Những mốc thời gian hạnh phúc: Người mẹ không ở trên phim

Những mốc thời gian hạnh phúc: Người mẹ không ở trên phim
HHT - Chỉ là muốn kể nhân một ngày gió mùa tháng Mười một, ngồi trong bếp, nhìn người phụ nữ ấy với cặp kính lão, đang chăm chú làm bún chả với thứ nước chấm của bún đậu và thịt cháy quá tay, nhiệt thành như nhà hóa học...

Không giống những hình mẫu bà mẹ chúng ta hay gặp trong phim ảnh, mẹ mình nấu ăn hơi tệ.

Ngày trước, bạn mình không hiểu sao mình có thể ăn ngon lành cơm căn-tin suốt bốn năm đại học. Thú thật, bởi vì cơm căn-tin nấu ngon hơn mẹ nấu. Khi bạn mình vừa nhón miếng thịt trên đĩa cơm vừa chép miệng: “Đúng là không ở đâu ăn ngon bằng cơm mẹ nấu”, mình cũng thở dài, cũng ậm ừ cho có vẻ đồng cảm.

Mẹ mình không phải con gái Hà Nội mà là gái quê chính chuyên, lấy chồng cùng làng khác thôn, bươn trải qua những năm tháng khó khăn của thời bao cấp. Vì thế không có được những công thức tinh tế hay những món cầu kì đẹp mắt mà “tông” nấu nướng chủ đạo vẫn là “ăn chắc mặc bền”.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Người mẹ không ở trên phim ảnh 1

Mình không hiểu lắm về ẩm thực, nhưng mình cho rằng, yếu tố quan trọng để làm nên những món ăn ngon đó là liều lượng. Chỉ thừa một ít muối, hay thiếu vài phút đun thôi, là món ăn đã trở nên rất khác rồi. Có lẽ những người làm bếp giỏi thì sẽ rất kỹ tính và nghiêm khắc với từng thìa đường, thìa muối. Nhưng bếp của mẹ, thì cái gì cũng nhiều. Trở ngại lớn nhất của mẹ trong “sự nghiệp bếp núc” chính là thiếu sự kỹ tính. Mẹ xuề xòa, hay đại khái. Và những ngày gian khó thời trẻ tạo cho mẹ thói quen lấy cái này bù cái kia. Vì thế những món ăn càng phức tạp, tỉ lệ hỏng của mẹ càng cao, bởi mẹ sẽ thay một gia vị còn thiếu này bằng một gia vị khác có sẵn và vô tình thay đổi luôn phẩm chất đặc trưng của món đó, tạo ra một món hoàn toàn khác hơi… khó ăn (sáng tạo quá đôi khi cũng nguy hiểm thì phải).

Và cũng như bao người phụ nữ khác, mẹ cũng sẽ rất dễ tự ái khi bị chê. Câu nói quen thuộc có phần giận dỗi của mẹ đó là “Chê thì lần sau bố con mày tự đi mà làm”. Nhưng chưa kịp tới “lần sau”, mẹ đã lại háo hức khoe hôm nay sẽ có món mới rất đặc biệt. 

Những mốc thời gian hạnh phúc: Người mẹ không ở trên phim ảnh 2

Nhắc về cái tính “nhiều quá” của mẹ trong bếp núc, nó cũng là tính cách của mẹ hàng ngày. Mẹ có thể đứng mặc cả và ca cẩm hơn thiệt một, hai nghìn đồng khi đi mua sắm, nhưng con cháu trong nhà muốn ăn gì thì mẹ không bao giờ tiếc tiền.
Nhớ hồi còn bé, như trong bữa cơm, mình trót ăn nhiều món thịt kho hơn các món khác, mẹ sẽ nghĩ ngay là mình rất thích ăn thịt kho, và có thể cả tuần đó cả nhà chỉ có ăn thịt kho. Mình hỏi sao mẹ làm nhiều thế, sẽ vẫn là câu giải thích quen thuộc suốt bao nhiêu năm: “Thì tao tưởng mày thích ăn món đấy, nên tao làm nhiều”.

Mẹ đi ngược lại mọi hình tượng bà mẹ trong phim ảnh giỏi tâm lý và thấu hiểu con cái. Với mẹ, cách thể hiện tình yêu với con cháu rất đơn giản, chúng nó thích ăn cái gì, sẽ làm thật nhiều cho chúng nó ăn.

Viết lên đây, không phải muốn thể hiện tình yêu với mẹ gì cả. Chỉ là muốn kể nhân một ngày gió mùa tháng Mười một, ngồi trong bếp, nhìn người phụ nữ đẫy đà đó, với cặp kính lão, đang chăm chú làm bún chả với thứ nước chấm của bún đậu và thịt cháy quá tay, nhiệt thành như nhà hóa học đang mày mò công thức. Mình sẽ không bao giờ quên được hình ảnh này, chắc chắn vậy. Vì quá đỗi yêu thương.

NGUYỄN THỊ HUYỀN TRANG

(Số 93, Tổ dân phố Số 7, Khu tập thể Xe tải, Phường Mộ Lao, Quận Hà Đông, Hà Nội)

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Một thời để nhớ: Một chút khiếm khuyết bên ngoài không thể ngăn cản ai đó tỏa sáng

Một thời để nhớ: Một chút khiếm khuyết bên ngoài không thể ngăn cản ai đó tỏa sáng

HHT - Ngay từ nhỏ xíu, tay phải Hòa đã bị tật. Mọi thứ nó đều làm bằng tay trái. Thế nhưng, nó viết bài nhanh chẳng kém ai. Trực nhật, nó cũng chẳng cần ai giúp. Còn giờ ra chơi, thấy nó bắn bi, đánh cầu lông bằng một tay thì mới thật là dễ nể. Nhưng nuôi một con cún nhỏ xíu đâu phải chuyện giỡn chơi...
Cuốn sách nâng trình kể chuyện "đỉnh chóp" cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ

Cuốn sách nâng trình kể chuyện "đỉnh chóp" cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ

HHT - Trong thế giới tràn ngập thông tin hiện nay, việc thu hút chú ý và truyền tải thông điệp trở thành thách thức không nhỏ, nhất là với các nhà sáng tạo nội dung thế hệ mới. Trong quyển sách "Kể chuyện hay là chết", tác giả Lisa Cron đã đưa ra nhiều chiến lược hữu ích giúp bạn tạo ra những câu chuyện đầy sức hút.