Những tiêu chí để trường học hạnh phúc

0:00 / 0:00
0:00
TP - TPHCM vừa trở thành địa phương đầu tiên xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí trường học hạnh phúc.

Bộ tiêu chí trường học hạnh phúc do Sở GD&ĐT TPHCM xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo bộ tiêu chí trường học hạnh phúc của UNESCO và điều kiện thực tế ở TPHCM. Sau hơn một năm nghiên cứu và lấy ý kiến của các chuyên gia và nhà giáo, bộ tiêu chí đã chính thức ban hành và áp dụng ngày 16/10/2023.

Bộ tiêu chí gồm 18 khoản, chia làm ba nhóm tiêu chuẩn gồm: Nhóm về con người gồm 6 tiêu chí, nhóm dạy học và hoạt động giáo dục gồm 8 tiêu chí, nhóm về môi trường gồm 4 tiêu chí. Mỗi tiêu chí đánh giá được chia thành 3 mức: cần cải thiện, khá, tốt. Những đánh giá dựa trên cảm nhận của người dạy, người học tại nhà trường. Vì hạnh phúc là cả quá trình, bộ tiêu chí sẽ đánh giá thông qua thái độ, cảm xúc và sự hân hoan đến trường từ người dạy và người học.

Bộ tiêu chí trường học hạnh phúc đưa ra khá nhiều quan điểm tích cực và tiến bộ về giáo dục. Trong đó, đáng kể nhất là việc hạn chế ghi hình thức kỷ luật vào học bạ học sinh. Cụ thể, bộ tiêu chí hướng dẫn, học bạ là sự ghi nhận suốt hành trình học tập và theo suốt hành trình về sau của mỗi con người. Vì thế, giáo viên cần ghi nhận mặt ưu điểm, còn nhược điểm, khuyết điểm chỉ là một phần của thời học sinh. Khi đánh giá khuyết điểm, nhà trường cần xem xét cả quá trình theo dõi sau khi đã phối hợp với gia đình, hỗ trợ học sinh. Cần xem xét kỹ câu chữ khi nhận xét vào học bạ của học sinh. Nhà trường lưu giữ hồ sơ liên quan đến kỷ luật học sinh theo quy định. Hạn chế ghi hình thức kỷ luật vào học bạ của học sinh.

Liên quan sức khỏe tinh thần, bộ tiêu chí (tiêu chí 12) hướng đến mục tiêu các trường thành lập câu lạc bộ thể dục thể thao để học sinh, giáo viên rèn luyện; mỗi học sinh phải biết chơi một môn thể thao… Tiêu chí 16 của trường học hạnh phúc cũng gợi ý các cơ sở giáo dục cần vinh danh, khen thưởng học sinh, tập thể lớp. Điều này như là sự khích lệ, động viên những hành vi tốt, những tiến bộ tích cực.

Bộ tiêu chí sẽ được áp dụng và triển khai ngay tới các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, cơ sở giáo dục ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, các trường cao đẳng, trung cấp thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trên địa bàn.

Vai trò quyết định ở các trường

Dù có thang điểm đo lường nhưng Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, hiệu trưởng mỗi trường có vai trò quyết định hiệu quả triển khai các tiêu chí trường học hạnh phúc. “Hiệu trưởng phải chia sẻ, lắng nghe, động viên đội ngũ giáo viên tích cực đổi mới; giáo viên có đổi mới thì học trò mới hạnh phúc, đổi mới toàn diện từ cách dạy học, cách kiểm tra đánh giá. Bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của trường, của đội ngũ thầy cô giáo, sự tham gia và đồng hành của phụ huynh rất quan trọng. Mỗi em có năng lực, sở trường khác nhau, phụ huynh không nên tạo áp lực hoặc so sánh kết quả học tập chung, tạo áp lực cho học sinh”, ông Hiếu nói.

Những tiêu chí để trường học hạnh phúc ảnh 1

TPHCM kỳ vọng bộ tiêu chí trường học hạnh phúc sẽ giúp thầy cô và học sinh hạnh phúc thật sự tại nhà trường. Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng

Chia sẻ tại buổi ra mắt bộ tiêu chí trường học hạnh phúc của TPHCM, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định, TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai một cách bài bản về trường học hạnh phúc. Việc xây dựng trường học hạnh phúc là phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục thế giới, để mỗi ngày giáo viên, học sinh đến trường là một ngày hạnh phúc. Tuy nhiên, ông Phúc đề nghị các cơ sở giáo dục khi xây dựng trường học hạnh phúc cần làm thực chất, tránh hình thức. “Không được hành chính hóa việc xây dựng trường học hạnh phúc. Tôi biết khi triển khai việc này, nhiều thầy cô hiệu trưởng sẽ lo lắng. Nhà trường tự đánh giá các tiêu chí của trường học hạnh phúc. Nhưng nếu kết quả tự đánh giá quá thấp thì họ có bị xét thi đua không? Tôi đề nghị không đưa nội dung này vào thi đua. Để các trường thực hiện vì sự tiến bộ của chính nhà trường. Để sau mỗi năm, các trường sẽ đối chiếu lại, cứ năm sau tốt hơn năm trước là được”, ông Phúc nói.

“Việc xây dựng trường học hạnh phúc là một quá trình phức tạp, lâu dài. Không thể giải quyết nó trong vài tháng hoặc vài năm. Vì vậy các cơ sở giáo dục cần bình tĩnh, xem cái gì thiết thực cần làm trước. Làm đúng các tiêu chí của trường học hạnh phúc nhưng khi hỏi học sinh, các em nói không hạnh phúc thì cũng chẳng có ý nghĩa gì”

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc

Theo thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), có rất nhiều áp lực trong môi trường giáo dục, đó là học sinh đối mặt với áp lực điểm số, kỳ vọng của người lớn khiến các em chưa cảm thấy thực sự vui vẻ và hạnh phúc khi đến trường. Giáo viên cũng có nhiều áp lực và chưa thật sự cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình. “Trường học hạnh phúc khi thầy cô phải hạnh phúc mới có thể truyền cảm hứng, niềm hạnh phúc của mình cho học trò. Sẽ không có nhà giáo hạnh phúc nếu bản thân công việc chưa giúp họ nuôi sống bản thân, gia đình”, thầy Đức Anh nói và kỳ vọng vào bộ tiêu chí mới này.

MỚI - NÓNG