chúng tôi đâu biết rằng, chúng tôi giẫm rạp cả ruộng vừng nhà bác Hoàng. Lần chạy ấy, tôi thoát còn thằng em tôi bị bắt lại. Nó được chú bảo vệ lôi về tận nhà. Mẹ kêu tôi về đứng trước cửa nhà cùng nó. Nó nhìn tôi, đôi mắt hiện lên vẻ lo sợ.

Ảnh minh họa: Haru & Mina (Hideaki Hamada).

“Ai cho hai đứa đi phá làng phá xóm hả?”

Mẹ cầm chiếc roi tre trên tay. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ giận dữ như vậy.Chúng tôi im thin thít không đứa nào dám lên tiếng.

“Con bày cho em phải không?”

Một tiếng vút, tôi thấy bắp chân mình đau nhói. Tôi không định khóc nhưng những giọt nước mắt cứ tự động chảy ra. Tôi nhìn sang thằng em, nó nhìn lại tôi đầy sợ hãi.

“Nói, đứa nào bày trò, cả một ruộng vừng của bác Hoàng, đến mùa thụ phấn cho hoa, vậy mà các con phá nát, giẫm gãy cả cây. Bác lấy gì để sống hả? Nói, đứa nào bày cho đứa nào?”

Mẹ giơ tay lên, chiếc roi tre chưa kịp vút xuống thằng em của tôi đã oa oa khóc. Tôi nhìn nó, không kìm được nữa, cuối cùng cũng òa lên khóc.

“Là con, mẹ đừng đánh em, là lỗi của con.”

Trong cơn giận dữ, mẹ vụt thằng em một roi còn quay qua vụt tôi.

“Lớn rồi còn bày trò cho em này.”

Tôi thấy bắp chân đau nhói, đau đến nỗi ý thức tôi trở nên mơ hồ. Tôi chưa từng nghĩ, mẹ có thể đánh tôi đau đến vậy. Tôi nghe thấy tiếng thằng em hét lên, rồi sau đó, tôi chẳng biết sau đó nữa.

Ảnh minh họa: Haru & Mina (Hideaki Hamada).

“Mẹ, mẹ còn nhớ lần mẹ đánh con không, lần cuối cùng mẹ đánh con đấy.”

“Lần con ngất à. Sau ngần ấy năm, con có giận mẹ nữa không?” Mẹ nhìn qua tôi.

Tôi nhìn mẹ, không ngờ sau bao nhiêu năm trận đòn ấy vẫn canh cánh trong lòng mẹ.

“Không, con chưa bao giờ giận mẹ, sau trận đòn ấy con biết được lỗi lầm của con lớn đến mức nào, chỉ vì vài con ong mà con phá nát cánh đồng vừng nhà bác Hoàng, con thấy con có lỗi lắm. Qua bao nhiêu năm, con cũng chưa nói được lời cảm ơn với mẹ. Trận đòn đó giúp con hiểu ra nhiều điều, con có thể nghịch cái này cái kia, nhưng không thể phá nát mồ hôi xương máu của người khác. Mẹ còn giữ cái roi tre ấy không?”

“Con lớn thật rồi. Sau lần đó mẹ bẻ đôi chiếc roi tre, mẹ tự hứa với mình rằng sẽ dùng lời nói để khuyên mấy đứa chứ không bao giờ dùng roi nữa. Nó còn ở đầu giường đấy, mỗi lần mẹ giận dữ đều lôi nó ra nhìn và tự nhủ với bản thân không được giận quá mất khôn.”

Ảnh minh họa: Haru & Mina (Hideaki Hamada).

Tôi nhìn chiếc roi tre đã bị bẻ làm đôi, qua nhiều năm như vậy mà nó vẫn không bị mục nát, chắc mẹ tôi phải giữ nó kĩ càng lắm đây.

“Mẹ, mẹ cho con chiếc roi tre này nhé.”

“Con định làm gì à?”

“Để sau này con đánh con con mẹ ạ.” Tôi cười đùa với mẹ.

Tôi nói chuyện với mẹ. Thi thoảng lại hỏi mẹ về những chiếc roi tre, hỏi mẹ còn nhớ hình ảnh tôi chạy phía trước mẹ cầm roi rượt phía sau không? Hỏi mẹ sao lần nào cũng đứng trước cánh cổng nhà đối diện với tôi thế. Mẹ luôn mỉm cười bảo với tôi vì ngày xưa mẹ còn trẻ, mẹ còn có sức, chạy được theo tôi rồi vượt qua tôi. Nhưng giờ tôi đã chạy qua mẹ rồi. Còn tôi, suốt cả đời này, chẳng bao giờ tôi có thể chạy vượt qua mẹ cả, bởi mẹ vẫn luôn ở đó, vẫn luôn cầm chiếc roi tre, dạy cho tôi những bài học về cuộc đời.

(Chi tiết về cuộc thi viết “Những mốc thời gian hạnh phúc” có thể xem tại đây. Hoặc gửi bài viết về địa chỉ email cuocthiviet.h2t@gmail.com)

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim bí mật của cô bạn Bánh Cam "keo kiệt" của tuổi thơ tôi

Reply Y2K: Trái tim bí mật của cô bạn Bánh Cam "keo kiệt" của tuổi thơ tôi

HHT - Ba Bánh Cam mất sớm, má nó làm các loại bánh bột chiên, bỏ mối cho những người bán dạo. Có lần, Bánh Cam xách theo bọc bánh, mời bạn bè trong lớp. Mọi người xúm vô ăn. Mấy chục bánh nóng hổi hết sạch. Tới lúc đó, Bánh Cam mới dõng dạc: “Mỗi cái bánh 500 đồng. Trả tiền cho tui nha!”. Tụi bạn chưng hửng ngó nhau.
Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.