Ngày ấy, nhà tôi nghèo nhất xóm. Hai chị lớn học hết cấp hai rồi đi làm ruộng cùng mẹ, bố thì loanh quanh con sông ven nhà đánh tôm cá, nhưng nhà thì đông mà của làm ra lại ít. Thỉnh thoảng men rượu vẫn đưa bố tôi đi thật xa với cái bản tính con người thật của bố, những lúc như thế bố thường đập phá khắp nhà. Mấy mẹ con lại ôm nhau lên trên đê đứng mặc cho căn nhà tồi tàn ọp ẹp phía dưới, chị em tôi khóc và run sợ.
Bọn trẻ con trong xóm cũng không muốn chơi với tôi và hai đứa em nhỏ của tôi. Mỗi buổi chiều tụi nó lại tụ tập chơi với nhau, chúng có những con búp bê tóc vàng thật đẹp và cả bộ đồ nấu ăn nhỏ xíu mà thi thoảng bố của chúng đi công tác về mua cho. Chị em tôi nhìn chúng bày đồ hàng ra chơi, chỉ nhìn thôi rồi dắt nhau quay đi buồn thiu.
Có một hôm, tôi đang loay hoay đào giun trong vườn cho gà ăn thì có một cái đầu cứ thập thò ngoài hàng rào nhìn vào. Tôi nghĩ chắc đứa nào trong xóm định trêu mình liền cầm ngay con giun đất to bự lên để dọa, thế là thằng bé đứng mếu máo một lúc rồi khóc to. Bác Tư bên cạnh nhà tôi đã chạy ra ôm thằng bé, nó lấm lét nhìn rồi lại rúc đầu vào bác Tư. Bác bảo tôi: “Tẹt đừng trêu nó nhé, cháu bác đấy, vừa ở Hà Nội về, bạn ấy bằng tuổi mấy đứa đấy cũng học lớp ba đó nhưng hơi chậm một tí thôi, mẹ nó đi nước ngoài rồi nên cho về đây bác chăm.”
Từ hôm ấy tôi hay thấy sự xuất hiện của Huy. Có vẻ như lời bác nói là đúng, “bạn ấy hơi chậm”, mà cho đến bây giờ tôi mới hiểu đấy là bệnh tự kỷ nhẹ. Lúc nào bạn ấy cũng ngồi một mình một góc nhìn mấy đứa trẻ con khác chơi ngơ ngác nhìn theo. Có một lần mấy thằng con trai rủ rê Huy chơi đá bóng, bạn ấy không chịu thế là giằng co. Quả bóng đứa đẩy ra, đứa giúi vào rồi lăn xuống mé sông. Tụi nó bắt Huy xuống nhặt. Huy đứng nhìn mặt tái mét không dám động đậy. Tôi đứng xa nhìn thấy liền lôi Huy lên bờ rồi nhảy xuống vớt bóng lên vì tôi biết bơi. Từ đó, tôi hay cho Huy theo chơi cùng ba chị em tôi, hai đứa nhỏ quý Huy lắm mặc dù cậu ấy chẳng nói câu nào.
Hôm ấy, đứng nhìn bọn trẻ trong xóm chơi ô tô nhựa bé xíu thôi nhưng chạy băng băng khắp sân bọn tôi thích lắm nhưng chẳng được chơi bao giờ. Sáng hôm sau Huy chạy sang nhà tôi ôm theo một quyển truyện tranh in màu rất đẹp. Cậu ấy giật giật tay tôi rồi chỉ vào cái ô tô to bằng nửa trang giấy rồi lấy cái kéo cắt theo đường vẽ nguyên hình cái ô tô đưa tôi. Tôi thích quá reo lên rồi cầm cái tranh ô tô ấy lượn lượn trước mặt kêu rin rin, hai đứa em tôi cũng nhảy theo cười thích thú, Huy cũng cười toe toét theo chúng tôi. Lần đầu tiên từ khi về đây tôi thấy Huy cười.
Những ngày sau đó cậu ấy đều mang sang nhà tôi những cuốn truyện tranh khác, có biết bao nhiêu hình đẹp chúng tôi cắt ra. Khi là một con ếch, khi là búp bê, có khi lại cả máy bay nữa, cứ thế rồi góc tường gạch chỗ cái giường bé xíu của mẹ con tôi nằm có hẳn một bộ sưu tập đồ chơi bằng ảnh. Sau đấy nửa năm mẹ Huy trở về và đưa Huy sang nước ngoài để chữa bệnh. Mấy tháng sau, tôi không rõ là bệnh của huy đã khá hơn chưa nhưng bác Tư sang nhà đưa cho chị em tôi một túi đồ chơi mới tinh gồm ô tô, búp bê lắc xinh xinh, và nhiều thứ khác nữa nói là của Huy tặng cho mấy đứa. Hai đứa em tôi thích quá hò hét khắp nhà. Nhưng không hiểu sao mỗi lần nhìn vào góc tường có bộ đồ chơi ảnh kia tôi lại nhớ đến Huy nhiều hơn là bộ đồ chơi thật.
Cậu ấy đã đến và xuât hiện vào cái thời khắc mà gia đình tôi nghèo khó nhất và chỉ có mình Huy là bạn của chúng tôi. Một tuổi thơ khốn khó đổi lại những kỷ niệm đẹp trong đời cũng đáng giá lắm. Trong cuộc đời này hạnh phúc nhất của mỗi người có lẽ là được cười cùng với người muốn bạn vui.
NGUYỄN THỊ HƯƠNG
(Đội 5, Thôn Khả Lương, Xã Ninh Thắng, Hoa Lư, Ninh Bình)
Ảnh minh họa từ Internet