Những ngày cuối năm âm lịch 2017, khi có chút thời gian dọn dẹp, tôi lại tìm thấy những cuốn sổ tay ngày xưa của mình, kín chữ. Tôi vẫn nhớ rõ mình viết trong hoàn cảnh nào, lần lượt từng dòng, từng dòng một. Đều là những ngày tháng đẹp đẽ nhất cuộc đời, dù cho có những trăn trở suy nghĩ thoáng qua về bạn bè, gia đình, trường học. Lật từng trang để đọc, bất giác tôi lại mỉm cười. Đã từ bao giờ, tôi không còn giữ thói quen viết lách này nữa nhỉ? Từ bao giờ tôi không còn suy nghĩ vướng bận nhiều như này nhỉ? Từ bao giờ, tôi đã thôi để tâm rồi nhỉ? Bắt đầu từ khi trường đại học cuốn tôi đi bằng thi cử và bài vở chăng? Hay do những mối quan hệ mới? Hay là, tôi đã thôi để tâm, chính vì có quá nhiều thứ bận lòng...
Những ngày của tuổi mười bảy quý giá đến nhường nào, lúc ấy tôi không thể hiểu được, chúng tôi càng không thể hiểu được. Kể cả khi nghe mọi người nói, hay những trang Facebook chia sẻ những câu nói về thanh xuân nhan nhản cả newsfeed, chúng tôi vẫn không hình dung ra cảm giác đó thật sự là gì. Người ta nói, “thanh xuân là tiếc nuối”, đối với tôi đó còn nhiều hơn cả sự tiếc nuối...
Thật lòng nhiều khi mệt mỏi quá độ, tôi muốn ngủ một giấc thật say, rồi sáng mai tỉnh dậy, có thể mặc đồng phục, cắm thùng nghiêm chỉnh, khoác ba lô nặng sách lên vai, nhảy lên xe và phóng thật nhanh kẻo trống tiết một. Trên con đường đi học, tôi có thể nhìn thấy những gương mặt quen khác, gọi nhau í ới, cười nói rôm rả. Rằng tôi có thể đi lên ba tầng cầu thang lát đá cũ kĩ ấy, vừa leo hồng hộc vừa thở, đờ đẫn bước vào lớp học ở phía cuối hành lang, nơi có cây phượng già xum xuê lá vươn cành vào tận cửa sổ. Giờ ra chơi có thể cùng nhau tám chuyện, quăng một đứa nào đó vào nhà vệ sinh rồi chốt cửa, hay leo lên mái nhà hóng gió. Đến giờ Văn có thể gà gật phía cuối lớp, hay chụm ghế bàn tròn tâm sự. Hay tiết Thể dục được mặc bộ đồng phục rộng thùng thình, nằm giữa sân cỏ, ngước mắt lên nhìn bầu trời xanh vời vợi sau những tán lá xòe rộng, nói với nhau những lời chân thành nhất, khúc khích khi kể về những anh chàng đẹp trai cùng khối, mơ mộng về tương lai sau này, nói cười đến khi mệt lả, rồi nhắm mắt lại và thả tâm hồn thư thái. Cũng có thể được ngồi dưới sân giờ chào cờ, nghe xếp hạng của lớp trong tuần và nhắc nhở của cô hiệu phó. Cô rất quý mến chúng tôi, nhất là khóa 98 này. Lúc nào cũng là cô, lên khuyên nhủ, rút kinh nghiệm cho chúng tôi những điều chưa tốt. Hồi ấy chúng tôi chẳng mấy ai bận tâm, sau này rồi mới biết, những lời nặng nề ấy cô nói ra chỉ là giả vờ, còn trong lòng muốn chúng tôi tốt lên, ra ngoài đời có người mắng mình như thế, chính là mắng thật, không hề có chút nề hà.
Nhiều lần đi học qua con đường đến trường, nhìn từng tốp học sinh bá vai nhau, cảm xúc lúc ấy thật phức tạp. Chúng tôi cũng đã đi qua những chặng đường ấy, cùng với nhau. Tự dưng tôi mới nhận ra, con đường từ trường về nhà, cũng chính là quãng thời gian ba năm trung học. Chúng ta đi chung một đoạn đường, rồi rẽ về các ngả. Trường trung học khi ấy chính là ga cuối, nơi ấy có kỉ niệm, có bạn bè thân, có thầy cô yêu kính. Ga cuối chặng mười hai năm đèn sách, nơi có những người luôn vì chúng ta mà sẵn sàng bỏ công sức, vì chúng ta mà dốc lòng yêu thương che chở, vì chúng ta mà sẻ chia, cuồng nhiệt hay khờ dại. Sau ga cuối, chúng ta sẽ ở một vùng đất mới, nơi tự do nhất, nơi cô đơn nhất, nơi lạnh lùng nhất.
Còn nhớ những ngày cận kề thi đại học, tôi cứ ao ước rằng mình có thể nhảy đến một năm sau, xem lúc ấy mình sẽ ở đâu, ra sao, làm gì. Tôi khi ấy tuyệt nhiên không thể nghĩ đến con đường tiếp theo ga cuối lại gập ghềnh khó khăn như thế. Con đường ấy tôi phải tự mình bước tiếp, không có thầy cô dìu dắt từng bước chân, càng không có những người sẵn sàng vì mình mà hao tâm tổn sức.
Tuổi hai mươi tiếp tục đợi chờ những khó khăn thách thức. Tôi ước gì mình có thể sẵn sàng đương đầu với nó bằng tâm thế của tuổi mười bảy năm ấy, bạo dạn, vô lo.
(Chi tiết về cuộc thi viết “Những mốc thời gian hạnh phúc” có thể xem tại đây. Hoặc gửi bài viết về địa chỉ email cuocthiviet.h2t@gmail.com)