Những mốc thời gian hạnh phúc: Cuối đoạn đường nhìn lại là yêu thương

Những mốc thời gian hạnh phúc: Cuối đoạn đường nhìn lại là yêu thương
HHT - Trên hành trình chinh phục cuộc đời, một người nữa lại đi qua tôi, một cột mốc nữa lại được cắm xuống. Khi đứng tại mốc ấy, tôi ghét bỏ nó. Giờ bước qua rồi, tôi thấy nó hạnh phúc biết bao.

“Có những mốc thời gian mà khi đứng tại đó, ta ghét bỏ nó. Khi đã đi qua nó rồi, ta mới thấy nó hạnh phúc biết bao.”

Luôn có những thứ tôi muốn quên mà không sao quên nổi, vì nó đã được ghim quá sâu vào một vùng tiềm thức tưởng xa mà vẫn cận kề. Rồi tôi không cố quên nó nữa. Tôi giữ nó trong đầu như một liều thuốc đánh thức tâm hồn mình đang dần chai sạn. Cái kí ức ấy, cái khoảng thời gian ấy, có hình dáng bà nội tôi.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Cuối đoạn đường nhìn lại là yêu thương ảnh 1

Bà nội tôi là người khó tính và hay cáu kỉnh. Ngày tôi còn bé, tụi bạn thường tụ tập sang nhà tôi chơi. Chúng sợ bà cũng như tôi vậy, vì bà hay đuổi đánh mỗi khi chúng tôi làm ồn. Mãi sau này tôi mới biết, ngày ấy bà bị đau đầu. Đau đầu nhưng bà không nói, quát mắng chúng tôi rồi bà lùi lũi vào giường, như để quên đi một phần tội lỗi với các cháu mình. Bà càu nhàu về tôi. Lúc ấy, với một cái đầu thơ dại tôi đã nghĩ: “Với bà, mình chỉ là người ở thôi sao?”. Những lời như: “Cầm cái chổi thấp xuống”, “Rửa bát xong thì xếp cái chậu lên”... bấy nhiêu cũng đủ để tôi cảm thấy ghét bà, ghét từ ánh mắt bà nhìn tôi vô cảm, ghét luôn cả giọng nói của bà. Một thời, tôi đã sống với tâm hồn ngây ngô mà tội lỗi như thế. Một thời yêu thương thì ít, ghét giận thì nhiều. Tôi như một cái cây mới lớn, hấp thụ ánh sáng từ bà mà lớn lên, vậy mà nhiều lúc lại cảm thấy khó chịu vì thứ ánh sáng ấy quá chói chang, gay gắt. Sau này đi học xa nhà, tôi mới hiểu bà chỉ muốn tốt cho tôi. Mỗi người yêu thương theo một cách khác nhau, bà tôi yêu tôi bằng những lời la mắng.

Bà hay so sánh tôi với mẹ: “Mày chẳng khác gì mẹ mày đâu”. Tôi thương mẹ tôi. Sáng đi dạy học, chiều đi làm vườn, tối đến nấu cơm. Mẹ càng hoàn hảo bao nhiêu, chữ  “ghét” của tôi với bà càng to lớn bấy nhiêu, có lúc tưởng đã lên đến đỉnh điểm tôi tưởng không cất trong mình nổi nữa, nhưng rồi vẫn nhịn. Sau này mới biết bà tự ti vì sống với con dâu nhà giáo nên cứ nói đại vài câu để chứng tỏ uy lực vậy thôi.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Cuối đoạn đường nhìn lại là yêu thương ảnh 2

Năm tôi 16 tuổi, bà mất. Một sự ra đi không mấy đột ngột, vì trước đó bà đã ốm khá lâu. Nhưng ở cái tuổi này, tôi đủ chín chắn để cảm nhận được nỗi đau khi mất một người thân. Hôm đó ở trường nghe tin bà mất, tôi choáng váng, nước mắt cứ thế rơi. Vội vàng thu dọn hành lí, con về lại với bà.

Thời gian trôi đi, tôi biết mình yêu bà nhiều lắm. Nhìn sân nhà trống, nhớ bóng bà lom khom quét tước sớm chiều. Nhìn bữa cơm trưa, thèm được thấy bà nấu canh khoai thái mỏng. Một lần bị trúng gió, nằm co ro trên chiếc giường bé tẹo, lại chỉ muốn được ủ chân trong hơi ấm của bà. Sức khỏe của chị em tôi, xưa nay đều bà chăm bẵm cả. Mấy lời nói nghiêm khắc kia có thể làm lu mờ điều đó hay sao? Nhưng mọi thứ, cùng một lúc rơi tõm vào bến thời gian, bỏ quên một mùa yêu thương nhen lên từ ghét bỏ.

Trên hành trình chinh phục cuộc đời, một người nữa lại đi qua tôi, một cột mốc nữa lại được cắm xuống. Khi đứng tại mốc ấy, tôi ghét bỏ nó. Giờ bước qua rồi, tôi thấy nó hạnh phúc biết bao.

NGUYỄN THỊ THANH NGÂN

(Bắc Sơn, Bắc Phong, Cao Phong, Hòa Bình)

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim bí mật của cô bạn Bánh Cam "keo kiệt" của tuổi thơ tôi

Reply Y2K: Trái tim bí mật của cô bạn Bánh Cam "keo kiệt" của tuổi thơ tôi

HHT - Ba Bánh Cam mất sớm, má nó làm các loại bánh bột chiên, bỏ mối cho những người bán dạo. Có lần, Bánh Cam xách theo bọc bánh, mời bạn bè trong lớp. Mọi người xúm vô ăn. Mấy chục bánh nóng hổi hết sạch. Tới lúc đó, Bánh Cam mới dõng dạc: “Mỗi cái bánh 500 đồng. Trả tiền cho tui nha!”. Tụi bạn chưng hửng ngó nhau.
Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.