Người ta, ai cũng có người thương. Mà với con gái, người thương tiền kiếp ta gặp lại ở đời này lại chính là bố. Ta nhớ tấm lưng che chở của bố, nhớ vài câu nói nhắc con về sớm đi mỗi tối học xa. Người lại đầy hạnh phúc khi nói đến người thương luôn lo lắng như một người mẹ, là người lặng lẽ chờ chuyến tàu đêm cuối cùng của ngày đón con về.
Tôi may mắn, vì có bố bên cạnh từ bé thơ. Nhưng nhớ đến bố, ký ức đẹp đẽ thì không nhiều mà những tổn thương lại cứ hiện lên dần dần, rồi thấm đẫm vào tiềm thức của tôi, để ám ảnh tôi cả một thời gian dài. Và có lẽ đến sau này, những vết thương ấy sẽ khó mà lành vết.
Có những đêm chúng tôi không thể ngủ được, những đêm dài thật dài. Bố dằn vặt mẹ bằng những trận đánh, những lời đay nghiến. Trong làn nước mắt ràn rụa, tôi thấy những vết bầm dập trên gương mặt mẹ, thấy cánh tay tím tái và đôi môi sưng lên, đỏ tấy màu máu. Vài tháng, câu chuyện ấy lại xảy ra. Và mỗi lần như thế, mẹ lại phải nghỉ làm. Những tiếng chửi đêm trước vẫn còn, lại thêm cả điều thở than cay nghiệt của mẹ dành cho bố. Chúng tôi lớn lên với những ác cảm về ông như vậy suốt thơ ấu. Càng lớn, chúng tôi ít thấy điều ấy hơn, nhưng không phải không còn. Đã dăm ba lần, gia đình tôi đứng trước bờ vực tan vỡ. Tôi không phản đối, chỉ lẳng lặng nhìn bố lạnh lùng.
Phía sau lớp vỏ sần của cây bàng mùa đông là mạch nhựa ấm nóng, phía sau những cái gai nhọn hoắt của con nhím là sự run rẩy, yếu đuối tột cùng. Bố tôi cũng vậy thôi, cũng có những đau thương riêng được giấu kín, được ngụy biện bằng sự cộc cằn. Mà đến khi đã lớn hơn một chút, tôi mới hiểu được.
Ông không phải một kẻ vô dụng chỉ biết ăn bám người khác. Cả một thời trẻ của bố tôi đã từng đầy nhiệt huyết và hừng hực đam mê làm nên việc lớn, tạo dựng nên cơ ngơi riêng mình. Nhưng chỉ có điều, khát khao ấy chưa thành hình thì những xấu xa, cám dỗ đã lôi cuốn bố tôi lao theo. Bởi thế mà những đồng mồ hôi của mẹ đã bị nướng vào chảo cờ bạc, không phải chỉ một lần.
Còn gì đau đớn hơn cho cái đam mê cả đời theo đuổi của một con người liều lĩnh lúc nào cũng rơi vào bế tắc. Vì nghe người ta hứa hẹn tương lai làm chủ nhà hàng, bố đã dâng cả chục năm công không cho họ, để mẹ con tôi tự nuôi nhau và cuối cùng trở về nhà tay trắng. Bao ấp ủ không thành, liệu có ai đủ kiên trì nữa đâu? Lúc ấy, tôi mới thấy những giọt nước mắt bất lực thực sự của bố, thấy cái buồn thảm triền miên trong lòng chất chứa tâm sự không thể nào kể hết, mà cũng chẳng còn ai để kể. Cả cuộc đời nuôi con, tôi hiểu bố tôi buồn cỡ nào vì chẳng thể cho tôi vài chục một tháng tiêu vặt. Người người thù ghét bố tôi bởi sự cộc cằn, nóng tính của ông. Chỉ còn mẹ và chúng tôi. Chúng tôi không thể bỏ bố lại như họ, vì hai chữ gia đình có lẽ cũng theo đó mà mất. Tuổi già bố tôi sẽ neo đơn và lạnh lẽo trong xác nhà không.
Năm nay, tôi mười bảy tuổi. Chẳng đủ lớn nhưng đã đủ khôn mà hiểu , để sống biết nghĩ đến người khác hơn. Cay đắng của đời vẫn không ngăn ông yêu thương chúng tôi, chỉ là theo một cách khác biệt. Ông vẫn đứng phía sau, vẫn đến khi tôi cần. Và điều ấy đã dạy tôi phải yêu thương người khác rộng hơn những gì mình thấy, trở thành người mạnh mẽ cho những người mạnh mẽ dựa vào, để chính tôi trở thành hạnh phúc của người khác.
TRẦN PHƯƠNG MAI
(Số 7, ngõ 266/20 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội)
Ảnh minh họa từ Internet