Những ước mơ cho những mục tiêu tương lai sẽ bị đánh mất nếu bạn không… đem cất!

Những ước mơ cho những mục tiêu tương lai sẽ bị đánh mất nếu bạn không… đem cất!
HHT - Như một thói quen, bạn hay kể lể những ước mơ “khổng lồ" đó cho “tập đoàn" bạn bè. Thật bất ngờ, việc “bắc loa” cho những mục tiêu tương lai lại có thể khiến bạn xa rời khỏi chúng!

Có hàng loạt những mục tiêu mà bạn viết xuống trong những năm cấp Ba: Đi du học, đọc nhiều sách, tìm cách đạt được trung bình trên 9.0…

Mục tiêu dễ bay ra khỏi túi khi bạn chia sẻ

Một trong những bí kíp được “người nổi tiếng” truyền lại cho bạn là hãy kể ước mơ, hãy nói ra nguyện vọng của mình với bạn bè và người thân, để họ là những nhân chứng sống giám sát hành trình đi tìm thành công của bạn.

Những ước mơ cho những mục tiêu tương lai sẽ bị đánh mất nếu bạn không… đem cất! ảnh 1

Nếu bạn thực sự tin vào những cẩm nang bỏ túi đó thì có tin buồn cho bạn đây: Hàng loạt các giáo sư tâm lý học như Kurt Lewin, Vera MahlerPeter Gollwitzer đã chỉ ra rằng khi “rêu rao” về mục tiêu, tâm trí bạn sẽ bị đánh lừa bởi cảm giác việc đó đã hoàn tất. Và vì bạn cảm thấy hài lòng, bạn không còn động lực để làm những việc thật sự cần phải làm nữa!

Năm 1982, Peter Gollwitzer, giáo sư tâm lý học của ĐH New York đã viết hẳn một cuốn sách về hiện tượng “thỏa mãn thực tế ảo” này. Tới năm 2009, ông tiến hành một thí nghiệm để chứng minh luận điểm trên. Tiến trình được thực hiện như sau: 163 người được yêu cầu viết ra mục tiêu của mình. Một nửa trong số đó cam kết sẽ hoàn thành “nhiệm vụ” ngay tại hiện trường. Nửa còn lại thì không. Sau đó, cả 163 người có 45 phút để thực hiện “ước mơ”. Tất nhiên, họ được thông báo rằng họ có quyền dừng bất cứ lúc nào họ muốn. Kết quả là những người giữ im lặng không chỉ sử dụng hết 45 phút đã cho mà còn khẳng định rằng mục tiêu của họ còn ở rất xa. Với những người “mạnh miệng” công khai, trung bình, họ ngưng “động tay động chân” chỉ sau 33 phút. Khi được hỏi, họ nói mình cảm thấy đã tiến đến gần hơn mục tiêu đề ra.

Những ước mơ cho những mục tiêu tương lai sẽ bị đánh mất nếu bạn không… đem cất! ảnh 2

Thục Phương (cựu học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) chia sẻ: “Ngày trước, tớ cực kì muốn đi du học Pháp. Tuy nhiên, khi kể ra với mọi người và liên tục tìm hiểu về nước Pháp, tớ cảm tưởng rằng mình đã ở đấy rồi, biết hết về vùng đất đó rồi! Kết quả là tới bây giờ, tớ vẫn ở Việt Nam. Còn hội nhóm bạn thân im thin thít chẳng nói gì thì đã không cánh mà bay một cách đột ngột!”.

Cẩm nang bắn trúng hồng tâm mục tiêu

Vậy làm thế nào để ước mơ thế giới trong tầm tay của bạn không bị vuột mất?

Tuyệt chiêu hũ đậu đen - xanh: Hãy “xé” công việc lớn thành nhiều công việc nhỏ và đặt hạn định cho những công việc đó. Ví dụ, để đạt được mục tiêu du học, bạn cần phải có điểm trung bình tốt, hoạt động ngoại khoá bắt mắt, thư giới thiệu, chứng chỉ IELTS hoặc TOEFL và SAT, vân vân và mây mây… Từ đó, mỗi khi hoàn thành được một việc, bạn sẽ bỏ một hạt đậu xanh vào chiếc hũ thuỷ tinh yêu quý. Mỗi khi trì trệ việc học và không hoàn thành đúng deadline, hãy bỏ một hạt đậu đen vào. Cuối tháng, bạn sẽ tự biết điều chỉnh bản thân theo màu sắc của chiếc hũ ấy thôi! Bí kíp mê ly này đến từ quyển sách kinh điển Đắc Nhân Tâm đấy!

Những ước mơ cho những mục tiêu tương lai sẽ bị đánh mất nếu bạn không… đem cất! ảnh 3

Bạn Hoàng Nam (TP.HCM) chia sẻ: “Tớ bị nghiện xé giấy màu. Vậy nên tớ quy định mỗi một việc cần làm sẽ là một tờ giấy màu. Sau khi hoàn thành, tớ được xé miếng giấy màu đấy và dán lên bàn. Kết quả là cơn nghiện đã khiến tớ ngày một chăm chỉ!”.

Không nhất thiết là hũ đậu hay xé giấy, một thói quen đáng yêu khiến bạn không bỏ được cũng cần được khai thác triệt để cho việc thực hiện mục tiêu!

Cản phá những nỗi sợ để nhảy phóc qua mục tiêu: Trong bài diễn thuyết tại Ted Talk, Tim Ferris đã chỉ ra một sự thật rất đơn giản: Thay vì đuổi theo những mục tiêu cao xa, hãy bắt đầu từ những nỗi sợ hãi, và bạn cần làm điều gì để ngăn chặn viễn cảnh xấu xí đó xảy ra. Đơn giản thế này, bạn sẽ không cố gắng học hành để được đứng nhất trường, nhưng bạn sẽ cố gắng học vì sợ, vì không muốn bị rớt môn. Thay vì bắt đầu với mục tiêu du học quá xa vời, hãy nghĩ xem nếu không làm bài tập SAT ngày mai, bạn sẽ bị trung tâm anh ngữ phạt điều gì. Từ những nỗi sợ bé xíu đem gom góp lại, vượt qua chúng, bạn sẽ đạt được mục tiêu thôi!

Những ước mơ cho những mục tiêu tương lai sẽ bị đánh mất nếu bạn không… đem cất! ảnh 4

Không nói được thì dùng “văn bản” bao vây tâm trí: Bạn Hoạ My (ĐH RMIT, TP.HCM) kể: “Khi còn học cấp Hai, nếu muốn được điểm 9-10 trong bài kiểm tra Lịch sử, tớ sẽ ghi lên tất cả mọi thứ xung quanh mình dòng chữ “9 điểm nha”. Dần dà, mọi thứ trong nhà hay trên trường đều có vết bút xoá hoặc được dán note những ước mong của tớ. Kết quả là khi lên cấp Ba, tớ được hẳn huy chương Vàng môn Lịch sử kì thi Olympic 30/4”.

Lời khuyên về việc giữ kín ước mơ đã từng được Derek Sivers, nhà sáng lập của CD Baby, truyền tải trong một video diễn thuyết tại Ted Talk rằng: “Bạn cần phải cưỡng lại cám dỗ công khai mục tiêu của mình. Bạn cần trì hoãn sự hài lòng đến từ các mối quan hệ xã hội. Và bạn cần hiểu rằng tâm trí mình đã nhầm lời nói với hành động”.

Ông bà ta khuyên chớ có sai: “Nói trước, bước không qua!”. Vậy nên, lần tới khi ôm mộng lớn, hãy cùng bước vào cuộc thi giữ im lặng nào!

Theo Trích HHT 1286
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm