Những mốc thời gian hạnh phúc: “Con sắp đủ lớn để làm điểm tựa cho bố rồi!”

Những mốc thời gian hạnh phúc: “Con sắp đủ lớn để làm điểm tựa cho bố rồi!”
HHT - Có tối muộn thiệt muộn tôi vẫn cố bám trụ chơi nốt đồ hàng với chị, đến khi bố bế về thì đã gục đầu ngủ từ lúc nào, trên vòm lưng rộng lớn của bố. Rồi cứ thế, tôi lớn lên.

Cơn bão tuần qua vẫn còn vương lại chút nơi phố phường Hà Nội, làm con đường tôi hay đi mãi chẳng kịp khô. Hồi còn đi học, mỗi khi thấy trời mưa bão vần vũ là y như rằng bố gọi điện nhắc nhở: “Trời này ra ngoài nhớ mang theo áo mưa, đừng để bị dính cảm. Mày ốm trước mắt là khổ mày, sau chỉ khổ bố thôi!” Câu này tôi nghe đến thuộc lòng, song không hiểu sao nhờ câu nói ấy hay vì sức khỏe tốt mà rất ít khi tôi ốm, suốt ngày chỉ cười đùa toe toét, hát ca, bất kể thời tiết thay đổi, học hành ôn thi thức khuya ra sao.

Ảnh minh họa: phim I Am Sam.

Về ngang phố Tô Hiệu, nhận ra mùa sấu xanh chua ngay gần, trong từng bọc túi bóng xanh vàng treo trên xe máy của mấy cô đi chợ. Khi mẹ mới mất, bát canh sấu nấu trứng bố làm đã nuôi lớn hai chị em không ít ngày. Ba năm trời bố công tác xa, chúng tôi chủ yếu ở bên nhà chú thím. Thỉnh thoảng nhỡ bữa, hai đứa một lớp 9 một 5 tuổi tự ở nhà hì hụi nấu cho nhau ăn. Có lần cả mâm cơm chỉ có độc bát canh sấu trứng nấu tốn không đến 10 phút nhưng nồi cơm cứ vơi dần từng bát mà cái bụng vẫn muốn thêm nữa.

Tôi 8 tuổi mẹ mới sinh em gái nên từ bé, tôi như cô công chúa nhỏ, bố mẹ một phần vẫn uốn nắn một phần hết mực cưng chiều. Có tối muộn thiệt muộn tôi vẫn cố bám trụ chơi nốt đồ hàng với chị, đến khi bố bế về thì đã gục đầu ngủ từ lúc nào, trên vòm lưng rộng lớn của bố. Rồi cứ thế, tôi lớn lên, tiếng cười giòn tan không ngớt cùng cả trời sao treo lửng trước sân nhà mỗi tối Hè mất điện.

Ảnh minh họa: phim I Am Sam.

Trong nhóm bạn, tôi gần như là đứa duy nhất chuyên mang búp bê đi từ nhà này sang nhà khác kêu gọi lập đội đồ hàng. Mấy con búp bê bố đi công tác mua về, ban đầu tôi thích lắm, lôi ra tạo kiểu tóc đủ trò. Được dăm bữa nửa tháng, tóc tai chúng xơ xác hết cả, có đứa trụi húi như thầy sư vì chải nhiều, tóc rụng lần lượt từng lớp gần hết. Bị biến hóa thành xấu xấu như thế mà cả bọn vẫn xếp nó chung hàng với em búp bê nước ngoài, mắt xanh biết chớp chớp, bụ bẫm thơm mùi váy mới.

Đến lớp 3, học thủ công phải cắt dán rất nhiều, thấy tôi hì hụi làm mãi dưới ánh đèn học mà con ếch cứ lệch hoài, chẳng chịu nhảy, bố đến gần bảo để bố giúp. Ngồi bên cạnh như một giám sát viên, nhìn bố gấp thẳng, gấp chéo vài đường, con ếch giấy xanh xinh xinh hiện ra, ấn lưng một cái là lóc cha lóc chóc lên phía trước. Bài thủ công đó tôi nhận điểm 10. Được thể, từ hôm ấy trở đi, mỗi lần cô giao bài tập về nhà, tôi đều ôm một đống nào giấy nào vải “bắt” bố làm hộ. Dẫu chiếc gối nhỏ nhắn vuông bốn cạnh vải hoa xanh nền tím hay chiếc tàu hỏa bằng giấy bố làm tôi chơi vài hôm rồi vứt xó, song tại miền hồi ức, chúng vẫn là một bầu trời tuổi thơ đẹp đẽ, rực sáng và rất đỗi hồn nhiên được thắp lên bởi tình yêu thương của bố mẹ.

Ảnh minh họa: phim I Am Sam.

Vậy mà chẳng hiểu sao, cứ mỗi tuổi lớn, cái bạt tai của bố cho tôi lại càng nhiều. Con bé ngày nào cũng bắt đầu ẩm ương, ngang bướng, biết thế nào là cãi lại, chẳng chịu nhịn, cứ mặc nhiên thể hiện cái tôi mạnh bạo, rõ ràng. Mang trong đầu câu hỏi thắc mắc về sự thay đổi của bố, tôi bước dần ra ngoài cuộc sống thực, va chạm xã hội.

Trải qua nhiều chặng đường, đứa trẻ trong tôi dần trưởng thành. Giờ nhìn lại, tôi mới hiểu phần nào lý do vì sao bố hay lườm, hay quát như thế. Gánh nặng đè lên vai bố quá lớn, trách nhiệm làm cha rồi làm mẹ càng một dày hơn theo thời gian.

Ảnh minh họa: phim I Am Sam.

Đi xa, cảm tưởng như vùng trời trước mắt tôi càng rộng lớn thì khoảng không gian của bố lại thu nhỏ dần. Trước bố hay đi công tác, giao lưu giảng dạy tỉnh nọ tỉnh kia. Sau hai mấy năm, giờ bố ở nhà nhiều hơn, hay mệt, dáng ngồi thường lặng lẽ, trầm mặc.

Thời gian chạy nhanh mà tôi thì lớn chậm, vẫn để bố phải lo lắng. Tự hứa, bản thân cần kỷ luật và nỗ lực, quyết tâm hơn để sau này, tôi có thể trở thành chỗ dựa nhỏ bé của bố lúc về già, giống hình ảnh bố trong mắt tôi ngày xưa, với cánh tay dài rộng tôi hay đu làm trò.

Ảnh minh họa: phim I Am Sam.

“Em ơi, có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời. 20 năm đầu sung sướng không bao lâu. 20 năm sau sầu vương cao vời vợi. 20 năm cuối là bao?”

(Chi tiết về cuộc thi viết “Những mốc thời gian hạnh phúc” có thể xem tại đây. Hoặc gửi bài viết về địa chỉ email cuocthiviet.h2t@gmail.com)

MỚI - NÓNG
Đảng ủy - Ban Biên tập báo Tiền Phong đối thoại với đoàn viên thanh niên
Đảng ủy - Ban Biên tập báo Tiền Phong đối thoại với đoàn viên thanh niên
HHT - Trong chương trình đối thoại với đoàn viên thanh niên năm 2024, Đảng ủy - Ban Biên tập báo Tiền Phong đã trao đổi nhiều nội dung về công tác định hướng, hỗ trợ hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên, bồi dưỡng và giới thiệu kết nạp Đảng cho đoàn viên ưu tú; chế độ, chính sách với người lao động; định hướng chiến lược phát triển cơ quan; phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của đoàn viên thanh niên trong việc phát huy chuyên môn, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan.
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
HHT - Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" của trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) diễn ra đầy ấn tượng với những tiết mục văn nghệ, hoạt cảnh đầu tư công phu, chỉn chu. Phần thi kiến thức liên quan tới chiến dịch Điện Biên Phủ để lại dấu ấn sâu đậm nhờ sự thông minh, đáng yêu của các bạn nhỏ.

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.