Mấy đứa ơi, tụi bây còn nhớ quê mình không?
Tết này tau lại về nè, mà sao không Tết nào thấy tụi bây hết. Tau sợ tụi bây quên, nên tau nhắc cho nhớ lại nhen. Tụi mình là đám trẻ lớn lên ở con ngõ trải dài cánh đồng. Có đứa bằng tuổi, có đứa lớn hơn vài tuổi, có đứa nhỏ chỉ mới biết đi. Như con Liên bằng tuổi tau, thằng Cuốc lớn nhất đám mà không đứa nào kêu bằng anh. Con Mắm nhỏ nhất, nó được thương nhứt. Và còn cả lũ trốn học đi chăn trâu như tụi thằng Xẻng. Tau, con Liên, thằng Cuốc, thằng Xỉn, con Huệ tụi mình là đám được đi học, biết đọc biết viết, tụi mình dạy lại cho tụi thằng Xẻng. Chỉ dạy cho chúng biết chữ, biết làm toán cộng trừ nhân chia, là tụi mình đi lên thành phố, mỗi đứa một nơi hết rồi.
Hè tới tụi mình ra đồng bắt cá. Con cá lóc nhảy đành đạch trên bùn mà không đứa nào dám chụp, chụp dính là nó nhảy ra làm thằng Cuốc té ngụp mặt xuống sình. Có 2 đứa biết bơi mà bày đặt chèo xuồng hái bông lục bình. Từ bùn sình đến lưng con trâu, từ cánh đồng đến bầu trời, có nơi nào tụi mình chưa chạm tới. Cánh diều bay chấp chới trong gió, tiếng tách tách của rơm nướng cá buổi trưa.
Mà vui nhứt chắc là Tết. Trong đám, nhà con Huệ là khá giả nhất, bởi ba nó làm ở trên huyện. Tết là nó mang bánh kẹo chia cho cả đám, kẹo xịn nên ngon bá chấy. Tụi mình có lẽ giỏi nhất là gói bánh, lớp 4 lớp 5 là đứa nào cũng thoăn thoắt cái tay lau lá, buộc dây. Thằng Xỉn canh nồi bánh nhà nó, thổi lửa tro bay vào mặt đen xì, nó không hay rồi đem cái mặt đi khắp xóm. Từ hôm ấy, nó có tên mới là Xỉn lọ. Kể tới đây mà tau cười đau bụng.
À, còn cái này nữa, đặc biệt nhất đó. 30 Tết năm nào cũng nghe tiếng pháo ở nhà ông Tám hết trơn. Năm đầu, khắp cả xóm nghe tiếng "bùm bùm", khói bay lên từ nhà ông, nên mọi người xúm lại. Ai ngờ là pháo giả, tiếng pháo là ông Tám phát từ cái máy thu của cháu ông mua cho, ông đốt lá, đốt củi cho có khói. Lúc ấy, ai cũng cười, tiếng cười khắp cả xóm. Ông còn xoa đầu mỗi đứa, rồi bảo.
“Mấy đứa thấy dui hông? Năm sau tao làm nữa he”
Ông còn tặng mỗi đứa bao lì xì, bên trong có một ngàn và mảnh giấy ông viết. Hồi đó tụi mình nói ông viết chữ xấu quá, nhìn không ra cái gì hết. Nó là chữ thư pháp đó tụi bây, ông ghi chữ “Phúc” đó.
Hôm bữa tau học bài Hai đứa trẻ, cũng có nhỏ tên Liên, làm tau nhớ đến con Liên quá chừng. Hồi đó, nó mơ làm ca sĩ, nó muốn uống nước tinh khiết chứ không uống nước phèn lờ lợ. Bây giờ nó lên thành phố rồi, nó còn được uống thêm trà sữa, trà đào. Còn nhiều lắm tụi bây ơi, tau nhớ hết, kể ra sẽ là cả ngày.
Nhưng tụi bây ơi, không còn nữa đâu. Cây mai đẹp nhất xóm tụi mình không bao giờ còn nghe tiếng pháo giả nữa đâu, ông Tám mất rồi, tụi bây có hay không?
Tụi mình đã đi 6 năm rồi đó, xa quê cả một thời rồi đó. Không còn gì nữa, nhưng mảnh đất cằn cõi này vẫn còn hơi thở và tiếng cười của tụi mình. Nó cắm sâu như cái rễ vào đất. Tụi bây còn chưa thắp nén chang cho ông Tám nữa đó, ảnh của ông trên bàn thờ, ông cười rất hiền, như ông khi ấy xoa đầu tụi mình vậy. Không còn gói bánh thì tụi mình gói, gói cho cả xóm này cùng ăn. Con Liên thích uống nước suối, tau mua cho uống, quê mình có nước máy của xã cấp rồi, an toàn lắm. Muốn hát hò, bà tau có dàn máy karaoke xịn luôn này. Tụi bây đừng có về một chút rồi lại đi như thằng Cuốc, tau mới thấy dáng nó đầu ngõ, đến lúc qua nhà nó lại không thấy đâu. Thành phố cái gì cũng có, nhưng làm gì có tau và tụi bây của một thời tuổi trẻ như thế. Đường làng không còn bùn đất, lấp xi măng chạy bon bon hết rồi, đứa nào mang giày hiệu cũng không sợ dơ. Nên mấy đứa ơi, về quê đi.
TRẦN NGỌC TRANG
(124/19/37 Khóm 2, Phường 1, Thành phố Sa Đéc, Tỉnh Đồng Tháp)