Ở góc ngã tư Cống Quỳnh - Nguyễn Thị Minh Khai gần bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), hễ mỗi lần đi ngang, đập vào mắt mọi người là tấm bảng to với dòng chữ: “BƠM - VÁ - SỬA XE. SINH VIÊN CÓ THẺ GIẢM 50%. NGƯỜI KHUYẾT TẬT BƠM VÁ MIỄN PHÍ”.
![]() |
Hỏi ra mới biết, tấm bảng ấy là của chú sửa xe tại góc ngã tư này. Chú gắn bó với nghề sửa xe đã hơn mười mấy năm, và tấm bảng này đã theo chú cũng đã lâu. “Tiệm” sửa xe của chú không cầu kì, câu nệ, chỉ vỏn vẹn một chiếc bình bơm hơi đã cũ, vài bộ ốc vít đã sờn màu, một chiếc dù che nắng che mưa, và hơn cả một tấm lòng vàng nữa.
Không hỏi tên chú là gì, quê chú ở đâu, chỉ hỏi một câu hơi-kém-duyên rằng trong khi thu nhập từ việc vá, sửa xe chẳng có bao nhiêu, nhưng tại sao chú lại giảm giá đến tận 50% cho sinh viên và miễn phí hoàn toàn cho người khuyết tật?
![]() |
Chú bảo rằng: “Nhìn mấy đứa sinh viên như tụi bây đi học nhà xa, chú thấy xót lắm. Còn mấy người khuyết tật, họ chủ yếu là người nghèo khó, nhìn họ đi lại đã khó khăn, mình còn ăn mắc nữa thì coi sao đặng”. Câu trả lời của chú, không dùng những câu từ mỹ lệ, nhưng lại khiến người khác phải nhớ từng chữ, từng chữ một vào tâm trí.
Nhìn chú ngồi cặm cụi bơm bánh xe để đổi lấy vài ba nghìn lẻ giữa buổi chiều oi bức, lưng áo đã ướt gần như toàn bộ, tôi hiểu được rằng công việc này chỉ vừa đủ để chú trang trải cuộc sống mưu sinh cùng nỗi lo cơm áo gạo tiền. Nhưng, tấm lòng của chú lại rất sáng. Phải chăng, chú chấp nhận mất đi một khoản tiền công để đổi lấy sự yêu thương, để những giá trị thuộc về mối quan hệ giữa con người với con người được vun đấp, bởi những con người lặng lẽ như chú.
![]() |
Ở Sài Gòn, người ta ít nhớ tên hay nhớ mặt của nhau thật. Tuy nhiên, những hành động đẹp sẽ là điều đọng lại cuối cùng, sẽ mãi được lưu trữ trong tâm trí và trái tim. Chú sửa xe này chẳng hạn. Chú, một người thầm lặng, làm một công việc bình dị với một tấm lòng tận tụy tràn đầy yêu thương, và chú đã góp phần tạo nên một Sài Gòn thật dễ thương.
GYA RADOS