Những mốc thời gian hạnh phúc: Đợi mẹ về chợ

Những mốc thời gian hạnh phúc: Đợi mẹ về chợ
HHT - Ngày nhỏ chúng tôi có thói quen thức dậy từ sáng sớm, ngóng mẹ về chợ, quang gánh trên vai. Hôm thì mẹ mua đẫn mía, bữa khác mua bịch bánh rán thơm lừng, túi bỏng gạo giòn khậy… làm quà. Đều đặn như vậy trong suốt thời ấu thơ.

Ba mất năm tôi lên tám. Còn thằng út vừa chập chững biết đi. Mẹ trở thành trụ cột chính của gia đình khi ba không còn nữa. Những tưởng sau cú sốc to lớn ấy mẹ sẽ chẳng thể nào gượng dậy. Vậy mà không phải. Chính những mất mát to lớn ấy càng làm mẹ kiên định và vững vàng. Mẹ không ngủ gục trong những đau đớn cuộc đời mà dùng dằng đứng dậy, xông xáo lao ra đời để kiếm miếng cơm manh áo nuôi lũ con đang tuổi ăn tuổi học.

Mẹ kinh qua đủ thứ nghề. Từ làm thuê làm mướn cho đến lên rừng đốn củi đốt than nhưng cũng chẳng đủ ăn. Cho tới khi mẹ trở về với nghề buôn bán nơi chợ quê vắng vẻ.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Đợi mẹ về chợ ảnh 1

Ngày nhỏ chúng tôi có thói quen thức dậy từ sáng sớm, ngóng mẹ về chợ, đủng đẳng quang gánh trên vai. Hôm thì mẹ mua đẫn mía, bữa khác mua bịch bánh rán thơm lừng, túi bỏng gạo giòn khậy… làm quà. Đều đặn như vậy trong suốt thời ấu thơ. Mùa nào thức ấy, không lúc nào mẹ trở về mà không có quà cho đám con. Dù hôm ấy rau phải bán rẻ đi vài đồng, gà đói ăn phải hạ đi vài giá… nhưng lúc nào trong đôi quang gánh mẹ cũng quẩy quả những đồng quà, tấm bánh thân quen. Đôi quang gánh như quẩy cả thế giới tuổi thơ chúng tôi nặng oằn trên đôi vai guộc gầy của mẹ, bất kể tiết trời rét buốt, nắng mưa.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Đợi mẹ về chợ ảnh 2

Chợ quê ngày ấy vắng vẻ và thưa thớt chứ không đông đúc như bây giờ. Mỗi lần đi chợ phải dậy từ sáng sớm, tản bộ trên quãng đường xa lắc xa lơ. Chợ thường mọc lên ở khu dân cư đông đúc. Ngày đó, mấy xã chung nhau một cái chợ cỏn con, bán dăm ba mớ rau, cá thịt và một số thứ lặt vặt. Vài ba túp lều dựng tạm bợ, che được chỗ trống này thì thiếu hụt chỗ kia. Chỉ cần vài trận gió ùa về thông thốc là cả khu chợ đồng loạt tốc mái, xiêu vẹo. Thế nhưng chẳng ai màng đến việc tu sửa. Miễn sao đến chợ có chỗ ngồi, bán hết hàng là đủ, chẳng quan trọng mưa nắng, bão giông.

Nếu chẳng may hôm nào ốm không đi chợ được, chắc chắn mẹ sẽ gửi hàng xóm ghé chợ mua ít đồ về cho đám con thơ. Sợ không có quà  lũ trẻ sẽ buồn, như thiếu đi thứ gì đó rất đỗi thân thuộc mà chúng từng chờ mong mỗi sáng thức dậy.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Đợi mẹ về chợ ảnh 3

Lớn lên chúng tôi đi học trường làng, cách xa nhà vài cây số. Ngày ấy chúng tôi phải tản bộ đi học chứ không có xe đạp hữu dụng và phố biến như đám trẻ con bây giờ. Buổi sáng tỉnh dậy chỉ kịp ăn vội miếng cơm nguội, có hôm nhịn bụng lên lớp khiến chúng tôi đói meo, uể oải không tiếp thu nổi bài. Thế nhưng khi tan học về đến nhà, nhìn thấy trong đôi quang gánh lấp ló những chiếc túi nho nhỏ đựng quà của mẹ về chợ khiến bao mệt mỏi phút chốc biến tan.

Rồi chúng tôi cũng khôn lớn sau bao tảo tần sương gió. Mẹ vẫn là trụ cột chính trong gia đình, lận đận, lo lắng miếng cơm cho đàn con nhỏ suốt bao tháng ngày. Mẹ chẳng nề hà gió mưa, lầm lũi bước đi trên đôi chân trần đã bao lần vấp ngã.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Đợi mẹ về chợ ảnh 4

Chúng tôi lên phố học xa nhà, cuối tuần vẫn tranh thủ đón xe trở về thăm mẹ.

Chợ quê cùng những người bạn hàng thân thiết bao năm trở thành niềm vui nho nhỏ, vừa là công việc cho mẹ có thêm thu nhập gửi tiền cho những đứa con xuống phố học hành, vừa giúp mẹ đỡ quạnh hiu nơi miền quê hoang vắng.

Chợ quê giờ nhiều thay đổi. Những tấm bờ rô xi măng lợp ngói che chắn gió mưa thay cho những túp lều xiêu vẹo thuở nào.  Nhiều ki ốt mọc lên đủ đầy những món hàng thiết yếu phục vụ cho cuộc sống con người. Chỉ có mẹ là không thay đổi, vẫn đều đặn những sáng sớm ra chợ dọn hàng, đon đả mời khách.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Đợi mẹ về chợ ảnh 5

Để rồi một buổi sáng cuối tuần, khi trở về nhà, đã thấy những món quà quê dân dã mẹ để dành cho lũ con đâu đó trên bàn. Cầm trong tay những món quà mẹ gửi từ chợ, chúng tôi lẳng lặng ngắm nhìn chẳng dám ăn,cứ giữ khư khư trong tay, như nắm giữ những hoài niệm tuổi thơ đã một thời cùng chúng tôi khôn lớn ở bậc cửa nhà - nơi mẹ về chợ bằng quang gánh đung đưa.

PHẠM VĂN NINH

(23 Phố Nghi Tân, Phường Đông Mai, Thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh)

Ảnh minh họa từ Internet

MỚI - NÓNG
Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" đến với các địa danh lịch sử tại Yên Bái
Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" đến với các địa danh lịch sử tại Yên Bái
Ngày 24/4, sau Lễ xuất quân Hành trình "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông" năm 2024 tại Hà Nội, đoàn hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" tuyến số 2 do đồng chí Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra T.Ư Đoàn làm trưởng đoàn đã khởi hành tới các địa danh lịch sử gắn với Chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Khánh thành công trình Không gian đọc sách, tương tác và sinh hoạt Đội ở Điện Biên
Khánh thành công trình Không gian đọc sách, tương tác và sinh hoạt Đội ở Điện Biên
Trong khuôn khổ các hoạt động của Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên toàn quốc lần thứ V, năm 2024 cấp Trung ương; đồng thời phát triển văn hóa đọc, tạo sân chơi tương tác, sinh hoạt Đội cho thiếu nhi tỉnh Điện Biên, ngày 24/4/2024, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức chương trình trao tặng và bàn giao công trình “Không gian đọc sách, tương tác và sinh hoạt Đội” tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Điện Biên.

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim bí mật của cô bạn Bánh Cam "keo kiệt" của tuổi thơ tôi

Reply Y2K: Trái tim bí mật của cô bạn Bánh Cam "keo kiệt" của tuổi thơ tôi

HHT - Ba Bánh Cam mất sớm, má nó làm các loại bánh bột chiên, bỏ mối cho những người bán dạo. Có lần, Bánh Cam xách theo bọc bánh, mời bạn bè trong lớp. Mọi người xúm vô ăn. Mấy chục bánh nóng hổi hết sạch. Tới lúc đó, Bánh Cam mới dõng dạc: “Mỗi cái bánh 500 đồng. Trả tiền cho tui nha!”. Tụi bạn chưng hửng ngó nhau.
Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.