Những mốc thời gian hạnh phúc: Có tiếng rao không bằng lời nói

Những mốc thời gian hạnh phúc: Có tiếng rao không bằng lời nói
HHT - Thành phố giờ tiện ích, muốn gì cũng có, cửa hàng. Mỗi khi ngồi nhớ về, trong tiềm thức lại dậy sóng nỗi nhớ về món quà tuổi thơ, nhớ cả âm thanh lắc xắc, leng keng như chứa đựng bao dấu ấn không phai nhòa.

Sài Gòn đủ đầy những gánh hàng rong. Chỉ cần một thúng bánh cam nhỏ xíu xiu cũng thành món hàng rong lang thang khắp các con hẻm ngoằn ngoèo trong thành phố. Càng nhỏ càng dễ chen lấn, len lỏi các ngóc ngách giữa nhịp sống phố thị xô bồ.

Một sáng thức dậy, đã nghe đâu đó tiếng rao văng vẳng rất gần. Tiếng rao từ miệng phát ra tưởng rất nhỏ, nhưng một khi len lỏi giữa những vách nhà cao tầng, vọng lên nghe đều đều, rõ và lớn hơn. Người thành phố chỉ việc ngồi trong nhà, hóng tai ra đường, đảm bảo sẽ mua được thứ mình cần cho một sáng bận rộn. Có khi là chén súp cua còn nóng hôi hổi, lúc là chén tàu hũ ngọt lành... Ở Sài Gòn có thể nghe tiếng rao bằng đủ chất giọng, vùng miền. Từ sáng đến đêm, lúc nào cũng có.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Có tiếng rao không bằng lời nói ảnh 1

Bây giờ cũng thế, tuy những tiếng rao ấy đã bớt tự nhiên dần, mà thay vào đó là tiếng rao bằng công nghệ. Người bán hàng rong không phải tốn công sức nhiều. Chỉ cần dăm trái dưa leo, ít cá tôm, vài mớ rau, kí cà chua... chất vào chiếc xe honda là thành cái chợ, rong ruổi khắp các ngả đường, kèm thêm chiếc loa tự động, chỉ cần nhấn nút là có tiếng rao, đảm bảo rõ lời, bao lớn...

Song, những tưởng tiếng rao thì phải dùng lời nói, chí ít là để truyền tải cho người nghe biết món hàng mà người rao muốn bán. Thế nhưng trong một góc khuất nào đó, có những tiếng rao chẳng cần dùng lời nói, chỉ cần vài âm thanh lắc xắc, hoặc tiếng kèn “toe toe” cũng trở thành tiếng rao thân thuộc, thoảng nghe qua vài lần là biết tỏng tong người rao muốn bán gì...

Những mốc thời gian hạnh phúc: Có tiếng rao không bằng lời nói ảnh 2

Còn nhớ ngày nhỏ khi nhà tôi mới chuyển về cư xá Thanh Đa. Dù đang ở lầu 4, nhưng chỉ cần nghe tiếng bóp kèn inh ỏi, hoặc nghe tiếng gõ leng keng từ chiếc chuông lắc tay là tụi con nít chúng tôi biết xe bán kẹo kéo, cà-rem tới. Hồi ấy chỉ cần vài vỏ lon nước ngọt, chai nhựa hoặc chiếc dép tổ ong đứt quai là có thể đổi cho mình cây kẹo kéo dẻo quẹo, vị ngọt nhức nách, hoặc có khi là cây cà-rem để mút. Dù má đã cấm tiệt vì sợ ăn nhiều viêm họng, nhưng khi nghe tiếng rao leng keng rộn rã, đám con nít chúng tôi lại không thể kiềm lòng. Nhớ có bữa thèm cà-rem quá, mà nhà thì không có gì để đổi, có đứa bạo gan lấy chai nước mắm của má trên bếp đổ vô bịch để lấy vỏ, có đứa dùng dao lam, mỗi ngày cứa một chút lên chiếc dép đang mang cho… chóng  đứt để có thứ mà đem đi đổi. Bây giờ nghĩ lại, hồi đó trẻ con sao dại... đồ ăn quá chừng.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Có tiếng rao không bằng lời nói ảnh 3

Bây giờ cà-rem đổi bằng những chai, những lọ, dép đứt... ở thành phố không còn. Có chăng ở một miền quê nào đó trẻ con còn giữ được thú vui ấy. Thành phố giờ tiện ích, muốn gì cũng có, cửa hàng, siêu thị sát rạt cạnh nhà. Mỗi khi ngồi nhớ về, trong tiềm thức lại dậy sóng nỗi nhớ về món quà tuổi thơ, nhớ cả âm thanh lắc xắc, leng keng như chứa đựng bao dấu ấn không phai nhòa.

Phố giờ cũng có những món đồ, người rao chẳng cần dùng lời nói để truyền tải, chỉ cần vài âm thanh lắc xắc văng vẳng, kèm theo chiếc xe đạp rong ruổi khắp các con hẻm, ngả đường... cũng thành dân buôn bán.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Có tiếng rao không bằng lời nói ảnh 4

Người giác hơi dạo dùng thanh âm đặc trưng ấy để hành nghề, khách của những người giác hơi đêm không nhiều, hoặc có cũng thuộc lớp người lao động bình dân, họ không lựa chọn mặt hàng bằng tay hay mắt như lựa tôm, lựa cá... Họ cảm nhận được từ đôi bàn tay điêu luyện đấm bóp, cho cảm giác khoan khoái, bớt đau nhức sau những ngày lao động mệt mỏi. Là chị nọ đẩy xe bán cá viên chiên, xúc xích... Có cần rao gì đâu, chỉ cần mở một đoạn nhạc không lời lên, khách từ đâu tứa ra vây kín xe hàng, thấy toàn là con nít... Tay này chị chiên, tay kia chị gói, thoăn thoắt, trình tự...

Không cần kể ra nhiều, chỉ cần bấy nhiêu thôi để tự hỏi còn bao nhiêu tiếng rao nữa, không cần nói bằng lời, nhưng đủ làm ta quắt quay, mỗi khi nhớ về...

PHẠM VĂN NINH

(32 Phố Nghi Tân, Phường Đông Mai, Thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh)

Ảnh minh họa từ internet

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim bí mật của cô bạn Bánh Cam "keo kiệt" của tuổi thơ tôi

Reply Y2K: Trái tim bí mật của cô bạn Bánh Cam "keo kiệt" của tuổi thơ tôi

HHT - Ba Bánh Cam mất sớm, má nó làm các loại bánh bột chiên, bỏ mối cho những người bán dạo. Có lần, Bánh Cam xách theo bọc bánh, mời bạn bè trong lớp. Mọi người xúm vô ăn. Mấy chục bánh nóng hổi hết sạch. Tới lúc đó, Bánh Cam mới dõng dạc: “Mỗi cái bánh 500 đồng. Trả tiền cho tui nha!”. Tụi bạn chưng hửng ngó nhau.
Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.