Trận mưa đêm qua quá lớn, vì thế mà bụi tre sáng nay bị bố và mấy bác hàng xóm “hỏi tội”. Bụi tre xơ xác, cây đổ cây nghiêng, cây đạp vào mái nhà tan tác, nguy cơ làng sẽ trắng tre đang hiện hữu trước mắt.
Bụi tre trước kia khá lớn, có đến khoảng hơn trăm cây nhưng bây giờ chỉ còn khoảng bốn năm chục, do mỗi ngày lại có người đến xin một vài cây để về làm cán cuốc, cán xẻng hay điếu cầy. Tre vàng óng, đó là tre ngà, thân cây cao vút, gióng dài và thẳng, lá to hơn lá tre bình thường. Không rõ bụi tre có từ bao giờ, chỉ biết là ngay từ lúc tôi còn nhỏ tre đã cao vút rồi, bọn trẻ trong xóm thường lui tới đây để lấy cành tre chế tạo diều, khăng, hay làm lồng gà, còn người lớn thì hay đến lấy lá tre về để đun nước tắm cho trẻ con.
Trước kia, ở làng có tới hơn chục bụi tre lớn, ở đầu làng, cuối làng, rìa đồng đều có cả, tạo thành một lớp bảo vệ vững chắc của làng. Nhưng dần dần, tre trở nên hiếm khi con người tăng nhu cầu đất ở, những bụi tre dần nhường chỗ cho nhà cao tầng san sát nhau. Người dân cũng ít làm nông nghiệp hơn, nhiều khu công nghiệp mọc lên, không còn có những cụ già đi lấy tre về làm xảo, rổ, giá nữa. Thay vào đó họ mua những vật dụng này ở cửa hàng tạp hóa.
Hồi còn học tiểu học, cô giáo thường dạy rằng cây tre là cây có sức sống mãnh liệt, giản dị nhưng tràn đầy nghị lực, quả không sai. Bụi tre sau nhà nằm sát con mương của làng, nhiều lần đất lở nhưng tre vẫn không đổ. Bộ rễ của nó càng ngày càng vươn xa ra, lồi lõm cả một vùng, nhiều cây xiêu vẹo ngả xuống mương nhưng nhất quyết bám đất. Những lọn măng tre vẫn ngày ngày nhú lên, tre già măng mọc, tựa như quy luật của sự sống.
Các làng bên cạnh cũng có tre nhưng hiếm có loại tre ngà, vì đây là giống quý ngày càng ít đi. Đã có lúc bụi tre ngà trở thành niềm tự hào của người làng, của lũ trẻ khoe với bạn bè.
Ngày hè thường cắt điện luân phiên, cơn nóng hầm hập cứ ập đến từng nhà. Mùa hè bây giờ khác xưa, hè nóng hơn nhưng lại có quạt, có điều hòa, nhưng khi không có điện họ chẳng biết đi đâu ngoài câu than vãn “Sao lâu có điện thế?”. Ngày xưa thì khác, buổi trưa, người già, trẻ nhỏ trong xóm hay ngồi dưới bụi tre, kể chuyện, nhổ tóc sâu, những tia nắng xuyên qua khe lá làm gợi lên bao kỷ niệm thuở ấu thơ.
Rồi ban đêm, gió nhè nhẹ thổi sáo qua tán tre, âm thanh nhẹ nhàng vui tai đến lạ lùng, ánh trăng lấp ló treo trên ngọn tre tựa như kể một câu chuyện dân gian giữa đời thường. Buổi bình minh, bọn chào mào, sáo đen cũng thường rủ nhau đến đây tâm tình, tán gẫu, và se duyên.
Nhưng cơn bão đêm qua đã viết lên tờ giấy báo tử cho khóm tre ngà cuối cùng của làng. Ngọn tre già quật vào ngôi nhà mái của hàng xóm làm bay mất mấy viên ngói, thêm nữa, nó còn quật vào mái tôn nhà ông Nghị, làm cả đêm tiếng uỳnh uỳnh cứ đe dọa giấc ngủ. Bố không muốn làm mất lòng hàng xóm, cũng như cần phải phá bụi tre đi để chuẩn bị xây nhà mới.
Đúng chín giờ sáng, mưa vừa tạnh, bố và mọi người đã chuẩn bị sẵn dao rựa, cưa, dây… kết liễu bụi tre ngà. Mọi người hối hả cho công việc, những nhát dao đầu tiên hạ những cây tre nhỏ, tre ngã xuống, tiếng cưa máy như xé lòng tuổi thơ của người chứng kiến. Một vài tổ chim sâu cũng rơi xuống, có mấy quả trứng nhỏ, có lẽ chúng không thể nở được khi ngôi nhà không còn nữa.
Nhoằng cái, cây tre cuối cùng cũng nằm rạp xuống, mấy đàn chim đậu ở trên mái nhà đưa ánh mắt nhìn tiếc nuối trong tiếng hể ha của những người lấy tre về làm vật dụng. Mùi tre ngà khác với các loại tre khác, thơm một cách dịu ngọt, tre đang đi dần từng bước vào trong sách vở và trí tưởng tượng của trẻ con. Có lẽ sau này không được ngửi nữa mà chỉ có thể tả cho lớp người đằng sau, dẫu sao một sự tưởng tượng có thực cũng tốt hơn là trống rỗng.
NGUYỄN VĂN CÔNG
(Thôn Yên Phú, Xã Văn Phú, Huyện Thường Tín, Hà Nội)
Ảnh minh họa từ Internet