Trong tâm thức của mình từ nhỏ đến lớn, ba và tôi rất ít khi trò chuyện cùng nhau. Một phần vì tôi là con gái nên mọi chuyện tôi đều tâm sự, tỉ tê với mẹ. Một phần vì ba tôi là người khá nghiêm khắc nên tôi cứ cảm thấy có khoảng cách. Tôi cảm thấy khá ganh tỵ với em gái mình vì nó và ba nói chuyện với nhau có vẻ “hợp rơ”. Những buổi chiều làng xã cúp điện, em tôi lại ngồi hát cho ba nghe. Những lần như thế, tôi thấy ba cười rất tươi.
Nhưng có đôi lần, tôi lại thấy ba quẹt vội khóe mắt. Không phải là hạt bụi dính trên khóe mắt mà là những giọt nước mắt của một người đàn ông vì thương con, thương vợ.
Đó là chuyện từ rất lâu, khi tôi chuẩn bị lên Đăk Lăk học phổ thông. Đó không phải là lần đầu tiên tôi xa nhà, bởi ngay từ khi lên lớp sáu tôi đã khăn gói lên trường nội trú huyện. Nhưng lúc đấy, mỗi cuối tuần tôi lại có thể về nhà. Lên Tây Nguyên rồi, họa chăng tôi chỉ có thể về nhà với ba mẹ vào dịp Tết và Hè thôi. Tối đấy, sau khi cả nhà ăn cơm xong, tôi thấy ba cầm điếu thuốc ngồi trầm ngâm trên ghế đá ngoài hiên nhà. Ba nói với mẹ vài câu rồi lau vội nước mắt còn đọng trên khóe mắt. Giọng ba run run dặn dò tôi vài thứ. Tôi biết, ba thương con gái phải xa nhà, xa mẹ để đi học xa như thế. Nhưng ba bảo, vì tương lai nên con hãy cố gắng tôi. Tôi nghẹn ngào chẳng thể nói được gì.
Trong ba năm phổ thông đấy, ba có mang quà quê lên thăm tôi vài lần. Cứ mỗi lần gặp, tôi lại thấy sự khó khăn, vất vả hằn lên nét mặt ba bởi những nếp nhăn. Ba cười, những nếp nhăn lại được dịp xô vào nhau. Nhìn những nếp nhăn đấy, tôi biết ba và mẹ đã phải vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đến nhường nào để tôi được học hành. Ba bảo vì đường xá xa xôi, mẹ lại không đi xe được nên không thể lên thăm tôi. Từ Bình Phước lên Đăk Lăk phải mất một đêm đi xe chứ có gần gì cho cam.
Sau này, tôi xuống Sài Gòn học đại học, quãng đường về nhà gần hơn nên tôi có dịp về nhà thường xuyên.
Buổi sáng hôm đấy, ba gọi bảo mẹ bị đau nặng nên phải nhập viện. Tôi tức tốc bắt xe buýt chạy vào bệnh viện. Vừa trông thấy mẹ, nước mắt tôi chực trào ra. Hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc.Ở một góc phòng, ba ngồi đấy lấy tay quẹt vội khóe mắt. Ba bảo tình trạng của mẹ chỉ còn cách phải tiến hành phẫu thuật. Tôi lại chỉ biết khóc, tôi chỉ nghĩ được mẹ phải chịu rất nhiều đau đớn. Ba bảo tôi không được khóc nữa vì điều đấy không hay. Tôi biết ba thương mẹ, ba đã phải kìm nén đến thế nào để nói cho tôi biết tình trạng của mẹ.
Từ khi mẹ đau nặng, mọi việc trong nhà đều do một tay ba quán xuyến. Chị em tôi lại đi học nên mọi vất vả từ công việc vườn tược đến việc chăm sóc mẹ đều một mình ba gánh lấy. Ba luôn dặn dò chị em tôi học hành cho tốt, không được để mẹ buồn.
Buổi trưa nắng gắt, ngồi sau xe ba chở ra bến xe, khuôn mặt ba phản chiếu qua gương chiếu hậu, tôi thấy hình như ba tôi già thêm vì nắng trưa chói chang cuốc đất, vì sương sớm kéo dây ống tưới tiêu, vì nỗi vất vả mưu sinh lo cho vợ cho con. Bất giác, tôi muốn vòng tay ôm lấy ba nhưng tôi chỉ nói được với ba:
“Một năm nữa con ra trường rồi ba. Con sẽ không để ba và mẹ vất vả thêm nữa”.
Ba cười. Nắng gắt vẫn đổ xuống đường.
KIM PHƯỢNG
(Lớp DT19, Trường Đại học An ninh nhân dân, Phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM)