Những mốc thời gian hạnh phúc: Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình

Những mốc thời gian hạnh phúc: Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình
HHT - Rồi mai đây đi năm châu bốn bể, con vẫn mong trở về cùng nhà mình đoàn viên.

Từ khi còn rất nhỏ, con đã biết mẹ mắc bệnh tim. Vài bữa mẹ lại đau, lại khó thở, nhưng nhà mình chẳng có tiền phẫu thuật. Đến tận khi con học năm cuối đại học, bố bán được mảnh đất mới có thể đăng ký phẫu thuật cho mẹ.

Mùa Thu năm ấy, mẹ đau không thở được, con nước mắt tèm lem, bệnh viện đông không có giường nằm, bệnh nhân chờ phẫu thuật dài cả danh sách, mẹ vẫn phải chờ.

Mùa Đông, mẹ nhập viện và phẫu thuật.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình ảnh 1

Con đã quên ngày hôm đó là mùng 1, hay 11, hay là tháng 11, con chỉ nhớ sáng sớm con và bố ôm mẹ một cái thật chặt rồi người ta đưa mẹ vào phòng mổ. Nhiều năm trôi qua rồi, con đã đi tới đất nước khác, mùa Đông âm chục độ, tuyết cao tới nửa người con, nhưng con vẫn nhớ ngày mấy bố con và họ hàng nhà mình chờ mẹ ngoài phòng mổ vẫn là ngày rét nhất. Con vẫn gọi bố là bố đẹp trai, con vẫn nghĩ mới ngoài 40 tuổi như bố thì còn trẻ lắm, nhưng ngày hôm đó con mới biết bố cũng đã già rồi, lần đầu tiên con nhận ra là bố mình cũng sẽ già đi. Bố đứng ở sân bệnh viện lộng gió chờ mẹ cùng con, bố buộc cái khăn len trùm lên đầu cho đỡ buốt, nhưng con vẫn nhìn thấy bố đã có tóc bạc lấm tấm đầu.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình ảnh 2

Sau gần 6 tiếng nhà mình đứng chờ, có chị y tá ra báo là đã phẫu thuật thành công và chuyển mẹ vào phòng hậu phẫu, trong khoảnh khắc gió cũng ngừng lại, con thấy ấm áp thêm bao nhiêu phần.

Con muốn cười, nhưng lại khóc, sau bao nhiêu năm chịu đựng căn bệnh, cuối cùng mẹ cũng đã được phẫu thuật. Bác sĩ làm thế nào mà tài tình thế nhỉ? Cài cho mẹ một cái van tim mới vào lồng ngực kia à? Đêm ấy con với dì Hiếu ngồi ngoài bậc thang tòa nhà hậu phẫu, ôm khư khư bình sữa với cái phích nước nóng cùng túi đựng cốc thìa giấy ăn linh tinh, chỉ chờ y tá ló đầu ra nhắc “người nhà bệnh nhân Trần Thị Hải đưa đồ đây, bệnh nhân tỉnh rồi” là hai dì cháu sung sướng chạy tới đưa đồ.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình ảnh 3

Rồi mẹ dần ổn định, được đưa ra phòng thường, con toàn trốn bảo vệ chui vào ngủ dưới sàn gần giường mẹ. Sáng con qua trường học, trưa lại về viện. Mẹ nằm viện hai tuần rồi được về nhà. Năm ấy lần đầu tiên con và em tự đi sắm tết, tự thịt gà, rồi thức đêm thêm nước thêm củi cho nồi bánh chưng. Tết đầu tiên không phải mẹ sắm sửa vun vén mà con vẫn thấy đủ đầy. Thấy bố mẹ rạng ngời, con và các em cũng cười vui cả Tết.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình ảnh 4

Sau Tết ấy, mẹ không phải lo về bệnh nữa, con mới dám đăng ký học bổng nước ngoài. Những cái Tết sau này của con chỉ là những ngày cô đơn đầy tuyết, nghe tiếng nói của bố mẹ qua điện thoại, nhìn bố mẹ qua màn hình máy tính. Con chỉ biết dặn bố giữ gìn sức khỏe, dặn mẹ uống thuốc đúng giờ, dặn em Diệu Anh học xa nhà đi lại cẩn thận đường xá, dặn em Linh ăn nhiều cho lớn, chạy nhảy nhiều cho khỏe. Con dặn con phải tự giữ gìn sức khỏe.

Tết sau con sẽ về, mong nhà mình bình an!

TRẦN THỊ THÙY NHUNG

(Huyện Sóc Sơn, Hà Nội)

Ảnh minh họa từ phim “Umimachi Diary”.

Chi tiết về cuộc thi “Những mốc thời gian hạnh phúc” lần thứ hai có thể xem tại đây.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim bí mật của cô bạn Bánh Cam "keo kiệt" của tuổi thơ tôi

Reply Y2K: Trái tim bí mật của cô bạn Bánh Cam "keo kiệt" của tuổi thơ tôi

HHT - Ba Bánh Cam mất sớm, má nó làm các loại bánh bột chiên, bỏ mối cho những người bán dạo. Có lần, Bánh Cam xách theo bọc bánh, mời bạn bè trong lớp. Mọi người xúm vô ăn. Mấy chục bánh nóng hổi hết sạch. Tới lúc đó, Bánh Cam mới dõng dạc: “Mỗi cái bánh 500 đồng. Trả tiền cho tui nha!”. Tụi bạn chưng hửng ngó nhau.
Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.