Những mốc thời gian hạnh phúc: Quán của ngoại

Những mốc thời gian hạnh phúc: Quán của ngoại
HHT - Nhờ cái quán, bà ngoại một mình nuôi mẹ, cậu Ba và dì Út lớn lên ở cái làng chài lồng lộng gió và mênh mông cát biển.

Cái quán nhỏ ba gian, mái ngói thấp lè tè ngay đầu dốc. Cũ kĩ với nhiều mảng tường long tróc, nứt mấy đường ngoằn ngoèo như sét rạch trời trong cơn dông. Ngó vậy mà nó cũng tồn tại hơn năm mươi năm, từ dạo ông ngoại biền biệt bám rừng chống Mỹ rồi hi sinh giữa bạt ngàn rừng dương. Nhờ cái quán, bà ngoại một mình nuôi mẹ, cậu Ba và dì Út lớn lên ở cái làng chài lồng lộng gió và mênh mông cát biển.

Quán của ngoại bày bán đủ thứ trên kệ to, kệ nhỏ: chanh, muối, tiêu, lưỡi câu,… cả dưới gầm giường cũng đầy mấy thùng cạc-tông đựng bóng đèn, cầu chì,… Bà ngoại bán rẻ, tính lại hiền nên người ta thương, ra vô nườm nượp, sáng trưa chiều tối đông nghịt. Có những vị khách quen tận mấy chục năm của bà ngoại. Bảy mươi, tám mươi tuổi ghé ngang uống một ly rượu gạo, khà một tiếng sảng khoái, cười hà hà, rồi quay sang chuyện trò rôm rả về thời tiết, về biển cả, về những người láng giềng thân thiết. Thằng Hai con ông Chín đi làm ăn xa, giờ cũng về bám biển. Bà Nhà nông Tánh vừa cất cái nhà lớn. Bờ kè xây hình như cuối năm ni xong.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Quán của ngoại ảnh 1

Hồi bé con, chưa bế giảng, tôi đã náo nức mong về quê ngoại dăm mười ngày nửa tháng. Vì tôi sẽ được thỏa thuê tắm biển, đằm mình trong làn nước xanh ngọc trong vắt. Vì tôi sẽ được tập tành buôn bán, háo hức cân những lạng tiêu lạng tỏi trên cái cân năm kí giùm bà ngoại. Thi thoảng tôi giành bán, đôi lúc bán thiếu đưa thừa, bị mẹ mắng xối xả tội lanh chanh.

Khi đó, tôi cũng thường tự hỏi không biết những người ở làng chài nhỏ này có bao giờ buồn không, khi lúc nào cũng thấy họ cười, họ lạc quan. Năm giờ sáng, loa phát thanh trên trụ điện ra rả cũng là lúc tiếng í ới gọi bà ngoại bán cho cân muối ướp cá rộn ràng, chẳng bù thành phố hẳn vẫn chìm vào yên tĩnh trong sương sớm.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Quán của ngoại ảnh 2

Nhưng tôi đã nhìn thấy những con người đó buồn. Biển động, nên những người đàn ông với làn da ngăm, rắn chắc ở nhà nhiều hơn. Không còn những hôm kéo thuyền ra khơi vào ban đêm và cập bến mỗi buổi bình minh. Các bà các chị thôi không tụm năm tụm bảy bên hông quán, cùng nhau ra biển đợi cắp những thúng cá thu, cá trích tươi rói xuống chợ. Nhất là người ta không còn ghé quán mua vài ba lít rượu, dăm tép bánh tráng, về nhà ăn gỏi cá. Nụ cười không còn rạng ngời như nắng trên những gương mặt quen. Giọng nói vẫn hào sảng, bông đùa nhưng làm cách chi mà không rầu khi những con cá vẩy óng ánh chẳng chen chúc trong khoang thuyền.

Gần 80 tuổi, bà ngoại vẫn bán suốt mùa biển lặng hay khi biển ầm ầm giận dữ. Cái quán vẫn vậy, bao nhiêu năm chẳng thay đổi với cánh cửa gỗ nâu sẫm, bàn thờ ông ngoại giữa nhà. Mẹ, cậu và dì thi thoảng xúm lại bảo bà ngoại nghỉ ngơi, song cũng đành chịu thua. Vất vả, cực nhọc, nhưng tuổi già ngồi không một chỗ không hẳn đã vui.

Tôi chẳng còn lăng xăng phụ giúp bà ngoại vì mê mẩn những thứ nhỏ bé mới mẻ. Mà phần nhiều. Vì thương. Để vẫn hoài lái xe trên cung đường biển ngập nắng, dọc rừng dương vắng. Cuối con đường là cái quán chừng mấy mươi năm cần mẫn và bền bỉ trải bao sóng gió, bão bùng cùng ngoại. Niềm hạnh phúc giản đơn là ăn những bữa cơm với cá tươi rau muống luộc giòn rụm trên chiếc giường nhỏ, thi thoảng bị chen ngang bởi một ai đó ghé vô và nói: “Bà Út bán con cân đường.”

TRẦN VŨ NGỌC HÀ

(K29/H15/9 Hồ Xuân Hương, Đà Nẵng)

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.