Những mốc thời gian hạnh phúc: Cứ bước, ba ở đằng sau

Những mốc thời gian hạnh phúc: Cứ bước, ba ở đằng sau
HHT - Tôi biết rằng dù đi đến đâu thì ngoảnh mặt lại vẫn có ba ở đó, có tình thương và nụ cười hiền của ba… Và nửa cuối tuổi 16, tôi biết trở về nhà trong niềm hạnh phúc.

Nắng khẽ vươn qua khe cửa sổ, những giọt nắng mang theo cả hơi thở của đất trời, tôi nhướn người với lấy điện thoại. 08:11. Kí túc xá lúc này yên ắng đến lạ. Chẳng qua là sáng Chủ Nhật. Mọi người chắc cũng về hết, chỉ còn lại một số đứa “trăm công nghìn việc” như tôi mà thôi. Vẫn nằm lì trên chiếc giường tầng, tôi nhớ đến kí túc xá những ngày đầu tiên.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Cứ bước, ba ở đằng sau ảnh 1

Có lẽ là một ngày giữa tháng Bảy, trời như thiêu như đốt, ba dẫn tôi tới kí túc xá này. Tôi từ nhỏ tới lớn sống trong vòng tay của bà ngoại, bà thường ôm tôi vào lòng mà rằng, ba mẹ bận nhiều việc mà thôi. Tôi lớn lên mà chẳng mấy lúc nghĩ về tình thương của ba. Tôi chỉ biết những ngày nộp tiền học, ba rút tiền ra từ chiếc ví da sờn cũ đưa cho tôi. Và lần nào ba cũng đưa thừa tiền và bảo tôi đừng tiêu xài lung tung.  Rồi những ngày ôn thi, tôi chạm mặt thầy cô giáo còn nhiều hơn chạm mặt ba. Chỉ biết rằng cứ mỗi sáng ngủ dậy, tôi thấy mình nằm gọn trong chiếc màn trắng với những hình vẽ ngộ ngĩnh.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Cứ bước, ba ở đằng sau ảnh 2

Ngày tôi đậu vào trường chuyên ở thành phố, ba dẫn tôi lên trường mới, xách hành lí của tôi lên tận tầng ba kí túc xá. Ba cười hiền, có lẽ ba nghĩ rằng tôi đã lớn, có lẽ ba tự hào về tôi nhiều lắm. Sau khi dọn dẹp đồ đạc xong xuôi, ba đi ra ngoài một hồi lâu. Ngồi đợi ba mãi, tôi cùng mấy đứa bạn mới ra ngoài tổ chức một bữa tiệc đậm chất học sinh với quán cơm bình dân ngoài cổng trường. Tôi trở về phòng sau bữa tiệc gặp mặt đã thấy ba đứng ngoài cửa phòng đợi tôi cùng mấy túi đồ to nhỏ. Ba hỏi tôi:

- Ăn cơm chưa?

Tôi khẽ đáp:

- Con ăn rồi.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Cứ bước, ba ở đằng sau ảnh 3

Ba xách đồ vào phòng rồi đặt đồ lên giường, ba rút từ ví da cũ kĩ của mình, đưa tiền cho tôi rồi bảo tôi cần gì thì cứ mua nhé. Bóng ba khuất sau cánh cửa gỗ. Tôi mở túi đồ ba mua ra: Một chiếc đèn học màu đỏ sẫm, chiếc khăn rửa mặt màu xanh ngắt, lọ sữa rửa mặt mà tôi thường dùng và cả một túi đầy đồ ăn vặt nữa. Tôi chẳng thích đèn màu đỏ đâu, thật chói mắt; tôi cũng chẳng thích khăn màu xanh đâu, tôi thích màu cam hơn cơ mà. Và cả sữa rửa mặt, đống đồ ăn vặt, tôi thấy hình như mình đã khóc. Những giọt nước mắt khẽ rơi xuống. Những giọt nước mắt hạnh phúc lần đầu tiên đã rơi trong cuộc đời tôi. Nhìn qua tấm kính, tôi thấy ba bước đi nặng nề. Chợt nhận ra, tôi vô tâm quá và tôi cũng hạnh phúc quá. Hóa ra từ trước tới giờ ba vẫn lặng lẽ quan tâm tôi. Hóa ra ba vẫn ở đó đợi tôi dù tôi có đi tới đâu chăng nữa… Và tôi nhận ra mình đang hạnh phúc, hạnh phúc vì biết rằng ba thương tôi nhiều lắm.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Cứ bước, ba ở đằng sau ảnh 4

16 tuổi, tôi biết ba thương mình.

16 tuổi, tôi bớt vô tâm đi và thương ba nhiều hơn.

16 tuổi, tôi biết gọi điện về nhà nhiều hơn nữa.

16 tuổi, tôi hạnh phúc trong tình thương của ba.

16 tuổi làm như vậy có phải quá muộn hay không? Tôi cũng chẳng biết nữa, chỉ biết rằng, dù đi đến đâu thì ngoảnh mặt lại vẫn có ba ở đó, có tình thương và nụ cười hiền của ba… Và nửa cuối tuổi 16, tôi biết trở về nhà trong niềm hạnh phúc.

ĐÀO THỊ HẢI YẾN

(C1K45, THPT Chuyên Phan Bội Châu, số 48 đường Lê Hồng Phong, Phường Hưng Phúc, Thành phố Vinh, Tỉnh Nghệ An)

Ảnh minh họa: Soosh (Instagram @vskafandre)

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

HHT - “Công xưởng xanh của Apolenka” là một cuốn sách tuyệt đẹp. Không chỉ bởi các bức tranh với sắc xanh diệu kỳ tưởng như đang ở thế giới cổ tích, mà còn vì câu chuyện được kể rất ấm áp. Không những thế, cuốn sách còn mang đến cho các bạn nhỏ những hiểu biết thú vị về một nghề truyền thống ở nước Séc xa xôi.