Những nhà báo, nhà văn nổi tiếng từng là cán bộ Đoàn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước hết phải nói đến nhà văn Sơn Tùng. Ông vừa ra đi, đi về cõi vĩnh hằng, để lại thương tiếc cho nhiều người. Theo như tôi được biết nhà báo, nhà văn được phong Anh hùng Lao động lúc còn sống ở xứ ta cho đến nay có lẽ chỉ có nhà văn Sơn Tùng, tác giả “ Búp sen xanh” nổi tiếng.

Ông là cán bộ đoàn nhiều năm, từng là phóng viên báo Tiền Phong. Thời chiến tranh chống Mỹ ông tình nguyện vào chiến trường. Ở căn cứ miềm Đông, ông cùng một số nhà báo thành lập tờ THANH NIÊN GIẢI PHÓNG do đồng chí Nguyễn Minh Triết (nguyên bí thư TƯ Đoàn, nguyên chủ tịch nước) phụ trách. Nhà văn Sơn Tùng bị thương ở mặt trận, ông là thương binh và được một cô y tá xinh đẹp yêu ông trong những ngày chăm sóc ông ở trạm quân y và là vợ ông sau này.

Những nhà báo, nhà văn nổi tiếng từng là cán bộ Đoàn ảnh 1

Nhà văn Sơn Tùng

Nhớ lại lần đầu đến tòa soạn báo Tiền Phong liên hệ xin về làm phóng viên, tiếp tôi ở phòng thường trực là một đồng chí phó tổng biên tập. Ông hỏi tôi có biết ai ở báo Tiền Phong không, tôi thưa có biết nhà thơ Phan Cung Việt. Ông cười: Phan Cung Việt vừa ngồi ở đây mà! Tôi đỏ mặt bảo: Là biết tiếng thôi, chứ chưa gặp bao giờ!

Tôi vốn yêu văn chương và làm thơ từ nhỏ nên khi về công tác ở T.Ư Đoàn, tôi rất ngưỡng mộ những nhà báo, cũng là những nhà văn, nhà thơ khá nổi tiếng. Tôi đã đọc thơ, văn của họ khá nhiều , mãi sau này, tôi mới hay nhiều nhà văn, nhà thơ trước khi về công tác ở các tờ báo của T.Ư Đoàn, cũng từng trải qua bộ đội, thanh niên xung phong, từng trải qua hai cuộc chiến tranh giữ nước hào hùng...

Khi cuốn tiểu thuyết XUYÊN CẨM của tôi được giải thưởng VĂN HỌC NGHỆ THUẬT NGUYỄN DU và sau đó mấy năm hai tiểu thuyết “Thổ địa”; “Cõi ta bà” xuất bản được dư luận chú ý, nhiều nhà văn ở T.Ư Đoàn đến gặp tôi bày tỏ ý muốn thành lập chi hội nhà văn ở T.Ư Đoàn. Vì tôi là thường vụ T.Ư Đoàn, phụ trách khối báo chí xuất bản của Đoàn mấy khóa nên nhà thơ Nguyễn Đức Quang TBT báo Nhi Đồng lúc đó thường giục tôi đứng ra thành lập chi hội nhà văn T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Do quá bận nên tôi chưa thực hiện được. Bây giờ chúng tôi cũng đều đã nghỉ hưu.

Những nhà báo, nhà văn nổi tiếng từng là cán bộ Đoàn ảnh 2

Nhà văn Lê Minh Khuê và tác giả

Lúc bấy giờ ở T.Ư Đoàn có nhiều nhà văn, nhà thơ là hội viên hội nhà văn Việt Nam như Dương Kỳ Anh; Nguyễn Hoàng Sơn; Xuân Ba; Hữu Việt; sau này có Lê Anh Hoài (báo Tiền Phong); Ban phát thanh truyền hình T.Ư Đoàn có Hoàng Dự. Các nhà văn, nhà thơ như Phong Thu (đã mất); Nguyễn Thị Vân Anh; Nguyễn Đức Quang; Trần Quang Đạo (báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Đồng), Cao Tiến Lê; Phan Xuân Hạt, Hoàng Phong (đã mất), Tùng Điển ở nhà xuất bản Thanh Niên ; Lê Phương Liên ở nhà xuất bản Kim Đồng; Bùi Trình (đã mất) ở tạp chí Thanh Niên... Như vậy có thể thành lập một chi hội nhà văn Việt Nam ở ngay cơ quan T.Ư Đoàn.

Nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Lê Minh Khuê; Ngô Thế Oanh; Từ Quốc Hoài; Bùi Ngọc Tấn; Lý Biên Cương; Nguyễn Xuân Khánh... từng là cán bộ đoàn, là nhà báo, nhiều năm công tác ở báo Tiền Phong và báo Thiếu Niên Tiền Phong. Bùi Ngọc Tấn ; Lý Biên Cương đã ra đi nhưng những tác phẩm của họ vẫn sống trong lòng bạn đọc như “Người chăn kiến” (Bùi Ngọc Tấn); “Bây giờ ta lại nói về nhau” (Lý Biên Cương).

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có lẽ là nhà văn cao tuổi nhất, có nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Hồ Quý Ly”; “Mẫu thượng ngàn”; “Đội gạo lên chùa”. Ông sinh năm 1933, nhiều năm công tác ở báo Thiếu Niên Tiền Phong. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Hồ Quý Ly” được Giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam 1988-2000); Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh vừa ra đi.

Nhà văn Lê Minh Khuê từ thanh niên xung phong chuyển về làm phóng viên báo Tiền Phong. Ngay từ năm 1973 đã có tập truyện được nhiều người tìm đọc “Những ngôi sao xa xôi”; nhiều tập truyện ngắn tôi thích nhất là cuốn “Nhiệt đới gió mùa” viết về đề tài chiến tranh với nỗi niềm đau đáu. Lê Minh Khuê được giải thưởng về văn chương của xứ sở Kim Chi.

Những nhà báo, nhà văn nổi tiếng từng là cán bộ Đoàn ảnh 3

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Nhà văn Hoàng Dự nhiều năm làm trưởng ban phát thanh truyền hình thanh thiếu niên có tiểu thuyết “Nợ đời” khá nổi tiếng, đã được chuyển thành phim “Đường đời” rất ăn khách. Gần đây ông ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn “Sống vì người chết” được dư luận chú ý.

Nhà thơ Phan Cung Việt nổi tiếng về thơ ngay từ thời còn là sinh viên khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Về làm phóng viên báo Tiền Phong, Phan Cung Việt xung phong vào chiến trường trong những năm khói lửa chiến tranh. Viết báo, làm thơ trong căn hầm mịt mù khói bom ở Quảng Trị. Phan Cung Việt gắn trọn đời với tờ báo của Đoàn cho đến lúc nghỉ hưu. Ông vừa làm thơ vừa viết truyện. Tập truyện “Hai tổng biên tập và một lái xe” của ông được nhiều người tìm đọc. Tôi rất thích truyện “Em lên xe hoa” và “Quẫy lên mà sống” của ông.

Bây giờ nhà thơ Phan Cung Việt ở cạnh nhà tôi trong khu tập thể báo Tiền Phong ở Hoàng Cầu. Mấy năm nay ông không được khỏe, một cánh tay bị đau. Một người yêu đời lạc quan như vậy, từng ngồi làm thơ, viết văn dưới mưa bom thành cổ Quảng Trị nay gõ lên bàn phím cũng khó khăn. Nhưng, Phan Cung Việt vẫn viết đều, thường đọc cho tôi nghe qua điện thoại:

Đời ai rồi cũng ráng chiều/Ngói dương phiêu bạt tiêu điều ngói âm/Đời ai rồi cũng mưa dầm/Nhìn ra ô cửa đầm đầm bóng trăng...

Thơ ông bây giờ đượm buồn, nhưng là cái buồn tinh khiết, tôi rất thích những câu thơ minh triết của ông:

...Cả đời chẳng chịu nghe ai/Đêm nằm nghe mọt giảng bài thế gian...

Bài thơ về mẹ của ông tôi đã thuộc lòng:

Có em để có nơi đến/Có mẹ để có nơi về/Về thì mẹ không còn nữa/Đến thì chỉ có sao khuya.

Phải nói rằng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 91 năm qua luôn là nơi ươm mầm cho những tài năng trẻ trên nhiều lĩnh vực trong đó có văn học nghệ thuật. Khi còn là thiếu niên học ở trường làng tôi đã được báo Thiếu niên Tiền Phong in thơ và sau đó Nhà xuất bản Kim Đồng trong tập thơ “Bông hồng đỏ” tôi cũng có thơ in chung với Trần Đăng Khoa, Cẩm Thơ... Trong một lần phát biểu trên đài truyền hình Hà Nội Trần Đăng Khoa nói rằng thời đó người ta gọi chúng tôi là “Giàn thần đồng...”.

Khi làm Tổng Biên tập báo Tiền Phong chúng tôi đã tổ chức cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” để phát hiện, bồi dưỡng các tài năng văn học trẻ. Cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” lần thứ nhất vào năm 1989-1990, sau đó nhiều năm được tổ chức, rồi nâng tầm lên thành cuộc thi sáng tác văn học mang tên “Tầm nhìn thế kỷ”. Nhiều nhà văn nhà thơ được giải ở đây sau này là những tác giả có tiếng như Nguyễn Thị Thu Huệ; Lương Ngọc An; Lê Quốc Hán; Phan Thị Vàng Anh; Nguyễn Vĩnh Tiến; Đỗ Bích Thúy...

Không chỉ ở báo Tiền Phong mà ở nhà xuất bản Kim Đồng, nhà xuất bản Thanh Niên, báo Thanh Niên, báo Thiếu Niên Tiền Phong; báo Nhi Đồng...cũng có những cuộc thi, những chuyên mục nhằm phát hiện, biểu dương, khuyến khích các tài năng trẻ trên lĩnh vực văn học nghệ thuật...

Nhân kỷ niệm 91 năm thành lập Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, tôi muốn viết mấy dòng về những nhà báo nổi tiếng trên lĩnh vực văn, thơ đã, đang là những cán bộ đoàn trên nhiều lĩnh vực thuộc cơ quan T.Ư Đoàn.

MỚI - NÓNG