Ấn tượng về ông bà của tôi rất mờ nhạt vì ngoại trừ bà ngoại mất khi tôi còn bé, thì ông bà nội và ông ngoại đã mất từ khi tôi chưa sinh ra. Vậy nên tôi vẫn thường thấy tủi thân khi nghe chúng bạn kể về ông bà với ánh mắt long lanh và niềm tự hào vô kể. Tôi thèm cái xoa đầu của bà, thèm những lời trêu đùa của ông, thèm được làm nũng mỗi khi giận hờn, thèm được dựa dẫm khi thấy mệt.
Và rồi tôi cũng có một người ông. Đó là khi tôi chuyển về ở cùng gia đình chị gái ở ngoại thành Hà Nội. Ông là bố chồng của chị tôi, đã bảy mươi tuổi nhưng còn rất khỏe và trẻ. Nói trẻ cũng không sai đâu vì tóc ông còn chưa bạc, răng chẳng rụng cái nào. Ngày đầu tiên ở nhà mới, tôi rất thích loanh quanh với ông, vì ông hay làm những điều lặt vặt. Tôi ngồi làm cùng và nói chuyện với ông bằng tất cả sự ngây thơ của đứa trẻ 12 tuổi. Tôi kể quê tôi có gì, mẹ tôi làm gì, ở trường cũ tôi như thế nào. Nhưng có một điều lạ là ông không nói gì, cũng không có biểu hiện gì ngoài việc cắm cúi vào công việc. Tôi hơi chạnh lòng. Mãi sau ông mới ngẩng đầu lên nhìn tôi cười và xua tay bảo tôi vào nhà. Bữa cơm tôi mới biết, ông không thể nói, cũng không thể nghe từ nhỏ. Tự nhiên thấy trong lòng dâng lên một nỗi buồn khó tả.
Nhưng ở một thời gian ngắn, tôi nhận ra rằng ông rất quý tôi. Ông thường mang quà về cho tôi, thích khoe với tôi ông trồng gì, nó đã lớn bằng nào, ông bán được bao nhiêu tiền,... Mọi người trong nhà thường mặc kệ sở thích của ông, không nghe những gì ông muốn nói, hay tỏ thái độ khó chịu khi bị ông làm phiền. Chỉ có tôi là luôn nhìn vào mắt ông và gật đầu nhè nhẹ mỗi khi ông ra hiệu gì đó. Thực ra nhiều lúc tôi chả hiểu cái quái gì, nhưng tôi nghĩ làm thế là để ông biết vẫn còn có người lắng nghe mình. Có lẽ vì thế mà ông rất thích chia sẻ với tôi.
Tôi hay đạp xe đi học. Trường tôi cách nhà khoảng 2 cây số, không quá xa nhưng cũng không gần để đi bộ. Có lần xe tôi bị hỏng, phải đi nhờ đứa bạn gần nhà. Giữa trưa nắng mồ hôi mồ kê nhễ nhại, hai đứa chật vật đèo nhau. Ấy thế mà vừa đi ra đến cổng trường, tôi đã thấy ông đang đứng đợi ai đó bên chiếc xe đạp, đầu đội chiếc nón. Tôi cũng chỉ nghĩ ông đi đón cháu (cháu nội ông bằng tuổi tôi, nhà sát bên cạnh) nên khi thấy ông, tôi có vẫy tay chào. Thế nhưng ông lại vẫy tay ra hiệu tôi lại gần. Hóa ra khi thấy xe tôi hỏng, ông đã ra hiệu hỏi tôi đi học bằng gì và tự mình lấy xe đi đón tôi. Một cảm giác vừa ngạc nhiên, vừa sung sướng tràn vào trong tim. Lần đầu tiên tôi thấy hạnh phúc và vơi bớt nỗi nhớ mẹ sau mấy tháng xa nhà. Một sự quan tâm lặng lẽ, không cần đến lời nói đã giúp tôi thêm yêu quí và trân trọng người ông ấy.
Đâu phải cứ nói lời hay mới là yêu thương. Ngồi sau xe ông, tôi nắm chặt hai vạt áo. Cái nắng nóng giữa hè làm ướt chảy mồ hôi trên lưng ông, và cũng làm tan chảy cả tim tôi.
HOÀNG THỊ BÍCH NGỌC
(115 Xóm Chợ Phú Mĩ, Mĩ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Ảnh minh họa từ phim Up