Những mốc thời gian hạnh phúc: Trận chiến ở “vương quốc lon”

Những mốc thời gian hạnh phúc: Trận chiến ở “vương quốc lon”
HHT - Một tiếng “xèng” vang lên làm tôi giật mình. Ngó ra thì thấy cái lon thiếc tôi bỏ quên trên đầu tủ từ lâu, nay chẳng biết vì sao lại rơi xuống. Làm một vùng kí ức cũ dần hiện ra trong đầu tôi, vừa rõ ràng vừa lộn xộn.

Trời trưa. Nắng to. Không gian yên tĩnh. Một tiếng “xèng” vang lên làm tôi giật mình. Ngó ra thì thấy cái lon thiếc tôi bỏ quên trên đầu tủ từ lâu, nay chẳng biết vì sao lại rơi xuống. Tiếng “xèng” ấy, hình ảnh cái lon ấy, làm một vùng kí ức cũ dần hiện ra trong đầu tôi, vừa rõ ràng vừa lộn xộn và cũ màu.

Tôi thấy mình bé lại chừng mười tuổi, đang hì hục với đám con nít cùng xóm tìm một cái gì đó trong mấy bọc đồ cũ. A! Là một cái lon sữa. Để xem nào, lon không quá cao, đủ nặng, mấy cạnh bén xung quanh đã được mài nhẵn để chắc rằng sẽ không có bất kì tai nạn “đổ máu” nào xảy ra. Chính thức thông qua, nó đã đạt tiêu chuẩn để chơi tạt lon. Xem kìa, cái lon còn nguyên nhãn, sữa vương bên ngoài, dính lên cả tay, nhưng được cái thơm nức mũi.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Trận chiến ở “vương quốc lon” ảnh 1

Mỗi “chiến sĩ“  tìm cho mình một chiếc dép. Đơn giản, ai mang gì thì dùng nấy. Đứa nào cũng tay cầm một chiếc, chân đi một chiếc, dơ thì dơ chung, sạch thì sạch cùng, thế mới “nghĩa khí”.

“Ù quế” - Cả bọn xúm lại đồng thanh hét to. Mấy mươi bàn tay chìa ra, trắng đen lẫn lộn, màu nào ít thì ra, màu nào nhiều ở lại, cứ thế chọn ra một đứa “bị”.

Đứa “đầu đàn” tìm một mảnh gạch đỏ, vẽ lên sân một vạch ngang làm mức, rồi cách đó không xa, kẻ thêm một ô vuông, cho chiếc lon vào đó. Đứa “bị” đứng cạnh cái lon, nhìn xung quanh lom lom bằng đôi mắt hình viên đạn. Cả đám còn lại, đứng sau vạch mức, lăm lăm dép trên tay, nhắm thẳng cái lon.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Trận chiến ở “vương quốc lon” ảnh 2

Bắt đầu! Hàng chục chiếc dép thi nhau phóng lên, nhưng chiếc lon chẳng chịu xê dịch. Điều đó đồng nghĩa với việc chủ nhân của chúng cũng bị mắc kẹt ở trận tiền. Bỗng một tiếng “bốp” vang lên. Thôi xong! Một nạn nhân xấu số đã bị chiếc dép “phang” vào giữa mặt. Bậy rồi, là cái lon. Cái lon bị tạt trúng, văng đi xa tít tắp. Thời cơ đã đến, cả bọn nhanh chóng xách dép chạy về. Vừa đến nơi, quay đầu lại đã thấy chiếc lon đã trở về giữa ô vuông, uy nghi, chễm chệ như chưa từng bị văng ra ngoài. Còn bên cạnh, người hùng của chúng ta, vì giải cứu đồng đội mà nay lại bị bắt giữ làm con tin. Thật đáng ngưỡng mộ!

Một chiếc dép khác phi lên. Chiếc lon nhúc nhích. Xét theo điều 3, khoản 7 của luật “Tạt lon”, trong trường hợp này, nếu người ném đá bay chiếc lon thì được tính như một lần tạt trúng, còn nếu người “bị” cầm chiếc lon, gõ đúng ba lần vào ô thì người ném sẽ thế chỗ người bị. Trở lại vấn đề, vừa thấy chiếc lon động đậy, người “bị”, chắc do quá hoảng, đã vung chân đá bay chiếc lon. Cả bọn thấy thế, ôm bụng cười ngặt nghẽo.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Trận chiến ở “vương quốc lon” ảnh 3

Tiếng khoang tường nhà hàng xóm làm tôi quay về với thực tại. Chợt nhận ra tôi đã nhoẻn miệng cười từ lúc nào. Tôi nay chưa phải là lớn, nhiều lúc cũng muốn thử lại cảm giác xưa nhưng bây giờ đám con nít cũ chia nhau mỗi đứa mỗi nơi rồi. Thời đại công nghệ phát triển vượt bậc cũng khiến người ta vội hơn, bận rộn hơn, và có nhiều trò chơi khác. Cả chúng ta nữa, càng lớn chúng ta càng có nhiều suy nghĩ miên man, phần lớn là buồn, để rồi những kí ức tuổi thơ ấy dần chìm vào quên lãng, mà cũng chẳng rõ là tại cái “lớn”, cuộc đời hay do chính bản thân chúng ta đang tự đưa mình vào khoảng không buồn tẻ, chật hẹp ấy.

Tôi bây giờ đang thèm lắm cái cảnh xưa, thèm được chơi cùng bạn bè, và thèm cả những chiếc lon.

PHẠM HỮU LỘC

(Số nhà 611, Tỉnh lộ 942, Ấp Mỹ Tân, Thị trấn Mỹ Luông, Huyện Chợ Mới, Tỉnh An Giang)

Ảnh minh họa từ Internet

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

HHT - “Công xưởng xanh của Apolenka” là một cuốn sách tuyệt đẹp. Không chỉ bởi các bức tranh với sắc xanh diệu kỳ tưởng như đang ở thế giới cổ tích, mà còn vì câu chuyện được kể rất ấm áp. Không những thế, cuốn sách còn mang đến cho các bạn nhỏ những hiểu biết thú vị về một nghề truyền thống ở nước Séc xa xôi.