Ba tôi là phụ bếp của một nhà hàng Pháp. Ba cao, rất hay cười, ba lúc nào cũng đội chiếc mũ đầu bếp trắng tinh và nhận mình là Master Chef. Bàn tay ba đầy những vết bỏng và sẹo nhỏ, đổi lại là đĩa thức ăn nóng hổi, thơm phức trên mặt bàn của khách. Tôi lúc ấy cứ mong ba bỏ quách cái căn bếp chật chội, lúc nào cũng ám mùi dầu mỡ đó đi, nhưng ba chỉ cười xòa “Bỏ thì lấy gì mà nuôi mày!” Ở căn bếp của nhà hàng, ba là người trẻ tuổi nhất. Ba hay bị bếp trưởng la dù ông luôn cố gắng làm nhanh hết sức có thể. Ba là người Việt nên thường bị những tay đầu bếp ngoại quốc coi thường. Dù vậy, ba vẫn tôn trọng mọi người. Tôi giận họ lắm, mấy lần tôi định đến chỗ ba làm việc dạy cho họ một bài học, nhưng ba chỉ xoa xoa mái tóc nham nhở, ngắn cũn cỡn của tôi rồi bảo “Kệ người ta.”
Ba và má tôi li dị, tôi là nguyên nhân. Khác với những cặp đôi “ăn cơm trước kẻng” khác, khi ấy ba và má tròn mười tám. Má nhất quyết bỏ tôi đi, trong khi ba kiên định giữ tôi lại. Má nói nếu má sinh tôi, ba sẽ phải nuôi tôi, còn má sẽ không chịu bất cứ trách nhiệm gì về tôi cả. Lúc ấy, một cậu thanh niên với đầy những khát vọng, hoài bão như ba tôi đã đầu hàng trước tôi - một sinh linh sắp chào đời. Ngay sau khi sinh tôi, má đã bỏ ba đi, còn ba bế tôi về nhà bà nội, hùng dũng tuyên bố: “Đây là con gái của con.” Hôm ấy, cả nhà ba loạn lên, bà nội thì ngất lên ngất xuống, ông nội trầm ngâm đi ra đi vào, không biết phải giải quyết thế nào với đứa trẻ đỏ hỏn là tôi. Ba suýt bị ông vụt cho mấy roi, nhưng ba vẫn yêu tôi lắm.
Có bốn yếu tố để khiến một đứa trẻ trở nên hạnh phúc: có gia đình, được đi học, được nuôi dạy và được vui chơi. Tình yêu của ba dành cho tôi hội tụ cả bốn yếu tố ấy. Ba - một “chú gà trống” chính hiệu đã thay má gánh vác tránh nhiệm của người phụ nữ trong gia đình, mặc dù tôi có bà nội. Chẳng biết ba kiếm đâu ra sữa mẹ, nhưng tôi cai rất sớm, chắc tôi sợ ba vất vả. Ba pha sữa cho tôi, thay tã, ru tôi những đêm tôi quấy. Ba rong tôi khắp phố để tôi ăn hết bát bột, ba địu tôi đến thư viện mặc cho bao ánh mắt nhìn ba. Ba quấn bóng bay đầy người khiến tôi khoái chí cười vang. Từ chỗ lóng ngóng đẩy xe nôi đưa tôi ra công viên, ba đã dần trở thành ông nội trợ chuyên nghiệp, có thể làm nhiều việc một lúc. Ba có thể thay thế mọi thứ trong cuộc đời tôi.
Ba dắt tôi đi qua cổng trường tiểu học. Người ta soi xét ba - một ông bố trẻ măng, ba mặc kệ. Ba cẩn thận ghi lại những món ăn trên thực đơn của trường, hỏi tôi món nào ngon để ba học cách nấu. Ba đặt chiếc bát ô tô lên đầu, cắt tóc cho tôi. Hằng ngày ba đạp xe đưa tôi đến trường, và cứ đúng bốn giờ ba mươi chiều, tôi lại thấy cái dáng cao gầy của ba lô nhô giữa mấy trăm phụ huynh chờ đón con.
Lên cấp hai, tôi tự đi bộ đến trường, thỉnh thoảng ba dậy sớm đi cùng tôi. Những hôm có ba đi cùng là những hôm tôi được ăn sáng thật no, vì tiền bà nội cho chỉ đủ mua nửa cái bánh mì trứng không có pate. Ba thường giấu bà nội cho tôi tiền ăn quà, ba bảo “Hồi trước tao cũng thế, ăn quà như mỏ khoét.”
Nhưng rồi, ba đã xa tôi mãi. Ba đang trên đường về nhà, trên tay là túi thịt bò để làm sốt vang. Nhưng người ta lái xe ẩu, người ta cướp mất ba của tôi.
Tôi sẽ tiếp tục thay ba vẽ nên ước mơ tham gia Master Chef. Chắc chắn một ngày nào đấy, tôi sẽ giành giải quán quân về cho ba.
Sẽ sớm thôi.
BÙI MINH PHƯỢNG (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Ảnh minh họa Sahara Mizu.
Chi tiết về cuộc thi Những mốc thời gian hạnh phúc lần thứ hai có thể xem tại đây.