Những nghiên cứu... cứu người

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong số 10 công trình giành giải Nhất Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 23, hai đề tài của hai nhóm tác giả đến từ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) đã được Hội đồng chuyên ngành Hậu cần - Y được đánh giá rất cao về hiệu quả ứng dụng thực tế.

Rút ngắn thời gian điều trị, giảm chi phí

Nhằm đem lại hiệu quả tối ưu trong điều trị, giảm thiểu độc tính trên thận và tai, góp phần giảm tình trạng đề kháng kháng sinh, nhóm nghiên cứu gồm 3 bóng hồng ở Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã dành thời gian hai năm để thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình giám sát sử dụng Vancomycin thông qua theo dõi nồng độ thuốc trong máu tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108”.

Những nghiên cứu... cứu người ảnh 1

Nhóm nghiên cứu của Thiếu tá Lê Thị Phương Thảo trao đổi hiệu chỉnh liều vancomycin cho bệnh nhân nặng tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. ẢNH: QUỐC BẢO

Đảm nhận vai trò thủ lĩnh của nhóm nghiên cứu, Thiếu tá Lê Thị Phương Thảo cho biết, công trình được chị và hai cộng sự cùng công tác tại khoa Dược (Thiếu tá Ngô Thị Xuân Thu và dược sĩ Lê Thị Mỹ) bắt tay nghiên cứu với mục đích góp phần tăng hiệu quả trong công tác cứu chữa người bệnh. Theo Thiếu tá Thảo, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cũng là bệnh viện đầu tiên trong Quân đội triển khai giám sát nồng độ vancomycin (kháng sinh được dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng) trong máu dựa trên đo nồng độ thuốc trong 24 giờ trên nồng độ ức chế tối thiểu.

Những nghiên cứu... cứu người ảnh 2

Thiếu tá Trần Văn Tôn thăm khám cho bệnh nhân ung thư đầu cổ. ẢNH: NVCC

Theo Thiếu tá Ngô Thị Xuân Thu, trong quá trình nghiên cứu đã gặp phải một số khó khăn trong việc tuân thủ khoảng cách đưa liều trên thực hành lâm sàng. Lý giải về điều này, Thiếu tá Thu cho biết, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 là bệnh viện tuyến cuối, số lượng bệnh nhân ở mỗi khoa phòng rất đông, khối lượng công việc của bác sĩ và điều dưỡng rất lớn và có thể dùng không chính xác theo y lệnh của bác sĩ.

“Trong khi triển khai nghiên cứu, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp sử dụng thuốc không đúng giờ, đặc biệt với chế độ liều mỗi 8 giờ. Điều này có thể ảnh hưởng rất lớn đến kết quả định lượng và hiệu chỉnh trên bệnh nhân. Việc dùng thuốc đúng trong giai đoạn đầu triển khai quy trình giám sát điều trị vancomycin là một nỗ lực rất lớn của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhóm nghiên cứu”, Thiếu tá Thu cho biết.

Giải quyết được việc lấy mẫu nồng độ chuẩn xác trong quá trình nghiên cứu đã giúp đội ngũ điều dưỡng hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc dùng thuốc đúng giờ và lấy mẫu theo đúng quy trình đã xây dựng. Nhờ đó, quá trình thử nghiệm đã cho những kết quả rất khả quan. Sau triển khai quy trình, thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân có xu hướng giảm (17 ngày so với 21 ngày). Cùng với đó, thời gian sử dụng vancomycin có xu hướng giảm, từ đó giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân.

Tăng cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư

Nói về đề tài “Kỹ thuật xạ trị điều biến liều thích ứng 2 pha ở bệnh nhân ung thư đầu cổ tại Bệnh viện Quân y 103”, Chủ nhiệm đề tài, Thiếu tá Trần Văn Tôn (Bác sĩ điều trị thuộc khoa Vật lý xạ trị, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Quân y 103) chia sẻ, ung thư đầu cổ là một trong số những bệnh ung thư thường gặp tại Việt Nam. Việc điều trị căn bệnh này nhận được sự quan tâm lớn của các nhà chuyên môn cũng như cộng đồng.

Sau hơn một năm tìm hiểu, Thiếu tá Trần Văn Tôn và 4 cộng sự ở khoa Vật lý xạ trị nhận thấy kỹ thuật xạ trị thích ứng có thể giải quyết được những vấn đề này. Kỹ thuật này mới chỉ được triển khai ở một vài cơ sở xạ trị và dừng lại ở kinh nghiệm cá nhân của từng bác sĩ mà chưa có một nghiên cứu nào công bố chi tiết quy trình kỹ thuật, sự thay đổi các thông số thể tích điều trị cũng như hiệu quả kỹ thuật. Do đó, nhóm tác giả đã hình thành ý tưởng, xây dựng đề cương nghiên cứu và báo cáo đề xuất với lãnh đạo Trung tâm Ung bướu và Bệnh viện Quân y 103.

Theo Thiếu tá Tôn, công trình nghiên cứu của nhóm là kỹ thuật mới tại Việt Nam, trong nước chưa có báo cáo nào công bố sự thay đổi của các thể tích xạ trị cũng như giá trị, kết quả của kỹ thuật này. Đồng thời, quá trình thử nghiệm đã chỉ ra rằng đây là kỹ thuật an toàn, không có tai biến, biến chứng.

“Sau khi tiến hành nghiên cứu trên 27 bệnh nhân ung thư đầu cổ được áp dụng kỹ thuật đã cho thấy những kết quả bước đầu tích cực. Kỹ thuật này đã được nghiệm thu và được Học viện Quân y thông qua, triển khai thành thường quy cho tất cả các bệnh nhân ung thư đầu cổ tại Bệnh viện Quân y 103 từ tháng 1/2022. Đồng thời được lựa chọn để báo cáo tại Hội nghị phòng chống ung thư hàng năm của Hội Ung thư Việt Nam vào cuối năm 2022 và bước đầu chuyển giao cho một số cơ sở xạ trị trong nước”, Thiếu tá Tôn cho biết.

Trung úy Nguyễn Châu Phong (thành viên nhóm nghiên cứu) cho biết thêm, toàn bộ quy trình kỹ thuật này được bảo hiểm y tế chi trả, bệnh nhân không phát sinh thêm bất kỳ chi phí nào. Đặc biệt, kỹ thuật giúp tập trung liều cao vào các tổn thương đích cũng như giảm thiểu các tác dụng không mong muốn tại các tổ chức lành, tăng cường hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư đầu cổ.

“Chúng tôi đang phát triển đề tài với số lượng bệnh nhân lớn hơn, thời gian theo dõi dài hơn để đánh giá hiệu quả lâu dài của kỹ thuật đối với bệnh nhân ung thư đầu cổ. Bên cạnh đó, chúng tôi còn triển khai 2 hướng nghiên cứu mới là áp dụng kỹ thuật xạ trị thích ứng cho các ung thư vùng lồng ngực và ung thư vùng tiểu khung với mục đích đem lại hiệu quả tốt hơn cho các bệnh nhân ung thư”, Trung úy Phong chia sẻ.

Thiếu tá Lê Thị Phương Thảo (khoa Dược, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108) tiết lộ, từ thành công của đề tài, nhóm nghiên cứu sẽ xây dựng quy trình giám sát nồng độ vancomycin trong máu trên các bệnh nhân đối tượng đặc biệt: bệnh nhân lọc máu (lọc máu liên tục và lọc máu ngắt quãng) và bệnh nhân nhi; triển khai giám sát nồng độ nhiều thuốc khác tại bệnh viện; triển khai thêm nhiều nghiên cứu dược lâm sàng khác tại bệnh viện, tập trung vào các chuyên khoa như truyền nhiễm, tim mạch và ung bướu nhằm hỗ trợ bác sĩ trong việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và hợp lý trên người bệnh.

MỚI - NÓNG